Để du lịch Kon Tum cất cánh
Trong những năm qua, mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong phát triển du lịch, nhưng lượng khách đến với Kon Tum vẫn còn "khiêm tốn” so với các tỉnh trong khu vực. Chính vì vậy, xây dựng chiến lược phát triển du lịch bền vững dựa trên tiềm năng, lợi thế của tỉnh là vấn đề mà chính quyền địa phương và ngành chức năng liên quan đang tính đến, trên cơ sở nghiên cứu và tìm ra những sản phẩm du lịch độc đáo, riêng biệt của tỉnh.
Giàu tiềm năng, lợi thế
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Truyền - Phó Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch cho biết, Kon Tum hiện có trên 30 dân tộc cùng sinh sống, trong đó DTTS chiếm trên 54%. Mỗi một dân tộc có những đặc điểm, phong tục, tín ngưỡng riêng, tạo nên các giá trị văn hoá vừa đa dạng, phong phú, vừa đặc sắc của đồng bào dân tộc vùng Bắc Tây Nguyên. Kon Tum có rất nhiều làng với những nếp nhà sàn nguyên sơ được gìn giữ qua nhiều thế hệ, cuộc sống quần cư thanh bình với các sinh hoạt văn hoá đặc sắc, thực sự là mảnh đất màu mỡ để tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, nhất là loại hình du lịch sinh thái gắn với khám phá văn hóa cộng đồng…
Một trong những nét văn hóa đặc sắc vô cùng nổi bật và không thể không nhắc đến đó là Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể thế giới; trong đó Kon Tum vinh dự được đóng góp hai bộ chiêng Tha của dân tộc Brâu. Các công trình, di tích kiến trúc văn hoá, nghệ thuật như Nhà thờ gỗ, Chùa Bác Ái, Toà giám mục Kon Tum... cũng thu hút một lượng du khách lớn khi đến Kon Tum.
Bên cạnh đó, Kon Tum là vùng đất có lịch sử lâu đời, có truyền thống cách mạng hào hùng với các di tích lịch sử cách mạng được xếp hạng cấp Quốc gia như Di tích lịch sử Ngục Kon Tum, Di tích lịch sử Ngục Đăk Glei, Di tích lịch sử- danh thắng Măng Đen, Di tích lịch sử chiến thắng Đăk Tô- Tân Cảnh; Di tích chiến thắng Plei Kần... Các di tích này với nhiều dữ liệu lịch sử sinh động, hấp dẫn, hiện đang được tôn tạo, bảo quản, sẽ thỏa mãn những du khách muốn tìm hiểu về chiến trường Tây Nguyên, về truyền thống đấu tranh, truyền thống văn hoá của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Đặc biệt, ngã ba Đông Dương và đường mòn Hồ Chí Minh đã đi vào huyền thoại lịch sử Cách mạng Việt Nam, đang có sức hút rất lớn đối với loại hình du lịch tưởng niệm, thăm chiến trường xưa.
Theo ông Đỗ Văn Minh - Trưởng phòng Quản lý Du lịch (Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch), thời gian qua, nguồn tài nguyên du lịch của tỉnh được khai thác để tổ chức các loại hình du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng với các sản phẩm và dịch vụ đa dạng, độc đáo, mang tính đặc trưng của cảnh quan, của từng tộc người, địa phương và luôn làm đắm say, mê hoặc lòng người.
Điều đặc biệt, trong những năm qua, đã có 24 lễ hội được nghiên cứu, phục dựng. Sau khi phục dựng lại, các lễ hội tiêu biểu được đồng bào các dân tộc duy trì, tự tổ chức theo chu kỳ hàng năm ở các cộng đồng dân cư với quy mô phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện, truyền giữ các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, là điều kiện để khai thác và phát triển du lịch cộng đồng.
|
“Trong xu thế phát triển du lịch thế giới, khu vực và Việt Nam hiện nay, Kon Tum được xác định là đầu mối cho các tuyến du lịch trong nước và quốc tế quan trọng như tuyến du lịch Con đường xanh Tây Nguyên, tuyến du lịch hành trình di sản Đông Dương, tuyến du lịch Carnaval đi qua các nước Thái Lan, Campuchia, Lào và Việt Nam… Từ Kon Tum, du khách còn có thể kết nối đến Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, nối tour đến các điểm du lịch khác trong cả nước cũng như đón khách từ các tỉnh về. Với những ưu đãi của thiên nhiên, những đặc sắc trong văn hoá đồng bào dân tộc và văn hóa cồng chiêng, cùng một vị trí chiến lược, Kon Tum đang dần hé mở vẻ đẹp bấy lâu bị tiềm ẩn và trở thành điểm du lịch mới lạ, hấp dẫn, đầy kỳ thú đối với du khách” - bà Bùi Thị Thanh Vân, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch nhận định.
Thu hút đầu tư
Nhận rõ lợi thế tài nguyên, thiên nhiên cùng cơ hội phát triển du lịch trở thành ngành mũi nhọn, trong những năm gần đây, Kon Tum đang thực hiện nhiều chính sách để thu hút đầu tư, nâng cao vị thế của mình trong hệ thống tuyến điểm du lịch quốc gia và trong chiến lược phát triển du lịch của cả nước.
UBND tỉnh đẩy mạnh việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, khu vui chơi giải trí, các sản phẩm du lịch đặc trưng; xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển du lịch trên mọi phương diện: bảo tồn, phát triển các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường; tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến phát triển du lịch.
Cùng với đó, UBND tỉnh còn tăng cường kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư kinh doanh, triển khai nhiều dự án gắn với du lịch. Trong đó đáng chú ý nhất là Tập đoàn FLC đầu tư 2 dự án nghỉ dưỡng với quy mô lớn nhất Tây Nguyên tại Kon Tum là dự án Khu du lịch- đô thị sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp sân Golf quy mô 380 ha, dự án Khu đô thị sinh thái- du lịch gắn với công viên phía Bắc Kon Tum quy mô 330 ha. Bên cạnh đó, Tập đoàn Vingroup cũng đã chính thức xây dựng Trung tâm thương mại- Shophouse Vincom Kon Tum và sẽ tiếp tục hình thành Khu phức hợp đô thị Vinhomes Kon Tum với đầy đủ các loại hình phát triển: khu nhà ở, biệt thự, khu nghỉ dưỡng, khu thương mại, khu giải trí với tổng vốn đầu tư lên đến 4.500 tỷ đồng.
Những cơ chế, chính sách thu hút đầu tư ấy đã và đang tạo đà để du lịch Kon Tum bứt phá. Minh chứng rõ rệt nhất là trong 6 tháng đầu năm nay đạt 273.819 lượt khách, tăng 65,51% so với cùng kỳ năm trước, tổng doanh thu du lịch đạt 155.997 triệu đồng, tăng 73,88% so với cùng kỳ năm 2018.
Phát triển bền vững
Để phát triển du lịch và duy trì tăng trưởng doanh thu từ du lịch một cách bền vững, ngành du lịch tỉnh đã xác định một số giải pháp thiết thực, cơ bản như: xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển du lịch trên mọi phương diện (bảo tồn, phát triển các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường du lịch; tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến phát triển du lịch; đào tạo nguồn nhân lực du lịch); xây dựng chính sách thu hút đầu tư du lịch, chính sách khôi phục, phát triển các ngành, nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát; phát triển các chương trình du lịch sinh thái gắn với thôn làng đồng bào DTTS; tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo tồn văn hóa truyền thống, lễ hội của đồng bào các DTTS, nâng cao lòng tự hào của người dân; xây dựng đội ngũ trí thức là người DTTS có trình độ chuyên môn, có tâm huyết trong sưu tầm, sáng tác, phục hồi và phát triển một số loại hình nghệ thuật truyền thống của Kon Tum có nguy cơ thất truyền.
Bên cạnh đó, ngành du lịch tỉnh cũng sẽ tăng cường phối hợp hoạt động liên ngành nhằm khai thác hiệu quả nền văn hóa đa dạng các DTTS; chú trọng khai thác các tiềm năng du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch mang nét đặc trưng, độc đáo có chất lượng cao của Kon Tum để hấp dẫn du khách trên cơ sở phát huy thế mạnh của du lịch vùng Tây Nguyên; tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng phục vụ các tuyến du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, liên kết với các tỉnh Tây Nguyên xây dựng các tour, tuyến du lịch văn hóa, lịch sử kết hợp với du lịch sinh thái để tạo thành những tour du lịch đặc thù, hấp dẫn của Kon Tum và cả vùng Tây Nguyên; nâng cấp kết cấu hạ tầng, phục dựng, khôi phục các lễ hội, các hoạt động văn hóa nghệ thuật truyền thống, tăng tiện nghi đón khách; xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng (homestay) gắn phát triển du lịch với đời sống cộng đồng đồng bào các DTTS để người dân thực sự phát huy vai trò làm chủ của mình trong hoạt động du lịch…
|
Cao Cường