Xử lý nghiêm tình trạng lợi dụng danh nghĩa nhà báo
Trong những năm qua, báo chí đóng góp tích cực trên mặt trận tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, phản biện những vấn đề thời sự xã hội, tham gia đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng... Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số nhà báo lợi dụng nghề nghiệp để trục lợi gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Nhận thức rõ vai trò "thư ký thời đại" của nhà báo, những người làm báo chân chính luôn cố gắng học tập, rèn luyện nhằm trau dồi nghề nghiệp, tư cách đạo đức, lăn xả vào thực tiễn để phản ánh, nói lên tiếng nói để hoàn thành trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội của người làm báo, xứng đáng với sự tin yêu của xã hội.
Tuy nhiên, trong thời đại bùng nổ thông tin ngày nay, với sự phát triển đa dạng của báo chí, đội ngũ nhà báo ngày càng đông đảo, bên cạnh những nhà báo chân chính xem trọng đạo đức nhà báo và có những đóng góp tích cực cho xã hội, vẫn còn những “sâu” trong làng báo.
Một số ít nhà báo thiếu tu dưỡng đạo đức, chạy theo lợi ích vật chất... để rồi họ vượt ra khỏi ranh giới đạo đức nghề nghiệp, bẻ cong ngòi bút thổi phồng sự việc tiêu cực quá mức, bóp méo sự thật, gây tác động xấu trong dư luận xã hội.
Vụ việc 3 phóng viên, cộng tác viên Báo Bảo vệ pháp luật thực hiện hành vi tống tiền doanh nghiệp và tổ chức mà Tòa án nhân dân huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) đưa ra xét xử ngày 7/11/2016 đã thực sự gây sốc trong xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của nhà báo.
Nhiều độc giả cũng như các nhà báo chân chính tỏ ra khá bức xúc về vấn đề này. Đa số các ý kiến đều cho rằng, cần phải xử lý nghiêm những sai phạm để ngòi bút không bị bẻ cong, để uy tín báo chí cách mạng không bị mất đi.
Một trong những nguyên nhân làm gia tăng các vụ việc tiêu cực do nhà báo gây ra trong thời gian qua đó là nhiều nơi còn buông lỏng trong việc cấp giấy thiệu và quản lý tại các cơ quan đại diện, văn phòng thường trú. Có nhiều cơ quan báo chí có đến hàng chục văn phòng đại diện, văn phòng thường trú tại các địa phương với lượng phóng viên, cộng tác viên khá đông nhưng lại buông lỏng quản lý, giáo dục đạo đức, tác phong nhà báo, không có quy chế hoạt động rõ ràng, tài chính không đảm bảo nên dễ nảy sinh các tiêu cực…
Trong thực tế cuộc sống, cũng có không ít cá nhân, đơn vị vì “cả nể” hay vì một lý do gì đó còn e ngại, chưa dám tố giác các trường hợp lợi dụng danh nghĩa nhà báo để trục lợi bất chính, vô tình “tiếp tay” để những phóng viên báo chí biến chất trong làng báo hoành hành.
Cùng với việc thông qua Luật Báo chí 2016 của Quốc hội khóa XIII và việc triển khai thực hiện Đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 của Bộ Thông tin-Truyền thông đã thể hiện bước tiến mới trong quản lý báo chí của Nhà nước, đáp ứng được yêu cầu quản lý và phát triển của báo chí Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Với các quy định mới này, các cơ quan báo chí đã từng bước được sắp xếp lại nhằm quản lý tốt hơn đội ngũ phóng viên, biên tập viên, nhất là đối với các văn phòng đại diện, cơ quan thường trú.
Thiết nghĩ, để Luật Báo chí triển khai thực hiện có hiệu quả, cùng với việc nâng cao trách nhiệm của các cơ quan báo chí, cơ quan quản lý báo chí, các tổ chức và cá nhân cũng cần tăng cường “kiểm soát” báo chí, tránh tình trạng vì một lý do gì đó mà ngại tố giác để rồi “tiếp tay” cho các nhà báo không chân chính trục lợi, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín nền báo chí cách mạng Việt Nam và uy tín danh dự của những nhà báo chân chính .
Điều 25 của Luật Báo chí 2016 quy định: Nhà báo là người hoạt động báo chí được cấp thẻ nhà báo; nhà báo được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí và khi đến làm việc chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Đây là quy định mới của Luật Báo chí. Quy định này vừa giúp cho các tổ chức, cá nhân dễ dàng phát hiện đâu là nhà báo thật và đâu là những kẻ giả danh nhà báo, đồng thời góp phần hạn chế số vụ gây cản trở nhà báo khi đến làm việc tại một số cơ quan, tổ chức.
Tuy nhiên, cũng có trường hợp một số phóng viên đang công tác tại các cơ quan báo chí nhưng chưa được cấp thẻ nhà báo theo quy định về thời gian công tác. Đối với các trường hợp này, phóng viên sẽ được cơ quan báo chí cấp giấy giới thiệu, có ghi số chứng minh nhân dân của phóng viên đó.
Căn cứ vào đó, cá nhân là người được phóng viên đến phỏng vấn trực tiếp hoặc là người đại diện cơ quan, đơn vị được phóng viên đến phỏng vấn chỉ cần yêu cầu phóng viên xuất trình thẻ nhà báo hoặc giấy giới thiệu của cơ quan báo chí còn thời hạn sử dụng kèm theo chứng minh nhân dân (tránh trường hợp mượn giấy giới thiệu hoặc làm giả giấy giới thiệu của cơ quan báo chí).
Trong trường hợp, nếu phóng viên không đảm bảo đủ các điều kiện về thủ tục, người được phỏng vấn có thể liên hệ với cơ quan báo chí cấp giấy giới thiệu cho phóng viên để xác minh. Nếu không xác minh được hoặc trong trường hợp nghi vấn, người được phỏng vấn có thể từ chối cung cấp thông tin hoặc kịp thời trình báo cơ quan công an nơi gần nhất.
Bài, ảnh: Tú Quyên