Chung tay giữ gìn giá trị văn hóa các DTTS
Tỉnh ta có hơn 53% dân số là đồng bào DTTS, nhiều dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 7 DTTS tại chỗ đã tạo nên giá trị văn hóa đa dạng, phong phú, đặc sắc. Quá trình hội nhập và phát triển bên cạnh việc tạo ra những cơ hội, cũng đặt ra không ít thách thức trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS. Đứng trước những thách thức đó, chung tay gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các DTTS trên địa bàn tỉnh là nhiệm vụ rất cần được quan tâm, chú trọng.
Sau hơn 1 năm thực hiện phương hướng “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc mà Hội nghị Văn hóa toàn quốc đề ra, nhiều sự kiện, hoạt động văn hóa được các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh tổ chức đã tạo ra sắc màu mới, không khí mới và những chuyển biến tích cực trong nhận thức về văn hóa của các cấp, các ngành và của chính người dân.
|
Sự kiện văn hóa thu hút sự quan tâm của không chỉ nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, mà cả du khách trong, ngoài nước và những ai quan tâm đến văn hóa của các DTTS Kon Tum gần đây nhất là Hội thi Cồng chiêng, xoang các DTTS tỉnh Kon Tum lần thứ nhất do UBND tỉnh tổ chức. Mỗi đoàn, mỗi dân tộc, mỗi nghệ nhân mang đến Hội thi những tiết mục, những phong cách, những nét đẹp văn hóa riêng nhưng điểm chung là tình yêu, là niềm tự hào, là sự tri ân với nét đẹp văn hóa của dân tộc. Từ các nghệ nhân, các vận động viên chính thức tham dự Hội thi đến những người dân đến thưởng thức đều được đắm chìm trong âm thanh trầm bổng của cồng chiêng, trong điệu bước uyển chuyển, dặt dìu múa xoang, trong sôi nổi, vui tươi trò chơi dân gian mà cha ông đã lưu truyền để lớp cháu con hôm nay thừa hưởng, gìn giữ, phát huy. Được trình diễn những nét đẹp văn hóa của dân tộc, được tận mắt cảm nhận nét đẹp văn hóa của các dân tộc khác, được các cấp, các ngành tôn vinh và sự yêu mến của mỗi người khi đến Hội thi càng khiến cho mỗi nghệ nhân, mỗi vận động thêm yêu quý, trân trọng, tự hào và ý thức bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc.
Một hoạt động khác thu hút sự chú ý của đông đảo người dân là Chương trình biểu diễn áo dài - thời trang thổ cẩm Tây Nguyên do UBND huyện Kon Plông phối hợp với Nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh tổ chức. Những chiếc áo dài truyền thống được trình diễn tại Chương trình do các nhà thiết kế trong nước thiết kế trên nền vải thổ cẩm dệt tay của người phụ nữ các DTTS Tây Nguyên cho thấy sự giao thoa văn hóa, tôn vinh nét đẹp trang phục, chất liệu của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Như được tiếp thêm động lực, thêm tự hào về sản phẩm thổ cẩm truyền thống, đồng bào DTTS, đặc biệt là chị em phụ nữ vốn ngày ngày cần mẫn, tỉ mỉ bên khung dệt, nay càng chăm chút hơn với những hoa văn, màu sắc, sợi chỉ, mong muốn sản phẩm thổ cẩm có cơ hội vươn xa.
|
Hội diễn cồng chiêng, múa xoang dành cho học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú do Sở Giáo dục và đào tạo tổ chức cũng là sự kiện văn hóa thu hút sự quan tâm, tham gia của đông đảo nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các em học sinh. Nhờ được lớp cha ông truyền dạy, nhờ được các cấp, các ngành phối hợp tổ chức nhiều hoạt động tôn vinh, trình diễn, đã góp phần giúp các em học sinh DTTS trên địa bàn tỉnh thêm say mê, nỗ lực gìn giữ, bảo tồn nét đẹp văn hóa của dân tộc.
Không dừng lại ở các hoạt động trên, sau hơn 1 năm thực hiện phương hướng “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” của Hội nghị Văn hóa toàn quốc, nhiều hoạt động văn hóa đã được tỉnh, các ban, ngành, các địa phương, các đơn vị, trường học tổ chức, góp phần giữ lửa, tiếp lửa và vun đắp niềm tự hào, trách nhiệm về giá trị văn hóa truyền thống các DTTS cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ trên địa bàn tỉnh.
Kon Tum là vùng đất có nhiều dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc có những đặc điểm, phong tục, tín ngưỡng riêng. Chính vì vậy, hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của các DTTS trên địa bàn tỉnh rất phong phú, độc đáo, thể hiện ở các loại hình như văn hóa luật tục, văn hóa cư trú, nhà rông, văn hóa lễ hội, văn hóa cồng chiêng và nhạc cụ dân tộc, các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, văn hóa trang phục, ngôn ngữ - chữ viết, chạm khắc – hoa văn, họa tiết, đẽo tượng nhà mồ, dệt thổ cẩm, đan lát…
Những giá trị văn hóa đó có từ lâu đời, được trao truyền từ đời này sang đời khác, được chính mỗi người dân bảo tồn, gìn giữ cho đến ngày nay. Tuy nhiên, quá trình hội nhập và phát triển diễn ra ngày càng mạnh mẽ, kéo theo những biến động văn hóa sâu sắc. Đời sống người dân vùng DTTS trên địa bàn tỉnh ngày càng khởi sắc là điều dễ dàng nhận thấy; nhưng với việc tiếp cận, giao lưu nhiều nền văn hóa khác nhau, đồng bào DTTS, đặc biệt là lớp trẻ có sự thay đổi về nhận thức, thị hiếu thẩm mĩ, quan niệm về cái hay, cái đẹp. Trong khi lớp người già ở các làng thuần thục các kỹ năng, hiểu biết phong tục, tập quán, các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể ngày càng yếu đi, ít dần đi thì lớp trẻ lại thiếu đi sự mặn mà, chưa đủ sức để kế tiếp.
Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh chỉ rõ: “Tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống các DTTS”. Để góp phần xây dựng nền văn hóa vừa tiên tiến, hiện đại, vừa đậm đà bản sắc, kế thừa truyền thống mà Hội nghị Văn hóa toàn quốc nhấn mạnh, trên cơ sở chủ trương, đường hướng rõ ràng, đúng đắn, rất cần có quyết tâm lớn từ các cấp, các ngành và của chính cộng đồng các DTTS trên địa bàn tỉnh.
Nguyên Phúc