Xung quanh đề xuất bãi bỏ quy định lao động nữ nuôi con được nghỉ 60 phút/ngày: Cần đảm bảo quyền lợi của lao động nữ
Những ưu tiên đó chẳng những bảo vệ cho lao động nữ trong quá trình nuôi con nhỏ mà nhằm bảo đảm cho quá trình chăm sóc trẻ sơ sinh đầy đủ, giúp đứa bé phát triển bình thường. Xét đến cùng thì đó là tầm nhìn chiến lược vì sự phát triển của nòi giống trong tương lai. Chúng ta đang hướng tới mục tiêu duy trì và phát triển một thế hệ mai sau khỏe mạnh cả về trí tuệ lẫn thể chất.
Mới đây, Ban soạn thảo dự án Luật Lao động sửa đổi đề xuất bỏ quy định “người lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc, mà vẫn hưởng đủ lương” được quy định tại điểm 3, Điều 115, Bộ luật Lao động năm 2012.
Lý do Ban soạn thảo đưa ra đề xuất đó là dựa trên kiến nghị của các doanh nghiệp, bởi quy định tại điểm 3, Điều 115 của Bộ luật Lao động đã tác động hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, làm gián đoạn gây ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất, chi phí sản xuất tăng cao…
Đề xuất của Ban soạn thảo Luật lập tức vấp phải những phản ứng mạnh mẽ của dư luận xã hội và các nhà nghiên cứu, hoạch định chiến lược. Bởi, việc bãi bỏ các quy định trên có những điểm bất hợp lý cả về lý thuyết và thực tiễn, chẳng những làm ảnh hưởng đến quyền được hưởng của lao động nữ mà còn ảnh hưởng đến vấn đề chăm sóc trẻ sơ sinh nhằm bảo đảm phát triển thể chất của giống nòi trước mắt và lâu dài. Những vấn đề đó đã được cả luật pháp quốc tế ghi nhận và bảo vệ; trong thực tế nhiều nước trên thế giới đều có những ưu đãi này đối với lao động nữ.
|
Vấn đề về bình đẳng giới cũng như các quyền lợi của người phụ nữ không phải mới đây mới được xã hội quan tâm. Quyền bình đẳng của người phụ nữ được nhân loại đề cập và đấu tranh qua hàng thế kỷ mới được ghi nhận. Quyền bình đẳng ấy ngày càng cụ thể hóa với những quan tâm ngày một nhiều hơn đến những quyền lợi cụ thể, thiết thực đối với lao động nữ, được cụ thể hóa thành luật pháp quốc tế và luật pháp của các nước nhằm nâng cao vai trò, vị thế của người phụ nữ trong xã hội. Trong đó, có quyền được làm mẹ, làm vợ, quyền được học tập, làm việc và cống hiến… Đây chính là những quyền lợi cơ bản mà người phụ nữ được hưởng trong một xã hội tiến bộ, văn minh.
Công ước quốc tế ghi nhận và bảo vệ những quyền lợi cơ bản của lao động nữ, đặc biệt là những quyền lợi của lao động nữ trong quá trình nuôi con. Ở các quốc gia hầu hết đều có những ưu tiên đối với lao động nữ trong quá trình thai sản và nuôi con nhỏ ...
Không phải ngẫu nhiên mà Bộ luật Lao động năm 2012 lại dành cả một chương (Chương X- Những quy định riêng đối với lao động nữ); từ Điều 109 đến Điều 118 để đề cập quyền lợi của lao động nữ. Xuyên suốt cả một chương luật ấy, nội dung cơ bản vẫn là đảm bảo mọi mặt về sức khỏe, tâm lý, tinh thần… đối với lao động nữ trong suốt quá trình thai sản và nuôi con.
Có thể khẳng định rằng, những quy định trong Chương X của Bộ luật Lao động về lao động nữ là hết sức tiến bộ, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của những người soạn thảo Luật trước đó. Những quy định này đều nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi của lao động nữ như tâm sinh lý, sau khi sinh con và nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Điều luật này thể hiện sự tiến bộ vượt bậc, mang tính khoa học, đáp ứng thực tiễn, là kết quả của quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng, lâu dài. Đó cũng chính là tính ưu việt của luật pháp nước ta, thể hiện nội dung cảm thông và chia sẻ với người mẹ đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.
Xét về mặt tâm lý và sinh lý, trong thời gian này, người mẹ nuôi con nhỏ (lao động nữ), rất dễ bị tổn thương về sức khỏe và tinh thần. Trong suốt thời gian nuôi con nhỏ, lao động nữ đã phải cố gắng hơn những người lao động bình thường rất nhiều để hoàn thành công việc. Trong quá trình đó, họ rất cần có thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc con nhỏ và cho con bú sữa mẹ. Đó là điều cần được ghi nhận và khuyến khích…
Những ưu tiên đó chẳng những bảo vệ cho lao động nữ trong quá trình nuôi con nhỏ mà nhằm bảo đảm cho quá trình chăm sóc trẻ sơ sinh đầy đủ, giúp đứa bé phát triển bình thường. Xét đến cùng thì đó là tầm nhìn chiến lược vì sự phát triển của nòi giống trong tương lai. Chúng ta đang hướng tới mục tiêu duy trì và phát triển một thế hệ mai sau khỏe mạnh cả về trí tuệ lẫn thể chất. Việc chỉ cho con bú bằng sữa mẹ trong thời kỳ bú sữa, đang được khuyến khích và tăng cường, nhằm đảm bảo đứa trẻ khi sinh ra được phát triển bình thường và khỏe mạnh. Hơn thế nữa, việc nghỉ ngơi này sẽ giúp lao động nữ trong thời kỳ cho con bú vừa bảo đảm sức khỏe để nuôi trẻ trong thời kỳ sơ sinh, vừa bảo đảm tái sản xuất sức lao động, tránh làm việc quá sức, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Đất nước ta chúng ta đang hướng tới một nền sản xuất công nghiệp hiện đại, và cũng đã đạt được những thành tựu đáng kể. Trong đó ghi nhận sự đóng góp không nhỏ của các doanh nghiệp. Thế nhưng, chỉ một lý do đơn giản “về kế hoạch sản xuất bị ảnh hưởng” do “lao động nữ nuôi con nhỏ nghỉ 60 phút trong một ngày”, thì quả là thiếu thuyết phục và không có cơ sở pháp lý. Có thể, đây chỉ là “cái cớ” để các doanh nghiệp “làm khó” cho các lao động, nhất là lao động nữ, trong quá trình tuyển dụng, trả lương…
Thực tiễn lao động sản xuất cho thấy, một doanh nghiệp có liên quan đến dây chuyền sản xuất thì phải có sự sắp xếp, tính toán mang tầm chiến lược, có kế hoạch sản xuất lâu dài để bố trí lao động phù hợp theo từng giai đoạn, khả năng và điều kiện của người lao động. Đây là trách nhiệm của những người làm công tác tổ chức, sắp xếp nhân sự ở từng doanh nghiệp chứ không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật.
Tuy chỉ mới là ý kiến đề xuất, nhưng những nhà soạn thảo Luật cũng cần lưu ý khi đề xuất một vấn đề liên quan đến quyền lợi của người lao động và cũng cần lấy ý kiến rộng rãi của mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có người lao động, mà nhất là lao động nữ.
Chúng ta đang hướng tới hoàn thiện một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, quản lý xã hội bằng luật pháp. Một đạo luật hay luật mới ra đời, ngoài đảm bảo sự kế thừa, cần có những điểm tiến bộ hơn cái cũ, chứ không phải cái mới ra đời lại lạc hậu, tụt lùi hơn cái cũ, thiếu tính vững bền.
Luật vả các đạo luật gắn liền với cuộc sống, nên trước tiên nó phải phù hợp với Hiến pháp, đảm bảo được công bằng xã hội; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mọi tầng lớp nhân dân. Luật điều chỉnh tất cả các mối quan hệ xã hội, đảm bảo lợi ích xã hội và lợi ích của mọi người dân đều hài hòa, cùng phát triển, chứ không phải chỉ phục vụ cho quyền lợi của một tầng lớp, một bộ phận nào…
Hơn lúc nào hết, mọi người dân lao động, nhất là những lao động nữ tại các doanh nghiệp trên toàn quốc, đang mong chờ những quyết định sáng suốt của Quốc hội và các bộ, ngành liên quan trước khi biểu quyết đề xuất nêu trên. Có như vậy, người lao động nữ có thể yên tâm làm việc, cống hiến hết cả tâm huyết trong mọi môi trường lao động, góp phần không nhỏ cho nền kinh tế nước ta đang ngày càng tăng trưởng…
Dương Đức Nhuận