Yêu cầu doanh nghiệp khẩn trương đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường sau khai thác
Chiều 8/3, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với chính quyền 2 huyện Ngọc Hồi, Đăk Glei làm việc với Công ty CP Thép Đông Á để xử lý những tồn tại trong việc thực hiện đóng cửa mỏ và cải tạo, phục hồi môi trường tại các mỏ khoáng sản đã khai thác của Công ty trên địa bàn 2 huyện.
Theo hồ sơ từ Sở Tài nguyên và Môi trường, tháng 8/2011, Công ty CP Thép Đông Á được UBND tỉnh Kon Tum cấp các giấy phép khai thác khoáng sản số 845/GP-UBND, 846/GP-UBND và 847/GP-UBND. Đến ngày 31/8/2016, các giấy phép này hết hiệu lực, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng và chính quyền địa phương kiểm tra, yêu cầu doanh nghiệp thực hiện hoàn thổ, phục hồi môi trường và đóng cửa mỏ theo đúng quy định.
Tuy nhiên, đến nay, doanh nghiệp vẫn chưa tiến hành lập thủ tục đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường, mặc dù UBND tỉnh và ngành chức năng đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu thực hiện. Bên cạnh đó, trong quá trình khai thác, nhiều vị trí ảnh hưởng đến đất sản xuất của người dân, nhưng doanh nghiệp chưa phục hồi, dẫn đến việc người dân phản ánh, kiến nghị nhiều lần, như thôn Đăk Tu (xã Đăk Long, huyện Đăk Glei), thôn Đăk Blái, Đăk Sút 2 (xã Đăk Ang, huyện Ngọc Hồi)...
Giải trình về nguyên nhân chậm trễ, đại diện Công ty CP Thép Đông Á cho biết, trong thời gian qua có sự thay đổi lớn về nhân sự; nhiều cổ đông chính rút khỏi Công ty, các thành viên mới chưa nắm bắt kịp công việc nên triển khai chậm... Đồng thời đề nghị gia hạn thêm thời gian để tiếp tục thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường và triển khai thủ tục đóng cửa mỏ. Công ty cam kết chậm nhất là đến giữa tháng 4/2017 sẽ hoàn tất và nộp hồ sơ đóng cửa mỏ.
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu doanh nghiệp khẩn trương lập đề án đóng cửa mỏ và cải tạo, phục hồi môi trường, chậm nhất là ngày 15/4/2017. Nếu sau thời hạn trên, doanh nghiệp chưa nộp hồ sơ sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm b, khoản 3, Điều 38, Nghị định 142/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
Tin, ảnh: Thành Hưng