Chuyện kể của áo dài và thổ cẩm
Chiều hôm ấy, trong ánh mắt của những người dự chương trình biểu diễn thời trang áo dài thổ cẩm Tây Nguyên tại Măng Đen (Kon Plông), tôi đọc được sự say mê ở những thiếu nữ; sự tự hào ở các bà, các mẹ, các chị; sự ngỡ ngàng của cánh mày râu.
Giữa khung cảnh sương khói, không gian đẫm hơi nước thác Pa Sỹ huyền ảo như chốn tiên cảnh, hơn 100 diễn viên không chuyên người DTTS và 40 nghệ sĩ, diễn viên, người mẫu đã kể câu chuyện về sự kết hợp tài tình giữa áo dài và thổ cẩm.
Trong không gian mờ mờ nhân ảnh ấy, tôi lại miên man nghĩ về áo dài và thổ cẩm.Càng nghĩ, lại càng thấy ngỡ ngàng bởi sự kết hợp diệu kỳ.
Nếu đặt áo dài và thổ cẩm riêng biệt, thì cả hai đều là bản sắc văn hóa, với lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, đều đem lại nét đẹp đặc biệt cho người sử dụng chúng, đều đã và đang trở thành nét đặc trưng của ngành công nghiệp thời trang.
Đến nay, chưa có nhà nghiên cứu nào có thể xác định chính xác lịch sử áo dài và thời điểm xuất hiện của áo dài. Chỉ chắc chắn rằng, từ rất lâu rồi, áo dài đã là trang phục truyền thống và là nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Việt Nam.
|
Áo dài phù hợp với mọi lứa tuổi, và mọi tầng lớp của xã hội. Từ người giàu cho đến người nghèo, từ trẻ con cho đến các cụ già đều có thể mặc áo dài.
Trải qua từng thời kì phát triển của lịch sử, áo dài luôn không ngừng biến đổi, với nhiều kiểu dáng, chất liệu, từ truyền thống đến hiện đại, từ đại chúng đến phá cách.
Nhưng dù thế nào thì áo dài vẫn giữ được nét uyển chuyển, gợi cảm, kín đáo mà không trang phục nào mang lại được cho phụ nữ Việt Nam.
Giống như áo dài, thổ cẩm cũng có lịch sử hình thành và phát triển lâu dài, gắn với đời sống của đồng bào các DTTS. Qua thời gian, thổ cẩm là di sản, tinh hoa của nghề dệt may thủ công truyền thống.
Theo khái niệm từ vựng, thổ cẩm là loại vải dệt đẹp như gấm (cẩm) của các DTTS (thổ). Vì thế, thổ cẩm được xem là biểu tượng thể hiện đời sống văn hóa và tinh thần của các DTTS.
Vải thổ cẩm được dệt chủ yếu là sợi bông thô, sợi lanh kết hợp với màu nhuộm từ thiên nhiên. Mỗi DTTS đều có cách dệt thổ cẩm riêng biệt với hoa văn khác nhau. Mỗi loại hoa văn gắn liền với môi trường sống, qua đó thể hiện những nét văn hóa đặc trưng của vùng miền.
Để có một tấm thổ cẩm, phải trải qua nhiều công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo của người dệt. Ngày xưa, thổ cẩm dùng may trang phục, như váy áo, khăn, khố, sau này còn dùng may chăn, ga trải giường, hàng lưu niệm (như balo, túi xách, khăn trải bàn …).
Thổ cẩm cũng đang là chất liệu được ngành công nghiệp thời trang ưu ái, nhiều người ưu chuộng. Có thể dễ dàng bắt gặp những mẫu thiết kế hiện đại, hợp thời trang từ thổ cẩm, như trang phục công sở, váy, áo, hiện diện trên phố, nơi công sở.
Nhưng dù thế nào đi nữa, với suy nghĩ thông thường sẽ thấy rằng, khó có thể kết hợp được áo dài với thổ cẩm truyền thống. Tôi không nói đến những mẫu áo dài sử dụng "vải ta" thêm họa tiết thổ cẩm như thường thấy trong tiệm may hay bán ngoài thị trường.
Lý do ư? Thổ cẩm là sản phẩm gắn liền với sự khéo tay của mỗi cô gái, nên hoa văn thổ cẩm cực kỳ cá tính, màu sắc thường được dệt theo chủ ý của "tác giả", vì thế, có những sắc màu rực rỡ, hoặc rất trầm, rất khó kết hợp với các tông màu khác.
Hơn nữa, thổ cẩm dệt tay truyền thống khá dày, nặng, sợi to nên cứng, khó tạo nên độ uyển chuyển, thanh thoát, dịu dàng và nền nã. Trong khi với áo dài, đây là những yêu cầu hàng đầu, mang tính bắt buộc.
Bởi vậy, một thợ may có tiếng ở thành phố Kon Tum, từng nhiều năm làm bạn với thổ cẩm từng chia sẻ rằng, thổ cẩm là chất liệu đẹp, nhưng khó cắt may, tạo phom.
Nếu cắt không khéo, hoặc không có hướng xử lý tốt sẽ khiến các đường dệt bị bung ra toàn bộ. Vì vậy, chị chỉ may áo, váy từ thổ cẩm, chứ chưa dám dùng thổ cẩm để may áo dài.
Nhà thiết kế Minh Hạnh- người khởi đầu đưa thổ cẩm lên thời trang áo dài ở Việt Nam- cũng chia sẻ, để có những mẫu áo dài thổ cẩm, bà đã lặn lội hàng tháng trời đến các buôn làng người DTTS khắp Bắc, Trung, Nam, Tây Nguyên để tìm hiểu về chất liệu, kiểu dáng họa tiết trên vải thổ cẩm.
Trên nền tảng hoa văn truyền thống, bà sáng tạo ra những mẫu hoa văn, họa tiết mới bằng cảm quan hiện đại, làm toát lên biểu tượng văn hóa của dân tộc Việt Nam trên những bộ trang phục bằng chất liệu thổ cẩm.
Và tất nhiên, để hoàn thành chúng, bà phải bỏ ra cả năm trời để nghiên cứu, thử nghiệm và thiết kế, vô cùng tốn kém về thời gian, công sức và tiền bạc.
|
Thế nên thật bất ngờ khi cả hai kết hợp, lại đem đến một cái nhìn mới mẻ về thời trang áo dài. Tất nhiên, đây là kết quả của một quá trình sáng tạo đầy công phu.
Với sự kết hợp hài hòa, tinh tế nhiều màu sắc, chất liệu thổ cẩm trên cùng sản phẩm thiết kế, cộng với dáng trang phục hiện đại, các mẫu áo dài cho thấy thổ cẩm có thể vượt qua những suy nghĩ chật chội thông thường, ứng dụng nhiều hơn trong thế giới thời trang hiện nay và mai sau.
Chúng vừa phóng khoáng, mang đậm tinh thần của vùng đất, con người Tây Nguyên vừa mang nét sang trọng, thanh thoát cần có của áo dài.
Nếu ví mỗi mẫu áo dài như một bông hoa đẹp, thì những dải màu rực rỡ, những hoa văn truyền thống của thổ cẩm được sử dụng khéo léo, biến hóa thành “nhụy”, tô điểm cho vẻ đẹp của bông hoa ấy.
Chúng thể hiện tư duy thẩm mỹ, sự kết hợp hài hòa giữa nét truyền thống và hiện đại, giữa cổ điển và cách tân; quen thuộc, gần gũi mà mới lạ, hấp dẫn; kín đáo mà vẫn "khoe" được vẻ đẹp của người phụ nữ.
Nên cũng dễ hiểu khi tôi đọc được sự say mê ở những thiếu nữ; sự tự hào ở các bà, các mẹ, các chị; sự ngỡ ngàng của cánh mày râu khi xem chương trình biểu diễn thời trang áo dài thổ cẩm Tây Nguyên tại Măng Đen, tổ chức ngày 29-30/10/2022.
Và hẳn không xa, ta sẽ thấy những bộ áo dài thổ cẩm trên phố, chứ không phải áo dài họa tiết thổ cẩm.
Hồng Lam