Hội nghị về công tác đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước năm 2023
Chiều 12/5, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị chuyên đề quản lý đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước năm 2023. Đồng chí Lê Ngọc Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị.
|
Tham dự có đồng chí Nguyễn Ngọc Sâm - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố.
Theo báo cáo tại Hội nghị, tổng Kế hoạch đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 được Trung ương giao cho tỉnh Kon Tum là 3.587,159 tỷ đồng, gồm nguồn vốn ngân sách địa phương là 1.086,237 tỷ đồng và ngân sách Trung ương là 2.500,922 tỷ đồng. Qua rà soát tình hình thực tế các nguồn thu của địa phương, tỉnh Kon Tum đã giao Kế hoạch đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 là 4.712,6 tỷ đồng, gồm nguồn ngân sách địa phương là 2.211,678 tỷ đồng và nguồn ngân sách Trung ương là 2.500,922 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện nay, tỉnh đã thực hiện phân bổ 4.176,859 tỷ đồng, số vốn còn lại chưa phân bổ chi tiết là 335.741 triệu đồng (thuộc nguồn ngân sách địa phương). Nhìn chung việc phân bổ kế hoạch được thực hiện kịp thời, các chủ đầu tư đã chủ động triển khai thực hiện các thủ tục phê duyệt dự án đầu tư, đảm bảo giải ngân kế hoạch ngay từ những ngày đầu năm.
Tính đến ngày 20/4/2023, toàn tỉnh đã giải ngân được 479,396 tỷ đồng, đạt khoảng 15,16% so với thực nguồn Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 địa phương đã giao và đạt khoảng 13,36% so với kế hoạch vốn Trung ương giao.
Theo đánh giá, công tác quản lý về đầu tư công được Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo sát sao, kịp thời nhằm đôn đốc việc triển khai và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; tỷ lệ giải ngân của tỉnh năm 2022 nằm trong các địa phương có tỷ lệ giải ngân khá cao trong cả nước, đạt khoảng 92% kế hoạch vốn Trung ương giao. Việc bố trí vốn cơ bản tập trung, trọng tâm, trọng điểm nên hệ thống giao thông và hạ tầng có nhiều đổi mới, nhiều dự án hoàn thành góp phần tạo nên dáng vóc mới của tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn hạn chế, yếu kém trong quá trình thực hiện kế hoạch đầu tư công như: Một số công trình có tỷ lệ giải ngân thấp, kế hoạch hằng năm chuyển nguồn vẫn còn lớn, nhiều dự án phải trình HĐND tỉnh kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm sau; nhiều dự án chất lượng vẫn chưa cao, chưa phát huy được hiệu quả đầu tư; trong quá trình triển khai thực hiện, một số dự án gặp khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định của pháp luật.
Tại Hội nghị, thông qua báo cáo của các ngành Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá tình hình thực hiện công tác quản lý đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước; công tác quản lý chất lượng công trình; các nội dung liên quan đến quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình; công tác thanh tra xây dựng và đề xuất giải pháp chỉ đạo thực hiện trong thời gian đến; tình hình thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư; công tác giao đất, cấp đất cho các dự án; khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; đề xuất giải pháp tháo gỡ; tình hình triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM và dự kiến các giải pháp trong thời gian đến; đại diện các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố đã thảo luận, kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác quản lý đầu tư nhằm góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân hết kế hoạch vốn đã bố trí cho các dự án trong kế hoạch năm 2023.
|
Kết luận Hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn nhấn mạnh: Năm 2023 là năm thứ 3, năm bản lề, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh; Nghị quyết của HĐND tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Để thực hiện yêu cầu, mục tiêu, phấn đấu giải ngân cao nhất kế hoạch năm 2023, đồng chí đề nghị thủ trưởng các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền địa phương tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện; trong đó tập trung thực hiện một số giải pháp cụ thể như:
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác quản lý đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước; giải ngân vốn đầu tư công; tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về đất đai, tài nguyên…; thực hiện tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán, thu hồi tạm ứng vốn đầu tư theo đúng quy định và ngay khi có khối lượng; chủ động rà soát điều chuyển vốn theo thẩm quyền giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, còn thiếu vốn theo quy định.
Rà soát từng dự án cụ thể, nhất là các dự án khởi công mới; kiểm soát chặt chẽ sự cần thiết, quy mô từng dự án theo đúng quy hoạch, mục tiêu đã được duyệt, bảo đảm hiệu quả đầu tư và kết quả đầu ra của từng dự án; nâng cao chất lượng công tác lựa chọn tư vấn trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án.
Chuẩn bị mọi điều kiện để hoàn thành thủ tục đầu tư, tập trung làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, nâng cao tính sẵn sàng, tính khả thi, khả năng triển khai thực hiện dự án. Thực hiện cơ chế phân công, phối hợp rõ ràng, cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án.
Các sở quản lý chuyên ngành tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý nghiêm, chấn chỉnh đối với các chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn, nhà thi công xây dựng công trình vi phạm về chất lượng, tiến độ thi công, nghiệm thu khối lượng công việc không đúng với hình thức hợp đồng; thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức làm công tác thẩm định dự án, thẩm định thiết kế để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao…
Vũ Huệ