Bộ Y tế đang xây dựng cuốn sổ tay cẩm nang hướng dẫn về việc đấu thầu thuốc
Chiều 11/11, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đối với 4 nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực y tế về việc huy động, bố trí lực lượng y tế, bảo đảm thuốc men, vật tư y tế cung cấp cho người dân và công tác phòng, chống dịch bệnh sau thiên tai; việc cấp giấy phép chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực khám, chữa bệnh; thực trạng quản lý các mặt hàng thực phẩm chức năng, dược mỹ phẩm và giải pháp xử lý các vi phạm; công tác phòng, chống tác hại thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường.
|
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Bộ trưởng các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương, Giáo dục và Đào tạo, Công an, Quốc phòng cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Tại Phiên chất vấn này, ĐBQH tỉnh Tô Văn Tám đã tranh luận về việc Bộ trưởng Bộ Y tế trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn là vẫn còn tình trạng thiếu thuốc ở một số cơ sở khám chữa bệnh làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh của cơ sở y tế cũng như của người bệnh.
Bộ trưởng đã trả lời là thời gian trước chúng ta có những điểm nghẽn về mặt pháp luật và thời gian vừa rồi thì Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều cố gắng trong việc tháo gỡ điểm nghẽn đó, như đã có Luật Đấu thầu năm 2023, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 96/2023/NĐ-CP và Nghị định số 24/2024/NĐ-CP để quy định chi tiết Luật Đấu thầu, Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Bộ Y tế đã ban hành những thông tư để hướng dẫn về đấu thầu.
|
Như vậy, có thể nói cơ chế pháp lý thì những điểm nghẽn đã cơ bản giải quyết được, nhưng tình trạng thiếu thuốc như đại biểu vừa chất vấn và Bộ trưởng thừa nhận vẫn còn, vậy ở đây có trường hợp thiếu tinh thần trách nhiệm của một bộ phận những người có trách nhiệm trong việc thực hiện đấu thầu của các cơ sở y tế này không, nếu có thì Bộ trưởng đã xử lý như thế nào?
Trả lời ý kiến tranh luận của đại biểu Tô Văn Tám, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho rằng, để đấu thầu mua thuốc có ba cấp: mua sắm tập trung ở Bộ Y tế; mua sắm tại tỉnh và giao cho các địa phương chỉ đạo triển khai thực hiện; các cơ sở y tế.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan nêu rõ, với những vướng mắc trong thời gian vừa qua, Quốc hội, Chính phủ đã tháo gỡ rất nhiều và Luật Đấu thầu đã có hiệu lực từ 1/1/2024, tuy nhiên, đây là năm đầu tiên triển khai các quy định mới. Vì vậy, Bộ Y tế đã làm việc với các địa phương, thường xuyên tổ chức các hội nghị trực tuyến triển khai hướng dẫn thực hiện Luật Đấu thầu tại 63 tỉnh, thành phố. Và nguyên nhân của các vướng mắc là do các văn bản quy định mới nên vấn đề nghiên cứu, tìm hiểu cũng như bố trí nhân lực để triển khai thực hiện còn khó khăn…
Để giải quyết vấn đề này, ngoài việc tập huấn cho tất cả các địa phương giải quyết khó khăn, hiện nay Bộ Y tế đang xây dựng cuốn sổ tay cẩm nang hướng dẫn về việc đấu thầu thuốc, đây sẽ là hướng dẫn rất cụ thể, từng bước để các địa phương có đủ năng lực để triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, trong thực tiễn tại một số đơn vị còn có các cán bộ chưa dám nghĩ, dám làm và e ngại trong vấn đề sai phạm nên quá trình triển khai còn khó khăn, vướng mắc. Vì vậy, Bộ Y tế cũng đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 24 quy định trách nhiệm của người đứng đầu tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh phải thực hiện đầy đủ các trách nhiệm liên quan tới việc đảm bảo đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Nội dung này cũng đã được quy định trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và đây là trách nhiệm bắt buộc. Đồng thời, Bộ Y tế cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ cho người đứng đầu trong quá trình triển khai thực hiện còn vướng mắc sẽ tiếp tục tháo gỡ.
Hồ Nam