Đăk Glei: Giáo dục học sinh giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc
Huyện Đăk Glei có tỷ lệ học sinh đồng bào DTTS chiếm gần 90%. Thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện triển khai nhiều hoạt động thiết thực trong trường học nhằm góp phần giáo dục cho học sinh ý thức bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các DTTS trên địa bàn.
Đã thành thông lệ, vào dịp cuối tuần, đội cồng chiêng Trường Tiểu học xã Đăk Kroong (huyện Đăk Glei) lại có mặt tại sân trường để tập luyện. Dưới sự hướng dẫn tận tâm của nghệ nhân, khả năng cảm âm và trình diễn của các em học sinh dần được nâng lên; tiếng cồng, tiếng chiêng khi trầm khi bổng, ngân vang khắp sân trường, giúp các em hòa mình vào sinh hoạt văn hóa đầy hứng khởi, vui tươi.
Em A Hải Đăng (dân tộc Giẻ-Triêng), học sinh lớp 5B, Trường Tiểu học xã Đăk Kroong phấn khởi cho biết: “Em tham gia đội cồng chiêng của nhà trường được 4 năm rồi. Em được đi biểu diễn cồng chiêng trong các sự kiện lớn ở huyện Đăk Glei, huyện Đăk Hà và thành phố Đà Nẵng. Em sẽ cố gắng để có thể học hỏi nhiều hơn về kỹ năng đánh chiêng, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc Giẻ-Triêng”.
|
Thầy giáo Đặng Văn Hoàng- Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Đăk Kroong chia sẻ: “Từ khi nhà trường thành lập đội cồng chiêng, chính quyền địa phương và cha mẹ của các em học sinh rất đồng tình ủng hộ. Đội cồng chiêng của nhà trường đến nay đã đạt nhiều giải cao tại các cuộc thi do huyện, tỉnh tổ chức. Chủ đề của các bài cồng chiêng chủ yếu là thể hiện tinh thần vui vẻ, phấn khởi của người dân chào đón các ngày lễ lớn ở thôn làng như mừng lúa mới, mừng nhà rông mới”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến nay, tất cả các xã, thị trấn của huyện Đăk Glei đều đã thành lập các đội cồng chiêng-xoang thiếu niên với thành phần nòng cốt là các em học sinh ở cấp tiểu học và THCS.
Điều đặc biệt, ở bậc mầm non và tiểu học, các trường học trên địa bàn huyện Đăk Glei đều chú trọng dạy học cho các em bằng phương pháp song ngữ, kết hợp giữa tiếng phổ thông và tiếng mẹ đẻ. Cách dạy học này vừa giúp các em học sinh tiếp thu kiến thức dễ dàng, nâng cao chất lượng dạy học, vừa góp phần giữ gìn ngôn ngữ của đồng bào DTTS trên địa bàn.
Cô giáo Y Hằng- Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Mường Hoong cho biết: “ Ở trường, hầu hết học sinh là người dân tộc Xơ Đăng, vốn từ tiếng Việt các em còn hạn chế nên khó tiếp thu bài giảng của giáo viên. Với ưu thế là giáo viên người Xơ Đăng, tôi sử dụng tiếng mẹ đẻ để giảng giải cho các em hiểu hơn về bài học, sau đó nói lại bằng tiếng Việt để củng cố lại bài. Việc làm này cũng góp phần giúp các em thêm yêu tiếng nói và chữ viết của dân tộc Xơ Đăng hơn”.
Ngoài ra, học sinh cấp tiểu học trên địa bàn huyện Đăk Glei được tiếp cận và sử dụng các bộ truyện song ngữ do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cung cấp, như Sự tích ngày và đêm, Sự tích núi Nồi Cơm, Dúi cứu Voi, Chú khỉ nghịch ngợm, Thanh đao thần.
|
Ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Đăk Glei còn có nhiều hoạt động có ý nghĩa nhằm góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các DTTS như khuyến khích giáo viên, học sinh mặc trang phục truyền thống nhân các ngày lễ lớn; bố trí góc học tập có trang phục, vật dụng dùng trong sinh hoạt và lao động sản xuất của các DTTS tại địa phương.
Cô giáo Trần Thị Bích Ngọc- Trường Mầm non xã Đăk Pék chia sẻ: “Việc trang trí góc học tập thì giáo viên và phụ huynh học sinh cùng tham gia. Phụ huynh hỗ trợ trang phục, vật liệu dễ tìm như tre, nứa để làm các vật dụng nhỏ như gùi, nia, thúng, rổ, rá, dụng cụ đánh bắt cá. Dựa vào các bài học ở góc học tập, trẻ em sẽ hiểu hơn và thêm yêu quý nguồn gốc, truyền thống của dân tộc mình”.
Bên cạnh hỗ trợ công tác dạy và học, các hoạt động thiết thực nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các DTTS trong trường học do ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Đăk Glei triển khai trong thời gian qua còn mang lại hiệu quả tích cực trong việc góp phần giáo dục đạo đức, nhân cách, ý thức yêu quê hương, nguồn cội cho học sinh. Từ đó, tạo động lực để các em ra sức học tập, rèn luyện, để sau này chung tay xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.
Tấn Lộc