Thường trực HĐND tỉnh giám sát tại huyện Đăk Hà
Sáng 30/5, đồng chí Nghe Minh Hồng - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì buổi làm việc với UBND huyện Đăk Hà về công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và công tác tiếp công dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân.
Tham dự buổi làm việc có các đồng chí trong Thường trực và lãnh đạo các ban của HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường; Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, Thanh tra, các phòng, ban và HĐND, UBND các xã, thị trấn của huyện Đăk Hà.
Theo báo cáo của UBND huyện Đăk Hà, hiện nay, trên địa bàn huyện có 6 cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; 3 nhà máy, cơ sở sản xuất đã được cấp giấy phép môi trường; 3 cơ sở chăn nuôi đã được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; có 9 doanh nghiệp hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến tài nguyên, khoáng sản đã được cấp giấy phép hoạt động. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã chấp hành về công tác bảo vệ môi trường.
|
Từ đầu năm 2022 đến cuối tháng 3/2024, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn là 18.670 tấn; khối lượng chất thải rắn được thu gom, vận chuyển, xử lý là 11.410 tấn. Trên địa bàn huyện có 1 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt là Nhà máy xử lý chất thải rắn Đăk Hà của Công ty TNHH Thương mại và Công nghệ môi trường DH, hoạt động bằng công nghệ đốt và sản xuất mùn, phân hữu cơ Compost.
Đến thời điểm hiện tại, huyện Đăk Hà chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung; chưa xây dựng các điểm tập kết, lưu giữ chất thải nguy hại và chưa có nhà máy xử lý chất thải nguy hại trên địa bàn; cơ sở vật chất, hạ tầng để thực hiện công tác phân loại rác tại nguồn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức; nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về môi trường còn hạn chế.
Nguyên nhân chính là do huyện còn khó khăn về nguồn lực để đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, xây dựng các công trình xử lý rác thải; một số cơ quan, đơn vị, địa phương thiếu chủ động thực hiện công tác quản lý nhà nước về môi trường.
Về công tác tiếp công dân, theo báo cáo của UBND huyện Đăk Hà, từ đầu năm 2022 đến hết tháng 2/2024, chính quyền các cấp ở huyện đã tổ chức tiếp 85 lượt công dân (cấp huyện 68, cấp xã 17); số người được tiếp 85 người; số vụ việc tiếp lần đầu 81, tiếp nhiều lần 4. Nội dung công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về lĩnh vực hành chính 47 lượt; về lĩnh vực tư pháp 5 lượt; lĩnh vực khác 33 lượt. Đến nay, chính quyền các cấp của huyện đã hướng dẫn, giải thích trực tiếp 45 lượt; xem xét, giải quyết theo thẩm quyền 29 lượt; chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết 11 lượt.
Theo đó, chính quyền các cấp của huyện đã tiếp nhận 424 đơn, trong đó có 7 đơn khiếu nại, 7 đơn tố cáo, 410 đơn kiến nghị phản ánh. Đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền các cấp ở huyện là 259 đơn; đơn không thuộc thẩm quyền 136 đơn. Đến nay, đã giải quyết xong 255 đơn, đạt tỷ lệ 98%; 4 đơn còn lại đang trong thời hạn giải quyết. Thời gian gần đây, tính chất và mức độ, số lượng vụ việc khiếu nại, tố cáo của người dân trên địa bàn huyện có chiều hướng giảm, không gay gắt, phức tạp, đông người.
Tuy vậy, tình trạng công dân của huyện viết đơn kiến nghị gửi nhiều cấp vẫn còn xảy ra; kinh phí chi trả chế độ phụ cấp cho cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân ở một số xã chưa đảm bảo... Nguyên nhân chính là một số trường hợp người dân thiếu hiểu biết pháp luật hoặc cố tình lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để kiến nghị vượt cấp; kỹ năng, nghiệp vụ và kinh nghiệm xử lý, giải quyết, trả lời đơn và tiếp công dân của một vài cán bộ, công chức còn hạn chế.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND, các phòng, ban có liên quan và UBND các xã, thị trấn của huyện đã báo cáo, giải trình làm rõ một số nội dung được Đoàn giám sát quan tâm trong công tác bảo vệ môi trường như: Về bãi tập kết rác thải để xử lý và rác tồn đọng chậm xử lý; những vướng mắc và nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất để chứa rác, xử lý rác thải và chất thải nguy hại; về việc người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; về phân loại rác thải tại nguồn; về việc thực hiện Nghị quyết 99/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi... và ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến một số nội dung về môi trường trên địa bàn huyện. Qua đó, đại diện của huyện cho rằng vấn đề ô nhiễm môi trường ở một số nơi trên địa bàn huyện vẫn còn “nhức nhối”.
Đối với công tác tiếp công dân, huyện đã báo cáo, giải trình làm rõ một số nội dung về việc cập nhật chưa kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật; bố trí trang thiết bị phục vụ tiếp công dân; việc xem xét, xử lý một số đơn, thư của công dân; quy định chức danh công chức tiếp công dân; công tác phối hợp xử lý, giải quyết đơn của công dân; bố trí tiếp công dân; việc thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức làm nhiệm vụ tiếp công dân...
|
Thay mặt Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nghe Minh Hồng ghi nhận những kết quả đạt được của huyện Đăk Hà trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân.
Đối với công tác tiếp công dân, đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị huyện Đăk Hà tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; cần cập nhật, thực hiện đầy đủ, kịp thời các quy định của pháp luật về công tác này, nhất là chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân.
Đối với công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, huyện Đăk Hà có lợi thế về phát triển kinh tế-xã hội, song cũng đang đối mặt với ô nhiễm môi trường. Để làm tốt công tác này, đồng chí đề nghị huyện cần chú trọng và nỗ lực để làm tốt công tác bảo vệ môi trường nhằm giữ môi trường sống trong lành và luôn sạch đẹp.
Đối với các nội dung huyện Đăk Hà kiến nghị với các sở, ngành cấp tỉnh, Đoàn giám sát sẽ xem xét, tổng hợp, làm việc với UBND tỉnh và các sở, ngành cấp tỉnh có liên quan.
Trước đó, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh đã giám sát một số cơ sở sản xuất, kinh doanh tại các xã: Đăk Mar, Đăk La và thị trấn Đăk Hà; Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh đã giám sát tại UBND xã Đăk Hring, xã Hà Mòn, Ban Tiếp công dân, Thanh tra huyện Đăk Hà.
Tài Lương