Vụ kéo gỗ tang vật vụ án “kết hợp” kéo luôn gỗ ngoài tang vật ở Đăk Tô: Kiểm tra làm rõ, xử lý nghiêm
Được giao đưa số gỗ tang vật của vụ án từ rừng về bãi tập kết, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô đã “kết hợp” kéo thêm hơn 84m3 gỗ nằm ngoài gỗ tang vật mà không hề báo cơ quan chức năng làm thủ tục theo quy định của pháp luật. Chỉ đến khi chính quyền địa phương và cơ quan chức năng huyện Đăk Tô phát hiện, công ty mới báo cáo...
Thực hiện phương án xử lý tài sản là vật chứng vụ án bị tịch thu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho chủ trương và phê duyệt, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô được giao kéo gom, vận chuyển khối lượng gỗ là tang vật vi phạm của các vụ việc xử lý từ năm 2012-2013. Tổng khối lượng gỗ tang vật vi phạm là 415m3 (trong đó gỗ tròn là 195,516m3, gỗ xẻ là 220,175m3) phải được kéo ra khỏi rừng để chờ cơ quan chức năng xử lý.
Thực hiện nhiệm vụ này, cuối năm 2017, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô triển khai việc kéo gỗ tang vật theo phương án được duyệt. Tính đến ngày 10/2/2018, tổng số gỗ đã được công ty kéo xuống bãi tập kết là gần 329m3. Khối lượng đã được xác nhận, đóng búa kiểm lâm là hơn 106m3.
Qua kiểm tra, truy suất, đối chiếu thực tế chỉ có 244m3 gỗ phù hợp về số lượng, chủng loại với phương án đã được phê duyệt và các hồ sơ liên quan của phương án quản lý rừng bền vững.
Nhưng điều đáng nói, hơn 84m3 (gỗ cáng lò, dổi) không có trong hồ sơ của phương án nhưng đơn vị này đã tự ý kéo về mà không báo cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Sự việc chỉ được dừng lại khi cơ quan chức năng và chính quyền địa phương phát hiện.
|
Ngày 12/4, chúng tôi có mặt tại bãi gỗ của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô ở xã Đăk Rơ Nga để tìm hiểu vụ việc.
Tại đây, ông Hồ Thanh Tuấn - Đội trưởng Đội khai thác và bảo vệ rừng (Lâm trường Đăk Tô, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô, đơn vị trực tiếp kéo gỗ về bãi) cho biết: Trong quá trình kéo, phát hiện số gỗ trên nằm ở dưới suối nên kéo về luôn nhằm tránh sự nhòm ngó của lâm tặc và để bảo quản gỗ khỏi hư hỏng.
Còn giải thích với chúng tôi, ông Nguyễn Thành Chung - Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô cho biết: Số gỗ ngoài tang vật vụ án là số gỗ lâm tặc khai thác từ năm 2012, 2013, đến nay gỗ đã mục, giác, châm kim không còn bất kì dấu hiệu nào để nhận biết đâu là gỗ tang vật, đâu không phải là gỗ tang vật. Vì vậy, để tránh bị lâm tặc nhòm ngó lấy đi, công ty đã cho vận chuyển số gỗ trên về bãi tập kết để bảo quản, sau đó phân loại rồi báo lên cơ quan chức năng tiếp tục xử lý.
Điều đáng nói ở đây là theo quy định thì khi phát hiện số gỗ ngoài tang vật vụ án thì phải giữ nguyên hiện trường, báo cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để điều tra, xử lý, nhưng công ty này lại không thực hiện điều đó.
Ngày 23/2/2018, UBND huyện Đăk Tô đã có văn bản yêu cầu Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô khi triển khai công tác vận chuyển, đưa lâm sản đã phát hiện qua các vụ việc ra khỏi rừng phải thông tin, báo cáo cụ thể cho ngành chức năng và địa phương nơi có lâm sản biết, kiểm soát và phối hợp quản lý bảo vệ lâm sản…
Sau đó, đến ngày 28/2/2018, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô mới có báo cáo về UBND huyện Đăk Tô, Hạt Kiểm lâm Đăk Tô về quá trình kéo gỗ tang vật và giải thích số gỗ ngoài tang vật…
Ông Cao Trung Tin - Chủ tịch UBND huyện Đăk Tô cho biết, khi kéo gỗ, về phía Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô đã không báo cáo trước với chính quyền địa phương và các ngành chức năng của huyện để nắm, phối hợp, theo dõi và quản lý. Chỉ đến khi chính quyền xã phát hiện, báo cáo lên UBND huyện, UBND huyện chỉ đạo cơ quan Công an vào cuộc kiểm tra, sau đó, công ty mới có báo cáo giải trình.
Trả lời với phóng viên việc đơn vị kéo gỗ ngoài tang vật của vụ án mà chưa báo cáo cơ quan chức năng, ông Nguyễn Thành Chung giải thích: Chúng tôi có chủ quan, sai là chưa báo chính quyền địa phương và cơ quan chức năng trước khi kéo gỗ ngoài tang vật, nhưng mục đích chúng tôi kéo xong sẽ lập thủ tục kiểm đếm rồi báo cáo với đơn vị chức năng đến xác minh. Hơn nữa muốn kéo về sớm để bảo quản, tránh thất thoát tài sản của nhà nước, tránh hư hỏng và tránh sự nhòm ngó của lâm tặc, từ đó làm tốt hơn công tác quản lý bảo vệ rừng.
Trước vụ việc trên, UBND huyện Đăk Tô đã có báo cáo gửi UBND tỉnh đề nghị chỉ đạo kiểm tra, xác minh đối với hoạt động vận chuyển, đưa lâm sản là tang vật vi phạm ra khỏi rừng (trong đó có gỗ khác hơn 84m3 không phải là gỗ tang vật vi phạm của các vụ án trước đã xử lý) của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô.
Đến ngày 5/4/2018, Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Văn Hòa đã ký văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan xử lý về việc kéo gom, vận chuyển lâm sản vi phạm đối với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô.
Theo đó, yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chủ trì, phối hợp với UBND huyện Đăk Tô và các ngành chức năng liên quan kiểm tra, xác định rõ hành vi vi phạm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô trong quá trình kéo gom, vận chuyển lâm sản vi phạm.
UBND tỉnh cũng yêu cầu Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan trong việc vận chuyển gỗ nằm ngoài hồ sơ vi phạm và phương án kéo gom, vận chuyển gỗ vi phạm được phê duyệt nhưng không báo cáo chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng để xử lý theo quy định...
Bài, ảnh: Văn Phương