Đám cưới của người Triêng ở làng Đăk Răng
Theo phong tục, trước khi nên vợ, nên chồng, các chàng trai phải biết đan lát, biết tấu chiêng cồng, các cô gái phải thạo đan chiếu, dệt vải. Cô gái phải chuẩn bị đủ 100 bó củi đẹp để nộp cho nhà trai trong lễ cưới. Ðôi vợ chồng mới cưới thường ở nhà cùng cha mẹ vợ khoảng 3-4 năm rồi chuyển sang ở nhà bố mẹ chồng 3-4 năm, cứ luân phiên như thế cho đến khi cha mẹ một bên qua đời mới định cư một chỗ.
Ông Brôl Vẻ - già làng Đăk Răng, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi cho biết: Theo quan niệm của người Triêng, lễ hội dân gian gắn với vòng đời, mà cưới hỏi là dấu mốc quan trọng. Từ xa xưa, phong tục hôn nhân của người Triêng đã rất văn minh: một vợ, một chồng, tự nguyện. Trong trực hệ, phải từ đời thứ 4 trở đi mới được quyền tác thành vợ chồng.
Trước đây, trẻ em trai khoảng 10 tuổi bắt đầu ngủ đêm tại nhà rông, khoảng 15 tuổi thì cà răng và sau đó vài ba năm sẽ lấy vợ. Con gái chủ động trong việc hôn nhân của mình và sự lựa chọn của con cái được cha mẹ tôn trọng. Dấu vết mẫu hệ còn in đậm ở việc người con gái chủ động trong hôn nhân, khi họ đã để mắt đến chàng trai nào đó, họ cần một người bạn gái thân làm mối để tặng quà. Quà tặng có thể là lóng mía, trái dưa, trái bắp hay đơn giản là bông hoa. Khi chàng trai đã nhận quà, nghĩa là chính thức có tình cảm với cô gái và họ bắt đầu trải qua nhiều ứng xử kín đáo mà thú vị. Điển hình là giấc mơ phong tục ở nhà rông.
Về khuya, khi giấc ngủ cận kề, người bạn thân của cô gái sẽ qua nhà rông con trai soi tìm chân người con trai và gãi nhẹ vào bàn chân. Người con trai nhận được tín hiệu và đi theo cô gái dẫn đường đến nhà rông con gái. Đêm ấy, họ ngủ với nhau, nhưng không phải ngủ như vợ chồng, mặc dù chung tấm chăn đắp. Giấc ngủ này đem đến cho chàng trai giấc mơ có thể lành hoặc dữ. Nếu lành như mơ thấy mặt trời mọc, bụi le tốt, suối nước trong… và dữ như gặp cây đổ, đá lở, suối nước đục… giấc mơ là điềm báo trước cho cuộc hôn nhân. Nếu gặp phải giấc mơ dữ, chàng trai sẽ tìm cách để thông báo với cô gái rằng chúng ta có duyên nhưng không có phận; ngược lại, nếu mơ thấy điều lành, hai bên có thể xin phép cha mẹ, gia đình để vun đắp cho tình yêu phát triển cho đến khi gia đình 2 bên có thể báo với già làng, mối tình đã được chấp nhận.
|
Đám hỏi, tiếng Triêng gọi là Ta Vuy Treng sẽ được người mai mối tiến hành vào ban đêm, lần lượt từ nhà trai sang nhà gái. Phong tục của người Triêng cho rằng đám hỏi phải bí mật vì sợ con nhện sa, con gián bậy, đó là cách nói bóng gió rằng sợ những kẻ xấu bụng lời ra, tiếng vào làm ảnh hưởng đến hạnh phúc lứa đôi. Vì vậy, trong đám hỏi chỉ có những người thân tham dự. Trong lễ hỏi, một con gà sẽ là vật hiến sinh, nhưng cắt cổ gà ở nhà trai lại được trao cho cô gái. Người mai mối khấn xin phép thần linh và bắt chéo 2 cần rượu đưa cho đôi trai gái uống phép, rồi lần lượt đến cha mẹ 2 bên cùng những người thân. Rồi họ chúc tụng, ăn uống vui vẻ, không quên bàn bạc chuyện tổ chức lễ cưới. Sau đó, bên gái ra về trước và chuẩn bị đón bên nhà trai và người mai mối đến tổ chức đám hỏi tại nhà mình, các nghi lễ diễn ra như bên nhà trai. Kể từ đây, chàng trai, cô gái được phép gọi cha, mẹ đôi bên.
Để chuẩn bị cho lễ cưới, khi mặt trời chưa mọc, những thanh niên trai tráng trong làng đã chia nhau lên rẫy để cài bẫy bắt con chim, con thú, ra sông thả lưới quăng chài bắt cá và chế biến thành những món ăn trong ngày cưới. Những người già, ngồi bên bếp lửa nhà rông, chế tác nhạc cụ dân gian từ những ống lồ ô, vỏ quả bầu khô để vui chơi trong ngày cưới, âm thanh của những nhạc cụ ấy sẽ thay lòng họ chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ. Những người phụ nữ cũng tất bật vào rừng tìm cây mây đắng, lấy những đọt măng, hái rau rừng để chế biến thành những món ăn không thể thiếu trong ngày cưới. Trong khi thanh niên lên rẫy, ra sông, người già chế tác nhạc cụ, phụ nữ lên rừng thì những cô gái lại tất bật giúp bạn mình chặt những bó củi hứa hôn để cô gái biếu nhà chồng, những lóng củi được chặt đều đặn, được chẻ tại chỗ rồi chuyển về nhà gái chất thành đống chờ ngày chuyển sang nhà trai. Theo phong tục, trước khi nên vợ, nên chồng, các chàng trai phải biết đan lát, biết tấu chiêng cồng, các cô gái phải thạo đan chiếu, dệt vải (ở những vùng có nghề dệt). Cô gái phải chuẩn bị đủ 100 bó củi đẹp để nộp cho nhà trai trong lễ cưới. Ðôi vợ chồng mới cưới thường ở nhà cùng cha mẹ vợ khoảng 3-4 năm rồi chuyển sang ở nhà bố mẹ chồng 3-4 năm, cứ luân phiên như thế cho đến khi cha mẹ một bên qua đời mới định cư một chỗ.
Đám cưới được tổ chức vào ban ngày, mở đầu là việc chuyển những thanh củi hứa hôn từ nhà gái sang nhà trai. Tiếp đến, dưới sự điều khiển của người mai mối, lễ cưới được tiến hành với gà, heo, gùi, ghè rượu và những trang phục mà cô gái đã dệt trước đó để biếu nhà chồng. Trong khi làm lễ, người mai mối đặt ngón tay vào miệng ghè rượu mà khấn rằng “hứa hẹn với nhau, yêu thương nhau, sinh nhiều con cái, sống với nhau đến nhắm mắt, xuôi tay. Nếu chẳng may, một trong 2 người chết đi trước, một năm sau người còn sống mới được thay đổi tình cảm, mới được lấy người khác”.
Lần lượt heo, gà được cắt tiết và chế biến thành món ăn, cùng với cơm lam, thịt chim, thịt chuột, rau rừng, hai bên ăn uống vui vẻ, say sưa. Khi ra về, nhà trai tặng nhà gái một đùi sau của con heo, một ít gạo, muối, ớt và một bầu rượu. Ngày hôm sau sẽ là đám cưới được tổ chức bên nhà gái, mọi lễ thức diễn ra giống như bên nhà trai, heo bên nhà gái sẽ do đại diện nhà trai chọc tiết. Lễ vật trao tặng bên nhà trai khi ra về cũng giống như bên nhà trai. Theo phong tục của người Triêng, đám cưới bên nhà gái xong, chú rể sẽ ở lại bên nhà vợ một thời gian rồi mới chuyển về nhà mình ở hẳn. Trong thời gian này, họ cùng nhau lên rẫy chăm sóc hoa màu, kiếm củi, đặt bẫy thú rừng… Cũng trong thời gian này, nhà trai sẽ chia lại số củi cưới cho nhà gái và bà con họ hàng. Thời gian sau, vợ chồng chuyển hẳn về nhà chồng, trước khi đi, gia đình cô gái sẽ tặng 3 món quà là cây cài cửa, với dụng ý giữ gìn hạnh phúc lứa đôi; giỏ muối để bếp tượng trưng cho cuộc sống ấm no và một con chó. Từ đây đôi vợ chồng luôn bên nhau, chung một con đường đến nhắm mắt xuôi tay.
Cùng với nghệ thuật trình diễn, văn hóa ẩm thực, lễ thức đám cưới của đồng bào dân tộc Triêng, làng Đăk Răng, xã Đăk Dục (huyện Ngọc Hồi) thực sự là nét văn hóa lành mạnh, đậm đà bản sắc cần được lưu giữ, phát huy.
Mạnh Thắng