Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số tỉnh triển khai nhiệm vụ năm 2024
Chiều 23/2, Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số tỉnh (Ban Chỉ đạo tỉnh) tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Đồng chí Lê Ngọc Tuấn- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh chủ trì Hội nghị.
|
Tham dự Hội nghị có đồng chí Y Ngọc- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh; các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Trong năm qua, về dữ liệu số, tỉnh ban hành Danh mục cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung với 64 CSDL của 17 lĩnh vực và Danh mục CSDL mở 199 CSDL của 14 lĩnh vực. Đến nay, Kho CSDL dùng chung của tỉnh được vận hành và cập nhật 75 bộ dữ liệu thuộc 12 lĩnh vực của 31 cơ quan, đơn vị.
Về thể chế số, có 8 quyết định, 6 kế hoạch, 35 công văn và 1 thông báo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh về chuyển đổi số được ban hành. Có 119 dịch vụ công trực tuyến được cắt giảm thời gian giải quyết khi nộp hồ sơ bằng hình thức trực tuyến, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Về hạ tầng số, mạng truyền số liệu chuyên dùng kết nối đến 100% cơ quan nhà nước các cấp; hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ đến 100% trung tâm xã và gần 50% số hộ gia đình. Hình thành Kho CSDL tỉnh phục vụ chuyển đổi số theo hướng sử dụng công nghệ điện toán đám mây.
Về nhân lực số, đến nay, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố bố trí ít nhất 1 cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin; thành lập Ban Chỉ đạo/Tổ Chỉ đạo về Chuyển đổi số và 566 Tổ Công nghệ số cộng đồng với 2.519 thành viên tham gia.
Về nền tảng số, hệ thống quản lý và điều hành của tỉnh được 100% đơn vị, địa phương triển khai với tỷ lệ văn bản điện tử ký số đạt trên 98,25%; hệ thống thông tin nguồn kết nối 17 đài truyền thanh ứng dụng công nghệ - viễn thông của các xã, 3 bảng tin điện tử công cộng và kết nối thông suốt Hệ thống thông tin nguồn Trung ương; hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh cung cấp 998 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và 373 dịch vụ công trực tuyến một phần...
Về xã hội số, toàn tỉnh có 438.133 người dùng internet, chiếm 74,1% và 456.415 người được cấp thẻ căn cước công dân gắn chip, chiếm 77,2% tổng dân số toàn tỉnh; kích hoạt 182.736 tài khoản định danh điện tử, đạt 62% so với tổng hồ sơ tiếp nhận; tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được đồng bộ, xác thực với CSDL quốc gia về dân cư đạt 95%; giá trị thanh toán không dùng tiền mặt là 9,2 tỷ đồng, chiếm 16,4% trong tổng giá trị thanh toán.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của các ngành, địa phương trong triển khai công tác chuyển đổi số và sự tham gia có hiệu quả của doanh nghiệp công nghệ trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục tăng cường tuyên truyền, quán triệt Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về chuyển đổi số tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đến cán bộ, đảng viên và nhân dân bằng hình thức phù hợp, nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với đời sống và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Người đứng đầu chính quyền các cấp, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phát huy hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đối với tiến độ, chất lượng triển khai thực hiện. Tiếp tục rà soát, củng cố, kiện toàn, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, bảo đảm đáp ứng được yêu cầu tham mưu và triển khai thực hiện chuyển đổi số. Phát huy hơn nữa vai trò của Tổ Công nghệ số cộng đồng tại cơ sở, bảo đảm thực sự là lực lượng nòng cốt trong việc hướng dẫn thực hiện dịch vụ công trực tuyến, chuyển đổi số.
Đẩy nhanh tiến độ triển khai hiệu quả các danh mục CSDL trên địa bàn tỉnh, trong đó ưu tiên các loại CSDL chuyên ngành phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Tăng cường ứng dụng công nghệ số trong điều hành, quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Khuyến khích các doanh nghiệp của tỉnh hợp tác với các đơn vị có thế mạnh về chuyển đổi số để tạo lập các mô hình kinh doanh, sản xuất, sản phẩm, dịch vụ mới trên nền tảng số, góp phần tăng tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GRDP của tỉnh. Các sở, ban, ngành chủ động nghiên cứu tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách phù hợp để khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số...
Trần Văn Phúc