Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Ngọc kiểm tra công tác bảo tồn văn hóa truyền thống tại xã Sa Sơn
Sáng 4/11, đồng chí Y Ngọc- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra về công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của làng đồng bào DTTS trên địa bàn xã Sa Sơn (huyện Sa Thầy).
|
Tham gia buổi kiểm tra có lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; UBND huyện và các phòng, ban chuyên môn của Sa Thầy.
Xã Sa Sơn có 4 thôn, làng; trong đó, có 1 làng Bar Gốc là đồng bào DTTS Gia Rai. Theo Quyết định 1308/QĐ-UBND (ngày 19/11/2019) của UBND tỉnh, làng Bar Gốc được tỉnh chọn làm điểm thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa làng truyền thống các DTTS tỉnh Kon Tum giai đoạn 2020-2025”.
Thời gian qua, cấp ủy đảng, chính quyền xã Sa Sơn tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân làng Bar Gốc bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào Gia Rai, cải tạo cảnh quan trong làng; lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Hiện tại, làng Bar Gốc có 1 nhà rông, 1 đội cồng chiêng, 1 đội múa xoang; một số phong tục truyền thống được bảo tồn như lễ mừng lúa mới, lễ cầu an… Trong làng có 1 bộ cồng chiêng của cộng đồng thôn và 19 bộ của hộ gia đình đang lưu giữ; 7 nhà truyền thống; 27 hộ dân thường xuyên dệt thổ cẩm, 5 hộ thường xuyên đan lát, 71 hộ làm rượu cần…
Tại buổi làm việc, UBND xã Sa Sơn đề nghị các cấp, các ngành trên quan tâm đầu tư kinh phí hỗ trợ địa phương xây dựng lại nhà rông truyền thống và đầu tư một số thiết chế văn hóa, dụng cụ thể thao phục vụ cho việc bảo tồn phát huy các giá trị làng truyền thống tại làng Bar Gốc.
|
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Ngọc đề nghị, Đảng ủy xã Sa Sơn rà soát, sớm xây dựng chương trình công tác chi tiết, cụ thể để tuyên truyền, vận động người dân làng Bar Gốc thay đổi nếp nghĩ, cách làm; cải tạo cảnh quan môi trường. Chính quyền, các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội của địa phương đẩy mạnh tuyên truyền người dân xóa bỏ các hủ tục và gìn giữ những nét văn hóa đặc sắc; huy động đoàn viên, thanh niên hỗ trợ, hướng dẫn người dân trong làng xây dựng nếp sống xanh- sạch-đẹp; đưa chuồng trại chăn nuôi ra xa nhà; trồng rau xanh, phát triển chăn nuôi, chọn trong làng 3 mô hình làm điểm để thực hiện. Trưởng thôn, già làng Bar Gốc vận động bà con hiến đất trồng cây xanh, làm con đường hoa từ đầu làng tới nhà rông.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, huyện Sa Thầy khẩn trương rà soát, đánh giá công đạo lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa làng truyền thống các DTTS tỉnh Kon Tum giai đoạn 2020-2025” gắn với Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” tại làng Bar Gốc; tiếp tục đề ra phương hướng, giải pháp tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của Đề án. Tranh thủ, lồng ghép các chương trình, nguồn vốn hỗ trợ xã Sa Sơn, dân làng Bar Gốc bảo tồn, phát huy các nghề truyền thống, chú ý, cần tạo ra các sản phẩm phục vụ nhu cầu của khách du lịch.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, huyện Sa Thầy và xã Sa Sơn trao đổi, thống nhất về việc chọn vị trí xây dựng nhà rông mới cho phù hợp; từng bước xây dựng làng Bar Gốc thành điểm du lịch, điểm dừng chân hấp dẫn khi du khách tới thăm quan Vườn quốc gia Chư Mom Ray. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng để bà con trong làng biết cách làm du lịch để nâng cao đời sống; từ đó, tạo động lực để người dân tiếp tục bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống.
Thùy Hương