Còn cuốc, còn rèn
Ngoài 70 tuổi, già Bloong Rum là một trong số ít nghệ nhân ở thôn Dục Nhầy 1, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi còn gắn bó với lò rèn thủ công.
Theo già Bloong Rum, tuy không được biết đến nhiều như dệt thổ cẩm và đan lát mây tre, song rèn cũng là nghề thủ công không thể thiếu trong đời sống, góp phần làm nên bề dày văn hóa dân gian của người Triêng từ xa xưa.
Thông thường, lò rèn được đắp bằng đất sét, ống dẫn (ống thông hơi) làm từ cây lồ ô. Lò rèn thủ công của người Triêng được vận hành đơn giản bằng cách dùng tay kéo ống dẫn, tạo ra luồng hơi để thổi lò, đốt lửa. Nhiệt lượng từ than (củi) giúp nung thanh sắt, mẩu thép nguyên liệu để rèn thành vật dụng, đồ dùng.
Già Bloong Rum còn nhớ: Ngày xưa, người Giẻ Triêng lan truyền “bí quyết” dùng da con mang để chế tác bộ phận thổi hơi quạt lò và dùng nước cua để bôi lên vật rèn trong quá trình tôi luyện. Theo đó, mỗi lò rèn có 2 cái “cối” được gắn liền với 2 “nắp” bằng da mang. Người “thổi lò” luôn tay kéo lên ấn xuống một cách nhịp nhàng, khiến da mang liên tục phồng - xẹp, tạo thành hơi thổi lò. Bằng cách này, luồng hơi ra nhiều, lực hơi mạnh, thổi bếp cháy lâu, cháy bền, đem lại nguồn nhiệt năng lớn để trui rèn sắt, thép.
Đơn giản và phổ biến hơn khi không cần da mang, mà chỉ dùng ống thổi lửa bằng lồ ô. Đoạn lồ ô rỗng ruột được dựng đứng, nối trực tiếp với bếp lò. Dùng tay vận hành ống dẫn này, luồng hơi tạo ra làm lửa cháy.
Kinh nghiệm dùng nước cua để “tôi” vật dụng rèn là lấy những con cua đồng, cua suối giã nát, lọc lấy nước (nước sền sệt càng “tinh” càng tốt). Trong quá trình rèn, nước này liên tục được bôi lên mảnh sắt, thép trước khi nung nóng, đập dập. Theo những thợ rèn lâu năm, cách này giúp con dao, con rựa, cái cuốc… luôn có độ bén hơn, bền hơn.
|
Trải qua năm tháng, nghề rèn được duy trì bằng nhiều cách để thích nghi với thực tế và phù hợp yêu cầu của người thợ. Trong đó, không chỉ đơn thuần làm ống thổi bằng lồ ô, mà sau này, tận dụng vành xe đạp cũ cũng có thể cho ra kiểu bễ rèn kéo bằng tay khá tiện dụng.
Từ trước tới nay, cùng với các vật dụng phổ biến trong gia đình như dao, rựa, hầu hết các nông cụ của người Triêng đều được rèn thủ công. Chỉ riêng cái cuốc, cũng gồm nhiều loại cuốc lớn, cuốc nhỏ khác nhau, có công dụng khác nhau như dùng để cuốc đất, cuốc gốc, làm cỏ lúa, làm cỏ mì, bắp… Giỏi nghề lâu năm, già Bloong Rum không chỉ thành thạo rèn tất cả các loại đồ dùng, vật dụng, mà các sản phẩm còn bền, sắc, đẹp mắt, được mọi người yêu thích, tin dùng. Bình thường thì rèn “trơn”, song thi thoảng, già cũng kỳ công tạo thêm hoa văn trang trí trên con dao, cái kiếm bằng cách chạm khắc trên bề mặt nguyên liệu trong quá trình tạo hình.
Tuy không thể so sánh mức độ nặng nhọc hay vất vả với các nghề thủ công khác, song rèn cũng đòi hỏi không chỉ tính kiên trì, nhẫn nại, mà cả sự tỷ mỉ, khéo léo. Lặng lẽ gắn bó với nghề, già Bloong Rum không khỏi tự hào khi tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ bà con. Đáng mừng hơn, khi cuộc sống ngày càng phát triển, có nhiều nông cụ được sản xuất theo hướng công nghiệp, thuận tiện sử dụng; song người làng vẫn ưa thích, tin dùng những nông cụ, vật dụng truyền thống mà tuổi thọ của mỗi sản phẩm thường được tính từ đời này sang đời khác.
Bloong Rum đã không chỉ đóng góp công sức nhỏ bé của mình giúp dân làng yên tâm sản xuất, mà còn tích cực gìn giữ nét đẹp truyền thống mà các thế hệ đi trước đã tạo nên. Ông mong mỏi và sẵn sàng truyền nghề cho những người trẻ thực sự quan tâm và nhiệt huyết với rèn thủ công.
Thanh Như