Tết đến lại lo... pháo nổ!
Đến hẹn lại lên, cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, tình trạng mua bán, vận chuyển, tàng trữ, đốt pháo nổ lại diễn ra ở nhiều nơi, dù đây là các hành vi bị cấm. Điều này gây hậu quả nặng nề về sức khỏe, thậm chí dẫn đến mất mạng, gây mất an ninh, trật tự tại các địa phương.
Dù chưa tới Tết Nguyên đán Quý Mão, nhưng những ngày này, đâu đó đã xuất hiện những âm thanh đì đùng của tiếng pháo. Càng gần Tết, hiện tượng này càng gia tăng.
Vẫn biết rằng trong tâm thức người Việt, tiếng pháo đã trở thành một phần hồi ức gắn với những ngày Tết cổ truyền rộn ràng, náo nức. Thế nhưng cũng chính pháo nổ lại trở thành nỗi ám ảnh về những mối hiểm họa khôn lường đối với sức khỏe, tính mạng của không ít người, gây tổn thất kinh tế và ô nhiễm môi trường.
Vì thế, từ năm 1994, Chính phủ đã có quy định về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo. Đến năm 2009, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định 36/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo nổ. Gần đây nhất, Nghị định 137/2020/NĐ-CP (ngày 27/11/2020) đã được ban hành thay thế Nghị định số 36/2009/NĐ-CP quy định rõ loại pháo nào được phép sử dụng, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khi cần mua pháo ở đâu, do nơi nào sản xuất.
|
Pháp luật đã có quy định rất rõ ràng và các cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền, vận động nêu cao ý thức chấp hành của người dân. Tăng cường quản lý, bắt giữ, xử lý không ít những vụ vận chuyển, buôn bán, tàng trữ, sử dụng pháo nổ, thế nhưng tình trạng này vẫn diễn ra hết sức phức tạp vào mỗi dịp Tết Nguyên đán.
Pháo nổ được các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại vận chuyển trái phép qua biên giới đưa vào thị trường nội địa tiêu thụ bằng nhiều phương thức, thủ đoạn rất tinh vi. Mặt khác, thời gian gần đây, lợi dụng sự phát triển của mạng xã hội, các ứng dụng nhắn tin qua internet, việc buôn bán pháo nổ còn được các “đầu nậu” chuyển dịch lên không gian mạng. Chỉ cần tìm từ khóa “bán pháo nổ” trên Facebook sẽ hiện ra rất nhiều trang cá nhân và các hội nhóm buôn bán pháo nổ với hàng nghìn thành viên tham gia.
Một bộ phận người dân dù biết rõ đây là hành vi bị cấm, nhưng vì thú vui nhất thời, hoặc muốn tỏ ra sành điệu nên vẫn “vô tư” mua, đốt pháo nổ. Để rồi nhiều tai nạn thương tâm xảy ra, gây ảnh hưởng về sức khỏe, thậm chí là tính mạng và làm mất an ninh trật tự, an toàn xã hội tại các địa phương.
Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, mỗi năm có hàng trăm vụ tai nạn do đốt pháo hoặc sản xuất pháo lậu dẫn đến phát nổ gây ra.
Chỉ trong ít ngày qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng đăng tải nhiều vụ tai nạn do pháo nổ gây ra, nhất là tai nạn do việc tự chế pháo nổ.
Đáng báo động là tình trạng học sinh, thanh thiếu niên tham gia mua, tàng trữ, sử dụng pháo trái phép có chiều hướng gia tăng. Nhiều em còn lên mạng internet tìm tòi, học theo các cách làm pháo tự chế, rồi mua thuốc nổ trôi nổi về làm theo. Hậu quả là nhiều em phải nhập viện cấp cứu, trong đó, một số em bị tai nạn nghiêm trọng dẫn đến thương tật suốt đời, đau xót có em đã tử vong. Đây là hồi chuông cảnh báo cho tất cả học sinh, phụ huynh và toàn xã hội về những ẩn họa khôn lường từ việc tự chế tạo và sử dụng trái phép pháo nổ.
Tết Nguyên đán Quý Mão đang cận kề, để người người, nhà nhà đón một cái Tết thật sự đầm ấm, vui tươi, hạn chế đến mức thấp nhất các vi phạm, tai nạn về pháo, các lực lượng chức năng cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục các quy định pháp luật việc sản xuất, kinh doanh và đặc biệt là sử dụng pháo nổ để các tổ chức, cá nhân nhận thức rõ được sự nguy hiểm và những hậu quả khôn lường do pháo gây ra. Bên cạnh đó, cần xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm trong việc mua bán, vận chuyển, sử dụng pháo nổ trái phép. Đồng thời, hướng dẫn nhân dân sử dụng pháo hoa đúng quy định, đảm bảo các điều kiện về năng lực dân sự, an toàn phòng cháy, chữa cháy và không gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự.
Và hơn hết, mỗi người dân chúng ta cần nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật, kiên quyết nói không với pháo nổ.
Thùy Hương