Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và những định hướng sâu sắc đối với báo chí trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Từng nhiều năm làm công tác nghiên cứu khoa học, biên tập và lãnh đạo Tạp chí Cộng sản, cho đến sau này là lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều bài viết, bài phát biểu, trả lời phỏng vấn quan trọng. Những bài viết, bài phát biểu của Tổng Bí thư được in thành sách, trở thành tài liệu quan trọng định hướng công tác tuyên truyền, góp phần nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; là tài liệu quan trọng để báo chí đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
|
Trong bài viết: “Dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác tư tưởng của Đảng” (đăng trên các báo Trung ương và địa phương ngày 22/7/2024), đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa- Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã khẳng định: Trên lĩnh vực công tác tuyên truyền, cổ động, báo chí, truyền thông, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một người làm báo thực thụ, rất sắc bén, trở thành cây đại thụ trong nền báo chí cách mạng Việt Nam. Điểm đặc biệt nổi bật trong các bài viết của Đồng chí là mang tầm chiến lược, nhìn xa trông rộng, nhưng vô cùng gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ, mang tính chiến đấu cao và có sức lan tỏa, tác động, cảm hóa sâu sắc. Những bài viết, bài nói của Đồng chí góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền, giáo dục chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; làm cho hệ tư tưởng của Đảng dần chiếm vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội; góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
|
Những bài viết, bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến nay đã được tập hợp thành sách, như: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh", “Một số vấn đề đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới”, “Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc”; “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, “Quốc hội trong tiến trình đổi mới đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Đây là những tài liệu vô cùng quan trọng để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, đặc biệt là đối với báo chí- lực lượng nòng cốt tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng (theo Nghị quyết 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị khóa XII) xem như “vũ khí” sắc bén để đấu tranh phản bác lại những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch.
Để chống phá Đảng, Nhà nước ta, các thế lực thù địch thường đưa ra những luận điệu xuyên tạc về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; về phòng, chống tham nhũng, đối ngoại, dân tộc, tôn giáo, về quyền con người ở Việt Nam. Vì vậy, với nhãn quan chính trị sâu sắc và tầm nhìn, tư duy chiến lược, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành nhiều thời gian, tâm huyết để nghiên cứu, phân tích, đúc kết, phát triển tư duy, làm rõ các khái niệm trên, thông qua những bài viết, bài phát biểu sâu sắc.
Gạt bỏ những gì khô cứng, khó hiểu, khó nhớ, với cách diễn đạt dung dị, gần gũi, gắn kết giữa lý luận và thực tiễn, các bài viết, bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cho thấy rõ hơn tư tưởng nhất quán, kiên định và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị; thể hiện rõ hơn và làm sâu sắc thêm bản chất, giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội, trên cơ sở vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; phát triển tư duy của Đảng ta về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nói chung và nâng cao năng lực tổ chức, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội Việt Nam nói riêng; thể hiện sự am hiểu sâu sắc, tư duy, tầm nhìn của người đứng đầu Đảng về các lĩnh vực, qua đó góp phần củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ.
Những bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng góp phần quan trọng định hướng công tác tuyên truyền, đặc biệt là tài liệu quan trọng giúp báo chí phản bác lại những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
|
Điển hình, trước luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch cho rằng “chủ nghĩa xã hội là sai lầm của lịch sử”, “chủ nghĩa xã hội là ảo tưởng không thực hiện được”, “Việt Nam lựa chọn và kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là sai lầm, đi theo vết xe đổ của Liên Xô”..., báo chí viện dẫn bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để làm luận cứ đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch ấy.
Kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, bài viết của Tổng Bí thư thể hiện sâu sắc quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với các vấn đề quan trọng trong xây dựng chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, trong đó tập trung trả lời câu hỏi, cắt nghĩa, lý giải rất sâu sắc, đầy sức thuyết phục 4 vấn đề: Chủ nghĩa xã hội là gì? Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội? Làm thế nào và bằng cách nào để từng bước xây dựng được chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam? Thực tiễn công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta trong thời gian qua có ý nghĩa gì và đặt ra vấn đề gì?
Từ đó Tổng Bí thư khẳng định: Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.
Hay để phản bác quan điểm sai trái, thù địch cho rằng Việt Nam không có dân chủ, không có pháp quyền bởi chế độ một đảng cầm quyền; phê phán, bác bỏ, phủ nhận vai trò, tính chất pháp quyền của Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cho rằng nhà nước pháp quyền là giá trị của các nước tư bản và Việt Nam đặt lại vấn đề xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền là đi theo con đường tư bản chủ nghĩa; Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam chỉ có “đảng trị”, chứ không có tính pháp quyền, cho rằng chỉ có nhà nước pháp quyền tư bản, không có khái niệm nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, từ đó phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước..., báo chí viện dẫn các bài viết, bài phát biểu được tập hợp lại trong các cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” và “Quốc hội trong tiến trình đổi mới đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Các bài viết, bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong các cuốn sách trên đều thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng ta về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và làm sáng rõ hơn về bản chất, mục tiêu, nguyên tắc hoạt động, yêu cầu đặt ra đối với việc hoàn thiện Nhà nước ta trong bối cảnh hiện nay.
Bàn về bản chất của Nhà nước ta, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ sự khác biệt so với Nhà nước pháp quyền tư sản ở chỗ: Pháp quyền dưới chế độ tư bản chủ nghĩa về thực chất là công cụ bảo vệ và phục vụ cho lợi ích của giai cấp tư sản, còn pháp quyền dưới chế độ xã hội chủ nghĩa là công cụ thể hiện và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm và bảo vệ lợi ích của đại đa số nhân dân. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam để giữ vững và phát huy mạnh mẽ hơn nữa tính nhân dân, dân chủ và nhân văn của Nhà nước ta. Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân là một nhiệm vụ trọng yếu, lâu dài của cách mạng Việt Nam.
Trong bài viết: “Dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác tư tưởng của Đảng”, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ trong giai đoạn hiện nay là tiếp tục làm tốt công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Vì vậy, những bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ còn là những tài sản vô cùng quý giá để góp phần lan tỏa, tác động, cảm hóa sâu sắc.
Tú Quyên