Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào DTTS
Thời gian qua, tỉnh ta đẩy mạnh việc định hướng, xây dựng nhiều chính sách về bảo tồn, phát huy, quảng bá giá trị văn hóa các DTTS trên địa bàn. Qua đó, góp phần bảo tồn, phát huy các nét đẹp văn hóa truyền thống, xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc, tạo động lực cho phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Ông Phan Văn Hoàng- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Đến nay, công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các DTTS được chú trọng, nhất là các loại hình nghệ thuật truyền thống. Công tác nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng các loại hình văn hóa truyền thống tiêu biểu các DTTS được triển khai thực hiện. Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nhằm “trao truyền giá trị văn hóa truyền thống” trong lớp trẻ được chú trọng nhằm tạo sự kế thừa và lan tỏa trong cộng đồng, như: tổ chức nhiều lớp truyền dạy về cồng chiêng, múa xoang; lớp truyền dạy nghề dệt, đan lát; về chế tác và diễn tấu nhạc cụ truyền thống; về dân ca, dân vũ... được chính quyền các địa phương và ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch chú trọng đúng mức.
Bên cạnh đó, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các địa phương có nhiều cách làm hay, thiết thực trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống như thành lập các câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian, các đội nghệ nhân dân gian; trạng bị cồng chiêng, trống cho các thôn/làng đồng bào DTTS không có cồng chiêng; thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, như: Ngày hội văn hóa, thể thao các DTTS, Tuần Văn hóa- Du lịch tỉnh, Hội thi cồng chiêng, xoang các DTTS tỉnh, Ngày hội đua thuyền độc mộc vào dịp Tết Nguyên Đán hàng năm.
|
Thực hiện bảo tồn, phát huy di sản Không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021- 2025, trong giai đoạn 2021- 2023, tỉnh đã trang bị 137 bộ cồng chiêng, trống cho 137 thôn/làng đồng bào DTTS, vượt mục tiêu đề ra. Đồng thời, tổ chức truyền dạy kỹ năng diễn tấu cồng chiêng, múa xoang và các bài chiêng truyền thống cho các làng đồng bào DTTS với 143 lớp; ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai việc dạy học di sản văn hóa trong trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, định hướng các cơ sở giáo dục lồng ghép nội dung di sản văn hóa trong các môn học tại nhà trường; tổ chức Hội thi cồng chiêng xoang cho học sinh các trường PTDTNT, PTDTBT trên địa bàn toàn tỉnh định kỳ 2 năm một lần.
Thực hiện việc Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các DTTS tỉnh Kon Tum giai đoạn 2020- 2030, trong giai đoạn 2020- 2023, tỉnh ta bước đầu triển khai công tác kiểm kê về trang phục truyền thống của 3 DTTS (Ba Na, Gia Rai, Giẻ - Triêng); lập 3 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể về nghề dệt thủ công truyền thống, trang phục truyền thống các DTTS đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa cấp Quốc gia. Bên cạnh đó, đã tổ chức 10 lớp truyền dạy về kỹ năng nghề dệt thủ công truyền thống, trang phục truyền thống cho các làng đồng bào các DTTS; triển khai mặc trang phục truyền thống phù hợp và các ngày lễ, tết, ngày hội... cho học sinh trường dân tộc nội trú, học sinh là người DTTS, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trên địa bàn tỉnh.
Trong giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh ta đã hỗ trợ các địa phương xây dựng, sửa chữa nhà rông truyền thống các DTTS. Kết quả, đã hỗ trợ xây dựng mới 2 nhà rông, hỗ trợ sửa chữa 14 nhà rông. Tính đến nay, tỉnh có tổng số 409 làng có nhà rông với 434 nhà rông; trong đó có 182 nhà rông làm bằng vật liệu truyền thống, 252 nhà rông làm bằng vật liệu bán truyền thống, vật liệu hiện đại. Một số huyện đạt tỷ lệ 100% thôn/làng đồng bào DTTS có nhà rông là huyện Sa Thầy, huyện Tu Mơ Rông và huyện Kon Rẫy; trong đó, huyện Kon Rẫy đạt tỷ lệ 100% nhà rông làm bằng nguyên vật liệu truyền thống.
Công tác tu bổ, tôn tạo tổng thể các di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh, khảo cổ được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia và di tích cấp tỉnh có giá trị tiêu biểu được chú trọng triển khai.
Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang phối hợp với huyện Đăk Tô và các đơn vị liên quan triển khai dự án tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh với kinh phí khoảng 60.000 triệu đồng.
Với những kết quả đạt được, có thể khẳng định, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các DTTS luôn được tỉnh quan tâm đúng mức. Qua đó, góp phần làm phong phú, đa dạng đời sống tinh thần đồng bào các dân tộc và sự phát triển chung của tỉnh. Đâylà động lực để ngành Văn hóa cùng các ngành, các cấp tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chương trình, đề án về phát triển, bảo tồn văn hóa trong thời gian đến.
Hoàng Thanh