Bàn giải pháp xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sâm Ngọc Linh
Chiều 16/12, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị bàn giải pháp củng cố, đẩy mạnh phát triển các hợp tác xã và xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sâm Ngọc Linh và dược liệu trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Nguyễn Hữu Tháp- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị.
|
Dự Hội nghị có lãnh đạo các sở, ngành liên quan; các huyện: Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Kon Plông và một số doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực trồng, chế biến sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu khác trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, ước tính đến cuối năm, tổng diện tích sâm Ngọc Linh toàn tỉnh có khoảng 1.157ha, cây dược liệu khác khoảng 2.664ha.
Theo kế hoạch năm 2022, toàn tỉnh sẽ triển khai trồng mới 500ha sâm Ngọc Linh (huyện Đăk Glei 10ha; huyện Tu Mơ Rông 490ha) và 2.000ha các cây dược liệu khác. Trên cơ sở chỉ tiêu diện tích sâm Ngọc Linh được giao trong năm 2022, UBND tỉnh giao UBND huyện Đăk Glei triển khai cho các địa phương trồng mới 100.000 cây (tương đương 10ha); UBND huyện Tu Mơ Rông giao cho các xã, thị trấn thực hiện trồng mới 80.000 cây (tương đương 8ha). Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk Tô triển khai trồng 100.000 cây (tương đương 10ha); Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum trồng 3.000.000 cây (tương đương 300ha); Công ty CP Vingin thực hiện trồng 1.670.000 cây (tương đương 167ha). Các doanh nghiệp khác trồng 50.000 cây (tương đương 5ha).
Để thực hiện đảm bảo chỉ tiêu trồng mới sâm Ngọc Linh trong dân, UBND huyện Đăk Glei đăng ký nhu cầu cung ứng 100.000 cây giống (tương đương 10ha); huyện Tu Mơ Rông chủ động được 70.000 cây giống, dự kiến còn thiếu khoảng 10.000 cây giống (tương đương 1ha) cần mua.
Đối với các loại dược liệu khác như đảng sâm, đương quy, đinh lăng… các địa phương chủ động nguồn giống trong dân, nếu thiếu sẽ mua giống được sản xuất ở trong tỉnh.
Về hoạt động của các hợp tác xã tham gia trồng, sản xuất, chế biến, tiêu thụ dược liệu; trên địa bàn huyện Đăk Glei hiện có 2 hợp tác xã, trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông có 14 hợp tác xã.
Tại buổi làm việc, các địa phương, doanh nghiệp tập trung thảo luận về các giải pháp xây dựng vườn ươm, đảm bảo cung ứng nguồn giống sâm Ngọc Linh, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ dược liệu nói chung và sâm Ngọc Linh nói riêng nhằm mở rộng diện tích trồng sâm Ngọc Linh trong dân, góp phần tăng thu nhập cho người dân ở những vùng có lợi thế.
|
Kết luận Hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp nhấn mạnh, nhiệm vụ phát triển diện tích sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu khác trên địa bàn tỉnh trong năm 2022 và cả giai đoạn 2021- 2025 là vô cùng nặng nề. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các ngành, địa phương và doanh nghiệp tích cực phối hợp nhằm giải quyết “bài toán” cung ứng nguồn giống sâm Ngọc Linh cho bà con nhân dân. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bàn bạc với huyện Đăk Glei, huyện Tu Mơ Rông và các doanh nghiệp xây dựng phương án cụ thể, tổ chức xây dựng vườn ươm giống sâm Ngọc Linh để triển khai đạt hiệu quả chỉ tiêu trồng mới 500ha Sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh.
Đối với các cây dược liệu khác, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, cần tập trung mọi nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia và những nguồn khác để phát triển, nhân rộng. Ưu tiên nguồn lực đầu tư cho khoa học, công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả trồng, chăm sóc cây dược liệu; tăng cường khâu liên kết hợp tác xã với doanh nghiệp để ổn định đầu ra cho sản phẩm.
Thùy Hương