Bổng trầm đá hát
Vào những đêm trăng sáng, khi sương khuya đã giăng kín dãy Chư Mom Ray, dân làng Chốt lại nghe những thanh âm kỳ diệu vang lên từ căn nhà sàn nằm ngay đỉnh dốc. Ấy là A Huynh đang chơi đàn đá. Thanh âm khi bổng khi trầm, đang réo rắt như tiếng chim hót bỗng ào ạt, quấn quýt, dồn đuổi nhau như nước suối Ya Lân.
1. Trong sự háo hức chờ đợi của mọi người, A Huynh lui cui trong góc nhà sàn tối mờ mờ một lúc mới lễ mễ vác ra một bao tải… đá, rồi lại lui cui xếp từng thanh đá ra sàn nhà, cười phân trần: Cái giàn treo đàn bằng dây rừng lâu ngày rồi nên mối ăn hết, bị đứt mất cách đây mấy hôm, khi đem đàn ra chơi mừng lễ cúng lúa mới, chưa kịp làm giàn mới. Bây giờ phải xếp tạm ra sàn thôi.
Dù bây giờ A Huynh và những thanh đá “biết hát” của mình đã được nhiều người biết đến, báo chí cũng viết nhiều về anh, nhưng chàng thanh niên người Gia Rai ấy chẳng thay đổi gì. Vẫn dáng người thấp đậm, nụ cười hiền lành, cởi mở, phóng khoáng; vẫn ngày đêm làm bạn với những thanh đá tưởng chừng vô tri nhưng có thể “hát” lên thanh âm đầy sức lôi cuốn.
Tôi ngạc nhiên nhìn những thanh đá dày có, mỏng có; ngắn có, dài có, thanh to nhất A Huynh phải để riêng, khệ nệ bê ra sau cùng vì nặng. Tôi đã từng được nhìn một số bộ đàn đá, tất nhiên la qua tivi. Chúng trơn láng, trau chuốt, có bộ còn được cẩn thận đánh dấu các nốt, từ đồ, rê, mi, fa, sol, la, si... lên từng thanh đá.
Nhưng đàn đá của A Huynh thì khác, đều là những thanh đá thô ráp, xù xì, giữ nguyên hình dáng ban đầu. Như khi chúng được tìm kiếm và đưa về từ suối Ya Lân cách làng Chốt (thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy) non 10 cây số vậy.
Dường như nhìn ra sự băn khoăn của tôi, A Huynh cầm 2 thanh gõ thử âm, rồi đôi tay anh như múa, tiếng đàn đá rung lên. Tình yêu ngàn năm vùi sâu lòng đá bỗng vang thật lạ, bỗng vang thật xa, biến thành lời ca, biến thành điệu nhạc, biến thành tiếng hát… kéo tâm hồn của tôi về với núi rừng, với những ngày tháng 3/2007.
Khi ấy, cậu con trai mới lớn A Huynh lặn ngụp chặn dòng suối Ya Lân làm thủy điện nhỏ thắp sáng nhà rẫy, vô tình gõ vào vài thanh đá thì thấy phát ra âm thanh bổng trầm khác thường. Tò mò, A Huynh nhặt mấy thanh đem về.
Tối ngủ, cậu nhớ lại, cha mẹ có kể, ngày xưa, người Ba Na làm rẫy trên núi cao, chim và thú thường kéo đến phá hoại, nên người ta lấy những thanh đá “biết hát”, phát ra âm thanh vang xa, treo bên suối, nước suối chảy, làm chúng va vào nhau, chim, thú nghe tiếng vang không dám đến phá hoại. Những thanh đá ấy được gọi là “đá biết nói”. Từ đó, tiếng đá hát luôn vang lên theo từng con suối, theo từng cái rẫy.
Dân làng nghe “đá hát” càng thêm mạnh cái tay, mạnh cái chân làm rẫy; con thú nghe tiếng “đá hát”, biết là đã có người nên tránh ra xa, không phá hoại mùa màng - A Huynh kể, ánh mắt mơ màng.
Sáng hôm sau, A Huynh bắt đầu đi dọc suối, chọn những phiến đá đẹp, “biết hát”, gom lại bỏ dưới bóng cây trên rẫy. Những lúc nghỉ ngơi, Huynh chọn ra những thanh có cung bậc rõ ràng gõ hát nghêu ngao cho đỡ buồn nơi rẫy vắng.
|
Tiếng đàn đá vẫn ngân vang, dường như bên ngoài đã bắt đầu có những cái đầu lấp ló, A Huynh vẫn mải mê chơi đàn, đôi mắt khép hờ, không có bất cứ dấu hiệu nào chỉ rằng đây thanh đá mang âm đồ, còn đây là thanh mang âm rê..., nhưng đôi tay của A Huynh vẫn gõ đều những nốt nhạc của bài dân ca Gia Rai “Tình yêu bên suối”, khi tươi vui như cô gái được người yêu hẹn gặp, lúc réo rắt như cô gái gọi tên người yêu, rồi thì thầm như tiếng tâm sự của đôi trẻ.
A Bớ là người đầu tiên vào nhà A Huynh. Cũng là người biết chơi và mê đàn đá, A Bớ thủ thỉ: Người Gia Rai nói, chơi đàn đá bằng tai chứ không bằng mắt. Còn nói như mấy anh bên ngành Văn hóa huyện thì chơi đàn đá đòi hỏi khiếu thẩm âm tốt và trí nhớ tuyệt vời. Có lẽ vì thế mà dân làng gần như ai cũng thích đàn đá, nhưng người biết chơi chỉ có mấy người, như A Huynh, A Sút, A Nơi và mình. Đặc biệt, anh A Nơi bị mù cả 2 mắt nhưng chơi đàn đá rất hay.
2.Thanh âm của đàn đá từng được cố Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Khê ca ngợi là “biểu hiện tâm tư hệt như con người”. Âm thanh của đàn đá vừa sống động, vui nhộn đấy nhưng lại trầm lắng, nhịp nhàng, du dương khó tả. Ở âm vực cao, tiếng đàn đá thánh thót xa xăm; ở âm vực trầm, vang như tiếng dội của vách đá. Đàn đá đã được giới thiệu ở trong và ngoài nước, làm cho bao người đi từ ngạc nhiên tới thích thú.
Dưới con mắt của những nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, đàn đá phát hiện được hầu hết đều do người đời trước chế tác. Sau khi khai quật và khảo sát tại núi Dốc Gạo, thôn Tô Hạp, xã Trung Hạp, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa, các nhà nghiên cứu đã tìm ra nhiều dấu tích người xưa chế tác đàn đá tại đây đã cho rằng hầu hết đàn đá đều xuất phát từ Khánh Sơn, bởi những đàn đá phát hiện được đều ở quanh khu vực này.
Do vậy, dù chưa phát hiện ra đàn đá cổ ở Kon Tum, và đàn đá mà A Huynh phát hiện được ở suối Ya Lân (làng Chốt, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy) vẫn chỉ là những thanh đá thô chưa có sự gia cố của con người, nhưng đây cũng là sự kiện làm các nhà chuyên môn có cái nhìn khác về lịch sử đàn đá. Bởi theo nhận định của nhiều người, việc tìm ra đàn đá cổ ở Kon Tum chỉ còn là vấn đề thời gian, nơi A Huynh tìm thấy đá “biết hát” cách di chỉ đồ đá Lung Leng nổi tiếng chưa đến 10 km đường chim bay.
Nhưng A Huynh thì đâu có biết chuyện này. Anh cùng những thanh đá “biết hát” của mình sống âm thầm mấy năm trên rẫy mì, cho đến một ngày cuối năm 2009, anh được mời về giúp thị trấn Sa Thầy tổ chức đội văn nghệ quần chúng đi dự Liên hoan nghệ thuật quần chúng toàn huyện. Tại Liên hoan, tiết mục A Huynh gõ đàn đá bài dân ca Gia Rai “Dân công tiếp lương tải đạn” và bài “Ru em” đã hoàn toàn chinh phục Ban giám khảo và tiếp tục được đưa đi dự Hội diễn nghệ thuật quần chúng toàn tỉnh Kon Tum (tháng 2/2010).
Ngày ấy, cố nhạc sĩ Phạm Cao Đạt - Chủ tịch Hội đồng giám khảo đã xúc động, hay đúng hơn, đã sửng sốt và tự hào mà cho rằng: Với tư cách là một người nghiên cứu văn hóa Bắc Tây Nguyên, tôi rất tự hào khi Kon Tum phát hiện ra đàn đá. Cho đến nay Tây Nguyên có 4 hiện tượng văn hóa nổi bật là: Cồng chiêng, đàn đá, sử thi, và nhà rông thì ở Kon Tum cả 4 loại hình này đều rất phong phú.
Nén lòng chờ nhiệm vụ ở Hội diễn nghệ thuật kết thúc, cố nhạc sĩ Phạm Cao Đạt đã đề xuất Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Kon Tum thành lập Tổ khảo sát tìm đến làng Chốt - quê hương của A Huynh để tìm hiểu về đàn đá. Và chính tay A Huynh đã trân trọng trao cho Tổ khảo sát 2 bộ đàn đá có đủ các cung bậc mà anh đã dày công tìm kiếm. Đàn đá của A Huynh, của người Gia Rai bắt đầu được mọi người biết đến từ đó.
Thời gian sau, theo đề nghị của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Kon Tum, Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch đã yêu cầu Viện Âm nhạc Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Kon Tum khảo cứu một cách đầy đủ về đàn đá ở Kon Tum, nhưng có lẽ do vướng vấn đề kinh phí nên đến nay vẫn chưa triển khai được.
Nghe tôi nhắc lại, A Huynh cười hiền: Em không nghĩ được xa vậy đâu. Em tính rồi, tới đây cố gắng thu xếp thời gian đi tìm thêm mấy bộ nữa, về dạy cho mấy em có năng khiếu trong làng. Để vào mỗi dịp lễ hội, khi dân làng vui trắng đêm, hát trắng đêm, sẽ có thêm tiếng đàn đá hòa quyện với tiếng chiêng trầm lắng, tiếng ting ning thiết tha, rạo rực... Vậy là vui rồi.
Bên kia, đã đến lúc A Nơi “biểu diễn”. Trong bổng trầm đá hát, tôi nghe tiếng xào xạc cây rừng, tiếng róc rách suối chảy của địa ngàn; lời an ủi lúc buồn, lời chúc mừng khi vui của người xưa.
Thành Hưng