Triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2024
Chiều 11/12, UBND tỉnh tổ chức Phiên họp trực tuyến với các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội năm 2024. Đồng chí Lê Ngọc Tuấn- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Phiên họp.
|
Tại Phiên họp, UBND tỉnh đánh giá khái quát về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội năm 2023.
Theo đó, năm 2023, với tinh thần quyết liệt, trách nhiệm cao của các cấp, các ngành, sự tin tưởng, đồng lòng, quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, kinh tế- xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển và đạt được nhiều kết quả quan trọng: Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP) năm 2023 ước khoảng 18.939 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 7,32%, đứng thứ 22 cả nước và đứng thứ nhất khu vực Tây Nguyên; tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước khoảng 27.035 tỷ đồng, đạt 100,13% kế hoạch và tăng 15,51% so với cùng kỳ năm 2022; chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 16% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ khoảng 34.184 tỷ đồng, tăng 17,27% so với cùng kỳ năm 2022; công tác đào tạo nghề được duy trì thường xuyên, đã giải quyết việc làm cho 7.053 lao động, đạt 117,55% kế hoạch; tỷ lệ hộ nghèo giảm 4% so với năm 2022; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế khoảng 93,35% dân số; quốc phòng- an ninh được giữ vững, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội giữ ổn định; hoạt động đối ngoại được tăng cường, mở rộng.
Bên cạnh kết quả đạt được, UBND tỉnh đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: Tốc độ tăng trưởng GRDP, thu ngân sách nhà nước không đạt kế hoạch; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; công tác đấu giá, khai thác quỹ đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn; công tác chuyển đổi số còn chậm; tai nạn giao thông tăng cả ba tiêu chí...
Năm 2024, UBND tỉnh đề ra mục tiêu tổng quát, tiếp tục cụ thể hóa và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh; huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của tỉnh, gắn với thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; đẩy mạnh phát triển dược liệu, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với công nghiệp chế biến; đầu tư phát triển đô thị, du lịch, dịch vụ và tăng cường cải cách hành chính; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cải thiện mức sống của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị; đảm bảo an ninh, trật tự; củng cố, mở rộng quan hệ đối ngoại.
Một số chỉ tiêu chủ yếu được UBND tỉnh đề ra là, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt từ 10% trở lên; GRDP bình quân đầu người trên 63,7 triệu đồng; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn từ 4.600 tỷ đồng trở lên; tổng vốn đầu tư toàn xã hội từ 30.000 tỷ đồng trở lên; thành lập mới từ 360 doanh nghiệp trở lên; toàn tỉnh có thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới; thu hút 1,7 triệu lượt khách du lịch đến tỉnh; phấn đấu duy trì Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và cải thiện Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX); tỷ lệ hộ nghèo giảm ít nhất 3-4%/năm; 94,15% dân số tham gia bảo hiểm y tế; 85% xã, phường, thị trấn, khu dân cư, cơ quan, trường học đạt tiêu chuẩn an toàn về an ninh trật tự...
Tại Phiên họp, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương tập trung thảo luận, đề xuất nhiều giải pháp nhằm đảm bảo triển khai thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội năm 2024.
|
Phát biểu kết luận Phiên họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, phấn đấu của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội năm 2023. Đồng thời, đề nghị lãnh đạo các đơn vị, địa phương tiếp tục phấn đấu để thực hiện tốt các nhiệm vụ của những ngày còn lại trong năm 2023, tạo tiền đề, động lực hoàn thành cao nhất các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2024 đã được Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đề ra.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm mà các ngành, các địa phương cần tập trung triển khai quyết liệt. Đó là, tập trung triển khai kịp thời, quyết liệt các nghị quyết mà kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh khóa XII vừa thông qua; khẩn trương xây dựng kế hoạch khắc phục khuyết điểm năm 2023 đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ ra; xây dựng và trình cấp có thẩm quyền sớm thông qua Đề án phát triển tỉnh Kon Tum nhanh và bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị. Bên cạnh đó, cần tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước và Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ thông qua và các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác quản lý đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước, giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng; đẩy mạnh cải cách hành chính; tiếp tục cải thiện thực chất môi trường đầu tư kinh doanh, phấn đấu duy trì Chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh (PCI), tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, trong thời gian tới, các ngành chức năng, các địa phương chú trọng triển khai kịp thời công tác bảo đảm an sinh xã hội; tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán năm 2024 vui tươi, an toàn, tiết kiệm; tăng cường đấu tranh các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm hình sự liên quan đến “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi, tội phạm ma túy; giảm thiểu tai nạn giao thông trên cả ba tiêu chí.
Sau Phiên họp, các thành viên UBND tỉnh tiến hành họp thảo luận, cho ý kiến đối với một số nội dung thuộc thẩm quyền xem xét, quyết định của tập thể UBND tỉnh.
Thùy Hương