Hội nghị đánh giá kết quả cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Chiều 16/8, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tỉnh. Đồng chí Lê Ngọc Tuấn- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị.
|
|
Dự Hội nghị có các đồng chí: A Pớt- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Quang Vinh- Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh.
Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe báo cáo rà soát, đánh giá kết quả, làm rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan đến từng chỉ số thành phần của chỉ số PCI của tỉnh năm 2023; Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban ngành và địa phương (DDCI) năm 2023; từng chỉ số thành phần của Chỉ số PAPI, PAR INDEX của tỉnh năm 2023.
Theo đó, thời gian qua, công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 đạt 65,60 điểm (tăng 0,71 điểm so với năm 2022); Chỉ số Cải cách hành chính (PARINDEX) năm 2023 tăng 12 bậc và xếp hạng 43/63 tỉnh/thành; Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2023 tăng 7 bậc, xếp thứ 35/63 tỉnh/thành…
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh vẫn còn một số hạn chế. Kinh tế của tỉnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ lệ cao trong tổng số doanh nghiệp của tỉnh, năng lực cạnh tranh còn thấp; một số chỉ số liên quan đến cạnh tranh cấp tỉnh, quản trị và hành chính công giảm điểm và thứ hạng so với năm 2022.
Tại Hội nghị, các đại biểu tham gia thảo luận, đánh giá về những kết quả đạt được, đồng thời đề xuất những giải pháp triển khai trong thời gian tới nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế đã chỉ ra.
|
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí A Pớt- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy ghi nhận những kết quả đạt được trong giải quyết thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Đồng thời nhấn mạnh, đây là nội dung quan trọng, cấp thiết cần thực hiện tốt để góp phần phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh nhanh và bền vững.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị, các cấp, ngành và các địa phương của tỉnh cần tiếp tục bám sát, triển khai có hiệu quả Nghị quyết 11-NQ/TU (ngày 16/5/2022) của Tỉnh ủy “về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Phấn đấu năm 2024 tỉnh ta có Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đứng thứ hạng từ 30-35 trên 63 tỉnh, thành phố; Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) thuộc nhóm trung bình cao của cả nước.
Cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trọng tâm, trọng điểm, phát huy tối đa vai trò của các cấp, các ngành và các địa phương. Trong đó, chú trọng thực hiện tốt việc quy hoạch, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để tạo bước đột phá về kết cấu hạ tầng, tạo thuận lợi về quỹ đất để thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn; tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư, cấp phép đầu tư theo đúng tiến độ, quy mô, mục đích, nhất là các dự án lớn, trọng điểm, có tính động lực, lan tỏa đối với sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Bên cạnh đó, cần rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan trong hoạt động đầu tư, kinh doanh, nhất là các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường. Đẩy mạnh xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số; chuyển đổi số, hiện đại hóa hành chính, ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý, điều hành. Đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, đồng hành của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong thời gian tới. Đồng thời đề nghị, các ban, ngành, địa phương ghi nhận, tiếp thu đầy đủ ý kiến của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
|
Kết luận Hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn đề nghị, thời gian tới, các ngành, các cấp phải không ngừng quyết tâm, nỗ lực, khắc phục mọi khó khăn để giữ vững và nâng cao những kết quả đã đạt được. Trong đó, người đứng đầu các đơn vị, các địa phương của tỉnh nêu cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai có hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế tại đơn vị, cơ sở; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong triển khai các nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, tiếp tục siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, nâng cao đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ; kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, kiên quyết xử lý các hành vi phiền hà, sách nhiễu trong giải quyết cộng vụ; thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp cải cách hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến đầu tư, kinh doanh, cấp phép; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý, điều hành; triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; huy động và sử hiệu quả các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng, khẩn trương hoàn thành Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Măng Đen và một số quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và quy hoạch chung khác.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh và Hội doanh nhân trẻ tỉnh cần tiếp tục phát huy vai trò trách nhiệm, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, làm tốt vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp, doanh nhân và các cơ quan quản lý nhà nước; thường xuyên tổ chức các diễn đàn để cấp ủy đảng, chính quyền đối thoại với doanh nghiệp, doanh nhân, kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Hoàng Thanh