Thành phố Kon Tum: Dân ồ ạt dựng lều chờ...đền bù
Từ cuối tháng 11/2017, khi chủ đầu tư tiến hành đo đạc, cắm mốc giải phóng mặt bằng dự án Đường giao thông kết nối từ đường Hồ Chí Minh với Quốc lộ 24, hơn 90 hộ dân ở làng Kon H'ra Chót (phường Thống Nhất) đã đồng loạt trồng cây, dựng lều, nhà tạm trên diện tích dự kiến làm đường...
"Con đường" đặc biệt...
Từ trên đường bao khu dân cư phía bắc đang được hoàn thiện phần lót gạch vỉa hè, có thể nhìn thấy khá rõ "con đường" hình thành từ kẽm gai, cột bê tông và những mái tôn xiêu vẹo, chạy hun hút xuống bãi vươn qua sông Đăk Bla sang phía Chư Hreng.
Dưới trời nắng gắt, thỉnh thoảng một cơn gió ào tới, cuốn tung bụi đất và xác lá mía khô, "con đường" đặc biệt ấy hiện ra lóa mắt bởi lưới B40 và những mái tôn đủ màu, mới có, cũ có.
Điều khiến cho bất cứ ai nhìn thấy đều cảm thấy buồn cười là tất cả những rào, những lều, những nhà tạm ấy đều "tuân thủ" nghiêm ngặt theo mốc giải phóng mặt bằng, tuyệt không có cái nào lấn ra khỏi phạm vi mốc. Phía ngoài mốc, người dân vẫn canh tác bình thường; mía, mì vẫn lên xanh tốt.
Như thế này thì chỉ cần nhìn theo những mái tôn ấy là có thể thấy được con đường trong tương lai sẽ rộng bao nhiêu, uốn lượn như thế nào - một đồng nghiệp nhận xét.
|
Theo quan sát của chúng tôi, tất cả đều được làm vội vàng và tạm bợ, hẳn nhiên rồi. Từ những căn lều, nhà tạm - cái to, cái nhỏ - được dựng bằng cây bời lời hoặc lồ ô, mái lợp tôn, nền tráng xi măng, bốn phía trống hoác, thỉnh thoảng có nhà tạm xây bằng gạch mộc thấp lè tè, đến hàng rào lưới B40 dài dằng dặc xiêu vẹo. Do làm vội, mấy ngày nay lại có gió lớn nên nhiều lều đã bị bay mất mái, những tấm tôn rơi vãi lung tung.
Và để hợp thức hóa cho việc làm lều trại, một số gia đình đã trồng chuối, thả hom mía và một số loại cây trồng ngắn ngày khác với mật độ dày đặc. Dù thực tế cho thấy, cây trồng ở đây không được chăm sóc, tưới tắm nhiều ngày nên úa vàng, cằn cỗi, nhưng vẫn có sự hiện diện của hệ thống ống tưới, béc phun khá hiện đại được lắp đặt chằng chịt.
Đang là mùa sản xuất, nhưng cả khu vực vắng tanh không một bóng người nên ý định phỏng vấn người dân của bạn đồng nghiệp bị "phá sản". Mãi lúc chúng tôi chuẩn bị quay ra thì một cậu thanh niên phóng xe máy qua, tôi vội níu lại hỏi dò thì cậu trả lời ngắn gọn "dân làng làm chuồng bò, làm lều coi mía đó mà", rồi phóng vù đi, bỏ lại phía sau đám bụi mù mịt.
Trên đường ra, may mắn chúng tôi gặp được 2 người đàn ông đang chăm sóc ruộng cà chua. Trong khi một người vội vàng né tránh thì người còn lại trao đổi khá thoải mái. Anh cho biết mình tên là Nguyễn Đức Khải, nhà ở phường Thống Nhất, thuê đất tại khu sản xuất của làng Kon H'ra Chót để trồng rau màu.
"Mấy cái lều đó à, của bà con làng Kon H'ra Chót cả, họ là chủ đất mà. Nay Nhà nước thu hồi đất để làm đường nên bà con dựng lều trại, nhà tạm, rào lưới B40 để mong được đền bù thôi"- anh nói.
Cũng theo anh Khải, sự việc bắt đầu từ trước Tết Dương lịch 2018 ít ngày. Ban đầu cũng có gia đình xây nhà gạch, giá khoảng 1,2 triệu đồng/m (nền), nhưng sau đó chính quyền phát hiện và ngăn chặn nên các hộ sau làm lều, nhà tạm, giá khoảng 500-600 ngàn đồng/m (nền).
Chủ đầu tư lo lắng
Dự án Đường giao thông kết nối đường Hồ Chí Minh với Quốc lộ 24 này (gồm đường và cầu) có chiều dài đoạn tuyến xây dựng khoảng 10km, trong đó đoạn từ đường Hồ Chí Minh (khu vực phường Trần Hưng Đạo) đến đường Lý Thái Tổ (dài hơn 5,4 km) và cầu vượt sông Đăk Bla (dài 305 m) được đầu tư mới; đoạn từ đường Lý Thái Tổ đến điểm giao với Quốc lộ 24 (dài gần 5 km) đi qua đường Nguyễn Huệ - Đào Duy Từ - Trần Văn Hai, giữ nguyên hiện trạng các tuyến đường.
Theo Quyết định phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi (số 695/QĐ-UBND ngày 20/7/2017) của UBND tỉnh, tổng mức đầu tư cho dự án là 760,7 tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ (685 tỷ đồng), trong đó, chi phí (dự kiến) dành cho đền bù, giải phóng mặt bằng là 47 tỷ đồng.
Ông Phan Thanh Hùng - Trưởng Ban quản lý các dự án 98, đơn vị được giao làm chủ đầu tư dự án đánh giá, khi hoàn thành, tuyến giao thông này sẽ tạo thành trục không gian chính kết nối đường Hồ Chí Minh với Quốc lộ 24, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và rút ngắn khoảng cách từ tỉnh Gia Lai, các tỉnh phía nam đi vùng kinh tế động lực phía đông của tỉnh Kon Tum, Khu kinh tế Dung Quất và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; kết nối Khu công nghiệp Sao Mai, Hòa Bình của thành phố Kon Tum với Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, thực trạng người dân làng Kon H'ra Chót vi phạm mặt bằng dọc tuyến triển khai dự án cũng khiến chủ đầu tư lo lắng. Ông Phan Thanh Hùng cho hay: Hiện nay, chủ đầu tư và các bên có liên quan mới hoàn thành thiết kế cơ sở, đang chờ cơ quan chuyên ngành thẩm định để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng người dân ồ ạt làm lán trại, nhà tạm như thế này thì không tránh khỏi việc nảy sinh một loạt vấn đề trong quá trình đền bù, giải phóng mặt bằng. Nếu không được giải quyết một cách linh hoạt và dứt điểm sẽ ảnh hưởng xấu đến tiến độ.
Ngay khi phát hiện hàng loạt hộ dân ở các phương Thống Nhất, Trần Hưng Đạo và xã Chư Hreng tiến hành làm lều trại, nhà tạm, trồng cây trên tuyến, chủ đầu tư đã thông báo với chính quyền địa phương, đề nghị có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Hiện nay, UBND thành phố Kon Tum cũng đang chỉ đạo quyết liệt - ông Phan Thanh Hùng thông tin.
"Sẽ không đền bù cho các trường hợp vi phạm"
Ông Nông Hồng Công - Chủ tịch UBND phường Thống Nhất đã phát biểu như vậy khi làm việc với phóng viên Báo Kon Tum.
“Là người có trách nhiệm trong việc thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng để triển khai hàng loạt dự án trên địa bàn phường, như dự án đường bao khu dân cư phía bắc, dự án xây dựng khu công trình làm việc liên cơ quan, nhưng chưa có công trình nào làm tôi mệt mỏi như công trình này” - ông Công than.
|
Nguyên do là, từ cuối tháng 11/2017, ngay sau khi tuyến đường được cắm mốc giải phóng mặt bằng, một số gia đình ở làng Kon H'ra Chót tiến hành làm nhà tạm trên diện tích đất dự kiến thu hồi, sau đó nhiều nhà khác đồng loạt làm theo; không ít hộ gia đình làm nhiều lều, lán trên cùng diện tích đất của mình, như nhà Y Duih dựng tới 6 nhà tạm (mái tôn, khung gỗ, tường gạch mộc, nền xi măng), nhà A Dưh dựng 4 chòi, nhà tạm (mái tôn, khung sắt, nền lát gạch, tường gạch mỏng), nhà Kiuh dựng 4 căn chòi (mái tôn, tường gạch mỏng, nền xi măng), Y Nghiuh dựng 3 căn lều (mái tôn, khung gỗ, nền xi măng)...
Ông Nông Hồng Công cho biết: Khi nhận được thông tin, chúng tôi đã báo cáo UBND thành phố Kon Tum, đồng thời thành lập Tổ công tác thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân hiểu về chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng hiện nay; tổ chức họp dân, ra thông báo yêu cầu các hộ dân dừng việc xây dựng, tháo dỡ các vật kiến trúc xây dựng trái phép. Bên cạnh đó, đã thành lập Tổ công tác tiến hành kiểm tra, lập biên bản các trường hợp vi phạm. Số liệu thống kê mới nhất mà tôi có được là có 93 hộ dân vi phạm với 145 vật kiến trúc.
Cũng theo ông Công, UBND thành phố Kon Tum đã có nhiều văn bản chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp xây dựng trái phép trong phạm vi dự án. Và đến nay, với sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, tình trạng trên đã được ngăn chặn, còn việc xử lý, vận động tháo dỡ không phải làm ngay được, cần có thời gian và phương pháp phù hợp.
“Vì những đồn đoán thiếu chính xác và vì cái lợi trước mắt của mình mà quên đi lợi ích chung của Nhà nước, của địa phương nên nhiều hộ gia đình cố tìm vi phạm, tuy nhiên, chúng tôi cũng đã giải thích rõ với bà con, những vật kiến trúc cố tình dựng lên sau khi cắm mốc giải phóng mặt bằng để trục lợi sẽ không được đền bù” - Chủ tịch UBND phường Thống Nhất nhấn mạnh.
Hồng Lam