Ẩm thực truyền thống của đồng bào DTTS huyện Ngọc Hồi
Ngọc Hồi là huyện biên giới, nơi hội tụ, sinh sống của 17 dân tộc anh em. Nhắc đến ẩm thực truyền thống các DTTS huyện Ngọc Hồi, mọi người sẽ cảm nhận được từ trong những món ăn, thức uống dung dị có từ ngàn xưa, mang hương vị, sắc màu của đại ngàn như: thịt sóc, thịt dúi, thịt chuột, thịt heo, thịt trâu, cá sông, cá suối, măng le, củ mì. Qua bàn tay chế biến tài hoa của người dân nơi đây, sẽ mang đến cho thực khách những điều thú vị và bất ngờ.
Đối với dân tộc B’Râu, các loại thịt nướng, rau thơm, muối ớt, cá suối, măng chua, lá mì là những thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn hằng ngày cũng như các dịp lễ hội của cộng đồng.
Ông Thao Lơi (làng Đăk Mế, xã Bờ Y) cho hay: Dân tộc B’Râu có nhiều món ăn đặc sắc, mang hương vị của núi rừng như thịt bằm trộn với rau rừng, cá suối nướng ống nứa, thịt dồi trộn với rau thơm, cá suối nấu với lá mì và măng chua, thịt trâu nướng ống lồ ô, cơm lam, rượu ghè, thịt nhái, thịt sóc, thịt chuột, được chế biến với mỗi loại gia vị khác nhau, tạo nên hương vị riêng của từng món ăn.
Bà Y Chon - Chủ tịch Hội LHPN xã Đăk Dục chia sẻ về cách chế biến món thịt heo gác bếp của người Giẻ- Triêng. Con heo sau khi mổ, được rửa sạch, lọc thịt, thái ra từng miếng, tẩm ướp các loại gia vị (nước mắm, muối ớt, hành, tiêu rừng, dầu ăn...), đưa lên gác bếp. Sau một thời gian, khói bếp (người dân nấu ăn bằng củi) bám vào đến chín luôn miếng thịt. Khi có khách tới thăm nhà, hoặc mỗi khi tổ chức lễ hội, gia chủ mang thịt heo gác bếp đãi khách.
|
“Xưa kia, người Giẻ- Triêng săn bắt heo rừng để chế biến món này. Ngày nay, bà con nuôi heo đen, heo sọc dưa thả rông trong vườn nhà, trên rẫy; cho heo ăn các loại cám gạo, mì, bắp, thân cây chuối, rau lang nên thịt săn chắc, chế biến món thịt heo gác bếp cũng rất ngon. Để trở thành sản phẩm hàng hoá, từ 3 năm nay, HTX Dục Nông nuôi hàng trăm con heo đen, heo sọc dưa; chế biến theo phương pháp an toàn (hút chân không), đảm bảo vệ sinh thực phẩm. Món thịt heo gác bếp của HTX được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, sản phẩm làm ra không đủ cung cấp cho thị trường” - bà Y Chon bộc bạch.
Bên cạnh những món ăn độc đáo của đồng bào các DTTS tại chỗ, ẩm thực truyền thống của dân tộc Mường cũng có nét đặc sắc riêng.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Đinh Thị Quý (thôn Hào Lý, xã Sa Loong) cho biết: Các hộ gia đình người Mường từ tỉnh Hoà Bình di cư vào Ngọc Hồi lập nghiệp từ năm 1991 vẫn giữ gìn nhiều món ăn mang đậm bản sắc của các DTTS vùng núi phía Bắc. Mỗi món ăn được chế biến bằng các loại gia vị khác nhau, tạo nên hương vị riêng. Tiêu biểu như các món lá cây ráy rừng nấu cách thủy với thịt hoặc cá; măng chua nấu với thịt gà; cá suối nấu cách thủy với lá giang; rau thập cẩm chưng cách thủy.
|
Ngoài những món ăn đặc trưng của núi rừng, rượu cần của đồng bào các DTTS Ngọc Hồi cũng có những nét riêng. Cùng là rượu cần, nhưng nếu rượu cần đồng bào Xơ Đăng có vị cay, nồng của mì gòn và men lá, thì rượu ghè của đồng bào Giẻ- Triêng lại có hương vị thanh và dịu ngọt của lúa nếp hay hạt kê. Tựu trung lại, mỗi món ăn hay thức uống của đồng bào DTTS là cả một sự sáng tạo trong cách chọn nguyên liệu và cách chế biến để tạo nên sự khác biệt giữa các món ăn của từng cộng đồng dân tộc.
Ông Nguyễn Chí Tường- Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hồi cho biết: Bên cạnh các giá trị văn hoá cồng chiêng-xoang, chế tác, trình diễn nhạc cụ, dân ca, dân vũ và các nghề truyền thống, ẩm thực của đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện Ngọc Hồi được quan tâm giữ gìn và phát huy, từng bước nâng lên thành sản phẩm du lịch đặc trưng để thu hút du khách đến với vùng đất ngã ba biên nhiều hơn.
Đặc biệt, trong dịp Lễ Quốc khánh 2/9, UBND huyện Ngọc Hồi chỉ đạo chính quyền xã Sa Loong tổ chức Lễ hội văn hoá người Mường năm 2022; trong đó có các hoạt động như tái hiện Lễ cưới truyền thống, Liên hoan văn hoá ẩm thực, tổ chức các trò chơi dân gian của dân tộc Mường, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh tham dự. Đây là tiền đề để huyện Ngọc Hồi tổ chức định kỳ hàng năm Lễ hội văn hoá Mường, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Mường; tạo sự đoàn kết, gắn bó với các thành phần DTTS khác trên địa bàn huyện.
Trong thời gian tới, UBND huyện Ngọc Hồi chỉ đạo UBND các xã, thị trấn trên địa bàn phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành khảo sát, tham mưu tổ chức một số không gian văn hoá ẩm thực truyền thống để giới thiệu, quảng bá rộng rãi những món ẩm thực độc đáo của đồng bào các DTTS đến với đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh.
Quang Định