Nở rộ bói toán đầu năm
Sau Tết Nguyên đán, chuyện bói toán lại nở rộ. Mong muốn biết trong năm năm mới Mậu Tuất này con đường công danh, sự nghiệp, tình cảm, gia đạo… của mình sẽ ra sao, nhiều người không ngại bỏ tiền của, công sức, thậm chí mới 4 - 5h sáng đã vội đến nhà “thầy” bói chầu chực để mong được xem trước...
Sau Tết Nguyên đán, các tụ điểm bói toán, xin xăm quẻ, cúng giải hạn... trên địa bàn thành phố Kon Tum và một số huyện nở rộ như “nấm sau mưa”, gây ảnh hưởng đến tình hình bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn. Nhiều điểm đã bị cơ quan công an và chính quyền địa phương nhắc nhở, xử phạt nhiều lần, song vẫn ngoan cố hoạt động nhằm thu lợi bất chính hàng triệu đồng mỗi ngày.
Trong vai người đi xem bói đầu năm, chúng tôi về một điểm xem bói ở xã Đăk Cấm (thành phố Kon Tum). Người xem bói là một phụ nữ đầy đặn, tầm khoảng ngoài 40 tuổi. Đây là một “thầy” bói mà nhiều người mê tín đồn đoán là một trong số ít “thầy” trên địa bàn tỉnh biết trước mọi sự việc trong gia đạo của người đến xem bói.
|
Chỉ mới hơn 7h sáng nhưng khi tôi đến đã có trên chục người ngồi trước sân nhà “thầy” để chờ đến lượt xem bói. Người đến xem bói chỉ cần ghi tên, tuổi, chỗ ở hiện tại, quê quán trên một tờ giấy do “thầy” phát rồi đưa lại cho “thầy”. Sau đó mọi người cứ ngồi chầu chực đợi đến lượt “thầy” gọi tên mình.
Quan sát một lượt, tôi thấy người phụ nữ mà người ta gọi là “thầy” bói này mặc bộ đồ may kiểu bà ba bằng vải bóng, quần trắng, áo xanh, chễm chệ ngồi trên chiếc ghế gỗ, phía dưới có lót một chiếc gối mỏng.
Trước khi bắt đầu hành nghề, người phụ nữ này đốt một bó nhang khấn vái và cắm vào bát nhang. Trên tay chỉ còn cầm lại một cây nhang, cặp mắt lơ mơ làm giống như có ai đó nhập vào và sau đó cứ lần lượt ngồi phán hết người này cho đến người khác.
Hầu hết những nội dung người phụ nữ này “phán” đều không mang tính thực tế nên không có ai kiểm chứng đúng - sai được. Quan sát một lúc, tôi thấy hầu hết ai đến đây xem bói cũng đều được “thầy” phán chuyện ở cõi âm. Nào là chuyện gia đình, dòng họ bị động mồ, động mả; nào là chuyện có người âm theo quấy phá; nào là chuyện chưa mở căn, chưa cúng trả tiền tào quan... nên chuyện tình cảm, làm ăn, sức khỏe... sẽ gặp trục trặc, trở ngại...
Rõ ràng, mục đích chính của người phụ nữ này là lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin, mê tín dị đoan của những người đến xem bói để hù dọa, làm cho họ bất an, lo lắng. Để hóa giải các kiếp nạn sắp tới có thể xảy ra, người phụ nữ này đề nghị những người xem bói nên nhờ mình cúng tế mới mong được hóa giải. Nếu nhờ những “thầy” khác cúng thì chưa chắc gì đã có hiệu quả vì những “thầy” khác không “cao tay ấn” như bà…
Điều đáng nói là giá cả bà “hét” mỗi khi đưa ra cho mỗi người muốn cúng hóa giải đều là tiền triệu. Ít thì cũng phải trên 1 triệu nếu nhiều thì có thể lên đến hàng chục triệu. Nếu ai muốn đăng ký cúng hóa giải thì phải đặt tiền cọc ít nhất là 20% số tiền phải nộp. Số tiền còn lại phải thanh toán cho “thầy” trước khi cúng hóa giải. Nếu không thanh toán số tiền còn lại đúng hẹn thì sẽ bị mất tiền cọc.
Nhiều người do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhưng sau khi nghe “thầy” dọa sắp tới sẽ gặp xui rủi trong gia đình nên bấm bụng kiếm tiền nộp đủ cho bà.
Có người thắc mắc sao số tiền nhờ cúng hóa giải nhiều thế, lại có số lẻ nữa và đề nghị “thầy” châm chước bớt chút đỉnh, nhưng “thầy” kiên quyết không chịu.
Thầy bảo: Đây là giá cả do “ở trên” qui định, chứ không phải tự tôi đưa ra giá bao nhiêu cũng được đâu. Hơn nữa, số tiền này không phải chỉ riêng tôi được hưởng mà còn phải chia bớt cho “ở trên” nữa...
Thấy người đến xem bói nườm nượp kéo đến mỗi lúc một đông, tôi lân la đến hỏi thì được một chị vừa đến cho biết: Tôi làm nghề buôn bán nhỏ ở tận xã Đăk Xú (huyện Ngọc Hồi), nghe mấy chị em cứ rỉ tai nhau “bà này coi hay lắm” nên cũng muốn đến xem sao. Cách đây vài hôm, tôi có xuống để nhờ xem rồi nhưng đông quá đến tối mà cũng không xem được. Hôm nay, tôi quyết tâm phải xem cho bằng được nên mới 5h sáng tôi đã thức dậy và nói dối chồng con là đi Kon Tum để lấy hàng cho sớm khỏi sợ công an giao thông...
Rời xã Đăk Cấm, chúng tôi xuống một tụ điểm chuyên “buôn thần, bán thánh” khác ở xã Hòa Bình (thành phố Kon Tum).
Mới hơn 9h sáng mà đã có khoảng 20 người đang ngồi chờ đợi tới lượt mình vào xem bói. Thấy chúng tôi đến, một chị người quen cũ ở thị trấn Sa Thầy cất giọng: Ô, hôm nay “nhà báo” cũng đi xem bói à. Tôi gật đầu và lẳng lặng tiến vào phía góc nhà xếp hàng ngồi đợi.
Ngồi được một lúc, có lẽ thấy chúng tôi tỏ ra vẻ sốt ruột nên chị người quen tiến lại gần dịu giọng nói: Mấy chị em chị chạy xe máy gần 50 cây số để xuống đây từ lúc 7h sáng, nhưng đợi đến giờ vẫn chưa đến lượt. Khi đến nơi, nghe mọi người nói mới 4 - 5h sáng đã có người đến xếp hàng ngồi đợi rồi. Giờ chú tới là mọi người về bớt rồi đó, chứ sáng giờ bà thầy bói này đã coi trên 20 người rồi.
“Nghe mọi người ở Sa Thầy đồn bà thầy bói này coi hay lắm, xem đâu trúng đó nhưng đợi mãi cho đến hôm nay chị cùng với mấy chị em trong xóm mới có dịp xuống coi. Chị xuống nhờ “thầy” năm nay gia đình tôi làm ăn có khá hơn không chứ năm 2017 vừa rồi nuôi bò thì bò ốm, trồng cà phê thì cà phê mất mùa nên ăn tết vừa rồi gia đình không vui vẻ” - chị người quen tiếp tục phân trần mà không biết rằng chính những lời nói như vậy đã vô tình tuyên truyền cho cái trò mê tín dị đoan, kích thích sự tò mò của mọi người, tạo cơ hội cho những kẻ lợi dụng lòng tin của mọi người để trục lợi bất chính - như bà thầy bói này.
Trong khi chị người quen cũ và nhiều người đang ngồi trò chuyện để “giết thời gian” thì bên trong căn phòng nhang khói nghi ngút, “thầy Chung” (tên mọi người thường gọi) ngồi chễm chệ, nheo mắt nhìn mặt một cô gái ăn mặc sành điệu, quỳ bên cạnh là một chàng thanh niên bảnh bao họ cùng đi chung.
Giọng “thầy” phán lanh lảnh: Con tuổi Dần, vậy là năm nay 32 tuổi rồi đấy, nhưng vẫn chưa thể lấy chồng 2 được đâu. Tuổi Bính Dần số lận đận đường tình duyên. Những người sinh năm này hầu hết đều 2 - 3 chồng. Tiền vận và trung vận lận đận.
Thấy nét mặt cô gái có vẻ lo âu, “thầy Chung” phán tiếp: Tuổi Bính Dần cao số, tình duyên thì trắc trở lắm, nếu con muốn đường tình duyên suôn sẻ, lấy được chồng như ý mình thì không còn cách nào khác là phải cúng giải hạn. Mà nói về giải hạn tình duyên thì cả tỉnh Kon Tum này không ai bằng ta đâu...
Nói đến đó, thầy liền lấy tờ giấy ghi ra những vật phẩm cần mua để cúng giải hạn và giá cả của việc cúng giải hạn. Những vật phẩm cúng giải hạn ngoài hoa, quả, trầu cau còn có nào là ngựa giấy, tiền, vàng mã... và những thứ này nhà “thầy” đã có sẵn và bán luôn cho những người đến đây nhờ cúng giải hạn.
Trong lúc cô gái quỳ gối, chắp tay dạ dạ, vâng vâng gật đầu lia lịa cảm ơn “thầy” và mong “thầy” giúp đỡ, chàng trai rút trong ví ra tờ 500 ngàn đồng đặt trên đĩa trước bàn thờ rồi cả 2 cùng dắt nhau ra về và hẹn ngày quay lại cúng giải hạn.
Cứ lần lượt như thế, chỉ trong vòng 1 buổi sáng, mỗi thầy bói trên địa bàn thành phố Kon Tum đã “phán” cho hàng chục người. Người xem bình thường nếu không nhờ cúng bái giải hạn ít thì cũng từ 50 - 100 ngàn đồng, người nhiều thì vài trăm ngàn đồng. Chỉ cần tính nhẩm thì cũng biết số tiền các “thầy” này thu về không hề ít.
Thiết nghĩ, chính quyền và ngành chức năng cần xử lý quyết liệt hơn đối với tệ nạn bói toán, mê tín dị đoan ở địa phương nhằm đảm bảo an ninh trật tự xã hội, tránh để người dân bị lợi dụng, gây hậu quả khôn lường “tiền mất, tật mang”. Và, trước hết, mỗi người cần tự đề cao cảnh giác trước những chiêu trò lừa mị của những kẻ hành nghề bói toán này.
Bảo Châu