Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng cháy, chữa cháy
Sáng 12/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng cháy, chữa cháy và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy.
|
Dự Hội nghị tại điểm cầu Hội trường Ngọc Linh có đồng chí Lê Ngọc Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành; lãnh đạo phòng, chỉ huy các đội nghiệp vụ thuộc Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Theo báo cáo tại Hội nghị, trong 5 năm (từ 2017-2021), toàn quốc xảy ra hơn 17.000 vụ cháy, gần 150 vụ nổ, làm gần 500 người chết và gần 1000 người bị thương; gây thiệt hại ước tính khoảng hơn 7 tỷ đồng và hơn 7500ha rừng.
Trong 8 tháng đầu năm 2022, toàn quốc xảy ra 1136 vụ cháy, làm 57 người chết, bị thương 52 người, tài sản thiệt hại sơ bộ ước tính 532 tỷ đồng và 39ha rừng; xảy ra 10 vụ nổ, làm 7 người chết, 11 người bị thương.
Trong 5 năm triển khai thực hiện Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy, lực lượng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đã điều động hơn 200.000 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia tổ chức cứu nạn, cứu hộ đối với gần 18.000 vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn; trực tiếp cứu được 6.786 người, hướng dẫn thoát nạn hàng chục nghìn người...
Trên địa bàn tỉnh, giai đoạn từ năm 2017-2022 xảy ra 41 sự cố, tai nạn cần thực hiện hoạt động cứu nạn cứu hộ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy; làm 41 người chết, 34 người bị thương, gây thiệt hại ước tính 473 triệu đồng. Lực lượng chức năng đã huy động khoảng 1000 lượt cán bộ, chiến sỹ, dân phòng, lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở và lực lượng khác tham gia cứu hộ, cứu nạn, cứu được 7 người; tìm được 41 thi thể nạn nhân bàn giao cho cơ quan có thẩm quyền và gia đình; bảo vệ và cứu được tài sản khoảng 2 tỷ đồng.
Tại Hội nghị, các đại biểu thảo luận, phân tích, đánh giá về nguyên nhân, khó khăn, vướng mắc, bài học kinh nghiệm, dự báo tình hình và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian đến.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gởi lời chia buồn, chia sẻ sâu sắc đến các gia đình nạn nhân trong những vụ cháy vừa qua. Đồng thời cho biết, đã yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan, chỉ đạo điều tra, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, cơ quan cấp phép, kiểm tra và các cá nhân liên quan, bảo đảm tính khách quan.
Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định: “Chú trọng an ninh, an toàn là một trong những yếu tố hàng đầu trong cuộc sống của người dân”. Do đó, việc đảm bảo cho người dân được sống ấm no, tự do, hạnh phúc trong một môi trường xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, lành mạnh là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị.
Những vụ việc nghiêm trọng, thương tâm về cháy nổ xảy ra vừa qua là cảnh báo và cho thấy tình hình khẩn cấp. Từ thực tế, đặt ra yêu cầu, phải điều chỉnh kịp thời việc thực hiện nhiệm vụ, tư duy, cách tiếp cận mới cho công tác phòng ngừa, ứng phó với các sự cố, tai nạn, hỏa hoạn, tránh hậu quả, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân. Lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, đặt an toàn, tính mạng của người dân là trên hết.
Chỉ rõ những nguyên nhân, tồn tại, hạn chế tác động đến công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các lực lượng phối hợp, chú trọng triển khai đồng bộ các giải pháp, biện pháp phòng ngừa sự cố, tai nạn; trong đó, coi trọng công tác quy hoạch, đảm bảo thông thoáng; tránh chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Với dự báo tình hình có nhiều tác động, ảnh hưởng đến công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong thời gian đến, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương. Yêu cầu phải thống nhất quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, nhận thức về công tác phòng, chống cháy nổ, cứu nạn, cứu hộ; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả trong công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; phải ngăn chặn, đẩy lùi và dứt khoát không để xảy ra chết người, hậu quả nghiêm trọng do nguyên nhân chủ quan; đề cao, nâng cao hơn nữa ý thức của người dân trong phòng, chống chảy nổ để kiềm chế sự gia tăng cả về số vụ và thiệt hại do cháy, nổ, sự cố, tai nạn gây ra, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội...
Hoài Tiến