Chạm vào trái tim
Ngắm những em học sinh say sưa trong nhịp chiêng, tôi chợt bàng hoàng nhận ra, bên trong nét thơ ngây con trẻ đã ẩn tàng nét tài hoa, kiêu hãnh vốn có của người đàn ông Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, chỉ lộ ra khi ở bên chiêng, đắm mình với chiêng.
Ngày 29/10, tôi hòa vào vòng người dự Liên hoan Cồng chiêng - múa xoang, thi trang phục dân tộc thiểu số dành cho học sinh năm 2022 do Phòng GD&ĐT thành phố Kon Tum tổ chức.
“Tinh tinh tang... tinh tinh tang...”, âm thanh hòa quyện, nối tiếp nhau, bay xa. Nếu chỉ nghe mà không nhìn, mấy ai dám nghĩ dòng suối âm thanh ấy được đánh lên bởi những học sinh tiểu học, trung học cơ sở.
Tiếng chiêng làm tôi nhớ về một đêm rét ướt đầu tháng 11 cách đây 5 năm ở làng Plei Rơ Wăk, xã Đăk Năng, thành phố Kon Tum.
Hôm ấy, tôi ngồi giữa nhà rông, đắm mình trong giai điệu cồng chiêng lúc nỉ non, khi du dương, lúc trầm buồn, khi réo rắt dội vào vách nhà rông, quẩn quanh những mái nhà ám khói, ngược về phía đại ngàn.
Đó gần như là buổi diễn “báo cáo tốt nghiệp” của lớp cồng chiêng dành cho thiếu niên trong làng. Hầu hết các em đều đang học tiểu học, lớn nhất lớp 5, nhỏ nhất lớp 2, có em còn chưa cao bằng con dao phát.
|
Trong mơ màng, tôi vẫn nhìn thấy nụ cười mãn nguyện của già A Binh. Già vẫn khuyên răn lũ trẻ rằng, học chiêng là phải học bằng tim mình, phải nối được với hồn chiêng, nếu không, cũng chỉ lã gõ chiêng mà thôi. Và hẳn rằng chúng đã làm được.
Hơn 2 tháng qua, dưới sự chỉ dạy của già A Binh, các em đã miệt mài học tập các bài chiêng. Ngày đi học, tối đến các em lại tập trung ở nhà rông học từ dễ đến khó, từ những nốt đơn giản nhất đến bài chiêng cổ rất khó.
Còn với già A Binh, dù không nhớ chính xác là đã dạy cho bao nhiêu con cháu biết đánh chiêng, nhưng đây là lứa học trò làm ông hài lòng bởi khả năng thẩm âm tốt, rất yêu thích chiêng, nhất là A Đinh.
A Đinh là một hạt giống tốt- già A Binh nói- chỉ học vài tháng đã có thể đánh thành thạo được các bài chiêng khó, như Mừng lúa mới, Mừng nhà rông hay Ăn trâu, Trỉa lúa.
Tôi tò mò ngắm A Đinh, trong khi cậu ta như dồn hết tâm trí vào việc đánh chiêng, không để ý đến xung quanh.
Tôi từng nghe câu chuyện về cậu học trò nhỏ này. Cha A Đinh hay uống rượu, nên nhà nghèo, mấy lần cậu bỏ học, nhưng được sự động viên, giúp đỡ của làng và thầy cô giáo, A Đinh lại đến trường. Nói chung, A Đinh là một học trò trung bình.
Nhưng A Đinh lại mê chiêng. Đang làm gì, ở đâu, chỉ cần nghe tiếng chiêng là ngứa ngáy lỗ tai, ngứa ngáy tay chân. Nếu học chữ là một chuyện khá vất vả với A Đinh, thì học chiêng lại khá dễ dàng. Những nốt chiêng dường như “rất thân” với cậu, chỉ cần nghe vài lần là in trong đầu.
Khi già A Binh mở lớp dạy chiêng vào buổi tối, A Đinh mừng lắm, đến xin học ngay. Nhưng mẹ A Đinh không đồng ý, bà muốn con trai lo học hành. “Nếu mẹ không cho đi học chiêng, con cũng sẽ nghỉ học ngay”- cậu nói, có vẻ rất nghiêm túc, với đôi môi mím lại.
A Đinh muốn đánh chiêng giỏi, muốn dạy người khác đánh chiêng như già A Binh. Trong mắt của cậu, già A Binh giỏi lắm, bài chiêng nào cũng biết, có thể dạy mọi người đánh chiêng.
Mỗi khi làng có hội, mà không, kể cả những đêm bình thường, già A Binh đem chiêng ra đánh, A Binh lại ngồi ngắm say sưa, nghe say sưa, trong đầu cháy bỏng mong ước trở thành một “A Binh” nữa.
“Tinh tinh tang... tinh tinh tang...”, chuỗi âm thanh hòa quyện, nối tiếp nhau, đan xen trầm bổng vừa dứt trong tiếng vỗ tay vang dội, bứt tôi khỏi dòng hồi tưởng, về với thực tại.
Một đội chiêng khác chuẩn bị trình diễn. Những gương mặt non nớt hơi căng thẳng. Những bàn tay nhỏ miết trên vành chiêng lành lạnh. Tôi chợt nhận ra, bên trong nét thơ ngây con trẻ đã ẩn tàng nét tài hoa, kiêu hãnh vốn có của người đàn ông Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai.
Thật khó thống kê hết đã có bao nhiêu lớp truyền dạy đánh cồng chiêng cho học sinh DTTS được tổ chức ở thành phố Kon Tum. Chỉ biết rằng, trong số 1.076 học sinh tham gia liên hoan lần này đã có 304 em học sinh ở các đội cồng chiêng.
Đây là những em đã được tuyển chọn từ các trường, còn nếu tính học sinh biết đánh chiêng thì chắc chắn sẽ rất nhiều- một người bên cạnh nói.
Tôi cũng đồng ý như vậy.
|
Theo ông Thái Khắc Hòa- Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Kon Tum, Liên hoan cồng chiêng - múa xoang, thi trang phục DTTS dành cho học sinh thành phố Kon Tum là hoạt động được tổ chức 2 năm một lần. Tuy nhiên, những năm qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên phải tạm dừng.
Năm nay, dịch bệnh được kiểm soát, nên liên hoan được tổ chức lại. Đây là một trong những hoạt động của ngành chào mừng kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2022) hướng tới kỷ niệm 110 năm Ngày thành lập tỉnh Kon Tum (9/2/1913-9/2/2023)- ông Thái Khắc Hòa cho biết.
Đồng thời tạo sân chơi văn hóa bổ ích để học sinh DTTS giao lưu, chia sẻ, tìm hiểu thêm về văn hóa và biểu diễn cồng chiêng. Qua đó, giúp học sinh càng yêu quý, trân trọng và luôn có ý thức bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc.
Điều thuận lợi là nhiều trường học trên địa bàn thành phố đã và đang phối hợp với chính quyền địa phương, các làng và các nghệ nhân duy trì hoạt động dạy đánh cồng chiêng, múa xoang cho học sinh.
Chúng tôi mong muốn giá trị văn hoá của dân tộc sẽ góp phần hun đúc, nuôi dưỡng tâm hồn học sinh. Từ đó giúp các em học tập tiến bộ hơn và hướng tới những suy nghĩ và hành động tốt đẹp trong cuộc sống”- ông Thái Khắc Hoà chia sẻ.
Vâng, tôi cũng tin như vậy. Đã lâu rồi, tôi không đồng ý với lối tư duy quy chụp rằng, văn hóa cồng chiêng đang “chết”; rằng mai này, sẽ vắng bóng cồng, chiêng.
Đành rằng có gian nan, khó khăn, nhưng chiêng vẫn sống mãi, bởi chiêng cũng có hồn, bởi trong tâm thức, trong dòng máu của mỗi người đàn ông các dân tộc Tây Nguyên vẫn có sợi dây vô hình gắn kết với hồn chiêng, chỉ cần chạm vào, là nó sẽ thức tỉnh và ngân nga.
Dưới mái nhà rông Kon Klor, vòng chiêng – xoang đang khép lại. Qua những đôi tay nhỏ, tiếng chiêng “gọi núi rừng, suối thác” về, chạm vào trái tim mỗi người.
Hồng Lam