Sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh
Sáng 19/6, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (TNTC) (viết tắt là Ban Chỉ đạo Trung ương) tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo Phòng, chống TNTC các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (viết tắt là Ban Chỉ đạo cấp tỉnh). Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng -Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương chủ trì Hội nghị.
|
Dự tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có các đồng chí: A Pớt-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Phó trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh; Nguyễn Văn Hoà-Phó Bí thư Tỉnh uỷ; các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh, lãnh đạo và chuyên viên Ban Nội chính Tỉnh uỷ.
Sau 1 năm thực hiện, các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã lựa chọn những khâu yếu, việc khó, dư luận xã hội bức xúc để tập trung chỉ đạo giải quyết; vừa tập trung chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc TNTC xảy ra trước đây, quá trình xử lý kéo dài, có khó khăn, vướng mắc; vừa chỉ đạo tăng cường phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc mới; vừa quan tâm chỉ đạo thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống TNTC; đồng thời, chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phát hiện, xử lý TNTC, đảm bảo đồng bộ giữa xử lý kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính và xử lý hình sự. Theo đó, hoạt động của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo, thành viên Ban Chỉ đạo cấp tỉnh từng bước đi vào nề nếp, thực sự là chỗ dựa tin cậy để các cơ quan chức năng thực thi nhiệm vụ, cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực tham gia vào công tác phòng, chống TNTC.
Kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh sau 1 năm hoạt động đã góp phần quan trọng tạo sự chuyển biến ngày càng rõ nét hơn trong công tác phòng, chống TNTC ở địa phương, nhất là trong phát hiện, xử lý TNTC; từng bước khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trước đây. Qua đó cho thấy, chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh là đúng đắn, cần thiết, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, thể hiện sự đồng lòng, nhất trí cao từ Trung ương đến địa phương, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Ban Chỉ đạo Trung ương đề nghị, trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống TNTC; xây dựng văn hóa liêm chính, không TNTC trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh TNTC, những vấn đề nổi cộm, bức xúc, dư luận xã hội quan tâm trên địa bàn.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc TNTC ở địa phương, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo cấp tinh theo dõi, chỉ đạo và Ban Chỉ đạo Trung ương giao cho các tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý. Đồng thời, chỉ đạo, phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của HĐND, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, báo chí và nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống TNTC; khẩn trương hoàn thiện các quy định, quy trình nghiệp vụ; kiện toàn tổ chức, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo và phát huy vai trò của Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.
Trần Văn Phúc