Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp kiểm tra tình hình sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới tại huyện Đăk Tô
Ngày 21/9, đồng chí Nguyễn Hữu Tháp- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tình hình thực hiện một số chỉ tiêu chủ yếu về sản xuất nông nghiệp và chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Đăk Tô.
Tham gia Đoàn công tác có lãnh đạo Sở Nông nghiệp- Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật và UBND huyện Đăk Tô.
Báo cáo với đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo huyện Đăk Tô cho biết, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, năm 2022, huyện phấn đấu đưa xã Ngọk Tụ đạt chuẩn nông thôn mới; hiện địa phương này đã hoàn thành được 14/19 tiêu chí. 2 xã Tân Cảnh và Diên Bình phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao năm 2022; đến nay, xã Tân Cảnh đã đạt được 15/19 tiêu chí và xã Diên Bình đạt 14/19 tiêu chí.
Huyện Đăk Tô đang tích cực triển khai thực hiện xây dựng thôn (làng) nông thôn mới ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn, phấn đấu đến cuối năm 2023, toàn huyện có 10 thôn đồng bào DTTS đạt chuẩn thôn (làng) nông thôn mới.
Về sản xuất nông nghiệp, đến nay, huyện Đăk Tô đã thực hiện trồng mới được 320ha cây ăn quả, đạt 106,7% kế hoạch với các cây trồng chủ yếu là chuối mốc, sầu riêng, chanh leo, mít thái, chuối tiêu hồng... Người dân cũng đã trồng mới được 350ha cây mắc ca, đạt 103,1% kế hoạch, diện tích chủ yếu trồng xen ghép trong vườn ca phê vối và trồng trong vườn nhà.
|
Đối với chỉ tiêu phát triển dược liệu, huyện Đăk Tô đã hoàn thành kế hoạch trồng mới 150ha các loại cây dược liệu, chủ yếu là cây ngắn ngày như gừng, nghệ, đinh lăng, sâm dây...
|
Bên cạnh đó, huyện Đăk Tô tích cực tuyên truyền, vận động người dân tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tham gia các liên kết chuỗi với doanh nghiệp. Hiện tại, trên địa bàn huyện có liên kết chuỗi mía đường với Công ty Cổ phần Đường Kon Tum tại xã Đăk Trăm với quy mô 12,5ha; liên kết chuỗi sản phẩm dứa với Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao - Chi nhánh Gia Lai với quy mô 8,7ha, trên địa bàn các xã Pô Kô, Đăk Trăm, Tân Cảnh và thị trấn Đăk Tô; chuỗi liên kết sản xuất- tiêu thụ sản phẩm mắc ca với Công ty Cổ phần Dương Gia Kon Tum với quy mô 175ha.
Đối với công tác trồng rừng, theo báo cáo của UBND tỉnh, đến nay, toàn huyện đã trồng mới được 469,6ha rừng tập trung, đạt 104,4% kế hoạch giao với các loại cây trồng chính là cây bạch đàn cự vỹ, thông 3 lá, keo, mắc ca và dổi lấy hạt. Huyện cũng đã trồng được 60.490 cây xanh phân tán các loại, đạt 121% kế hoạch đề ra.
Sau khi tham quan và kiểm tra về tình hình trồng cây mắc ca trên địa bàn xã Văn Lem, vùng trồng dược liệu của Công Ty TNHH Thảo Dược Tây Nguyên; vườn cây ăn trái trồng 4,2ha sầu riêng của hộ gia đình Nguyễn Thanh Tuấn (thôn 1, xã Kon Đào), đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp đề nghị UBND huyện Đăk Tô, xã Văn Lem; các doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân thấy được lợi ích, hiệu quả khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng và liên kết trong sản xuất; từ đó mạnh dạn, chủ động tham gia. Chính quyền địa phương, các chủ thể sản xuất tích cực hỗ trợ về giống, vốn, khoa học kỹ thuật, đầu ra cho sản phẩm để người dân an tâm sản xuất, giúp cải thiện thu nhập, kinh tế gia đình.
|
Kiểm tra và đánh giá thực tế về việc thực hiện xây dựng thôn (làng) nông thôn mới ở vùng đồng bào DTTS tại thôn Kon Pring (xã Ngọk Tụ) - thôn điểm cấp huyện, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, UBND huyện Đăk Tô cần phối hợp với Sở NN&PTNT, các cơ quan chuyên môn rà soát lại tất cả các tiêu chí để có đánh giá chính xác, toàn diện; trên cơ sở đó đề ra giải pháp sát với thực tiễn, đảm bảo hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới đã đề ra. Đồng thời, địa phương cần chú trọng làm sao nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS; làm cho người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm để từng bước thoát nghèo bền vững, chỉ khi đó, công tác xây dựng nông thôn mới mới thuận lợi và mang lại ý nghĩa thiết thực.
Thùy Hương