Nhức nhối nạn đánh lô đề
Hoạt động đánh bạc bằng hình thức lô đề chưa bao giờ hết nóng. Vấn nạn này không chỉ phổ biến nơi phố thị mà còn lan rộng đến nhiều thôn, làng có đông đồng bào DTTS sinh sống.
Xuất hiện đã rất nhiều năm nay, dọc vỉa hè các tuyến đường Bà Triệu, Lê Hồng Phong, Đào Duy Từ, Bắc Kạn... (thành phố Kon Tum) dễ dàng nhìn thấy nhiều người kê bàn ra sát lề đường bày bán vé số kiến thiết và kiêm cả việc ghi số đề. Chỉ cần có người chạy xe qua dừng sát lại là người ngồi đó hỏi ngay “đánh con gì?”, “đầu, cuối hay bao lô?”.
Trong vai một người đi mua vé số, chúng tôi dừng xe trước một bàn nhỏ đặt sát lòng đường gần ngã tư Lê Hồng Phong - Bà Triệu. Khi hỏi mua mấy tờ vé số, nhưng người bán cho biết chỉ còn 5 tờ vé số găm trên bàn, tất cả các tờ trong ngày hôm nay đều đã trả hết rồi. Rồi người phụ nữ này gợi ý: “Có ghi đề thì ghi! Nếu chú kết số nào thì bao lô luôn đi. Vì bao lô dễ trúng hơn”. Qua đó, chúng tôi mới biết ở đây việc nhiều người kê bàn ra đường bán vé xổ số kiến thiết thực ra chỉ để làm bình phong cho việc ghi số đề. Chúng tôi rời đi đến một địa điểm khác nằm bên hông Công ty Xổ số Kiến thiết Kon Tum, khi mới tấp xe vào người phụ nữ đứng trong quầy cũng hỏi “ghi số gì, đầu, cuối hay bao lô, đánh đài nào”. Càng về chiều, các “tín đồ” lô đề tập trung càng đông, nhưng hầu hết là những “con đề” quen mặt nên người bán không e ngại gì, ai đánh số nào là người bán ghi số nấy.
|
Theo quan sát của chúng tôi, hoạt động ghi số đề diễn ra cả ngày nhưng thường từ 3-4 giờ chiều là nhiều nhất. Đứng quan sát khoảng vài chục phút tại những điểm ghi số đề tại khu vực đường Bà Triệu và Lê Hồng Phong, chúng tôi thấy có đến hàng chục người đến ghi số và mua vé xổ số. Đặc biệt, những người đi ghi số đề đủ các thành phần, lứa tuổi từ già đến trẻ, có cả đàn ông, phụ nữ nhưng phần đông vẫn là người lao động chân tay. Người đi đánh đề thì say sưa đứng nghiên cứu và quyết định nên “xuống xác” con số gì. Còn người bán thì vừa ghi đề, vừa liên tục tiếp điện thoại, tin nhắn của những “bạn hàng” ghi lô đề quen thuộc.
Việc đánh lô đề không chỉ phát triển mạnh ở các phường trung tâm mà còn len lỏi vào những khu vực có đông người đồng bào DTTS sinh sống. Một chị bán vé số kiến thiết kiêm luôn bán số đề ở đường Bắc Kạn (phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) cho biết, không còn như trước đây, hiện nay công nghệ thông tin phát triển nên người chơi lô đề không cần dùng giấy ghi trực tiếp mà chỉ cần nhắn tin, gọi điện thoại, chuyển tiền qua tài khoản là được “nhà cái” chấp nhận. Tất nhiên, đây là những người quen biết, những “bạn hàng ruột” có niềm tin với nhà cái. Hầu hết những người này họ ngại đến tận nơi ghi đề mà chọn hình thức điện thoại, nhắn tin để khỏi mất thời gian, kín đáo hơn và mức tiền đánh thường cao hơn.
Anh A.Ch. ở thôn Kon Hra Chót (phường Thống Nhất) cho biết: Y. N - vợ tôi nghiện đánh đề rất nhiều năm nay. Cứ hễ có tiền là đi đánh đề. Nhiều lần tôi đòi chia tay vì lý do này nhưng vợ tôi vẫn chứng nào tật đó. Không chỉ vợ tôi mà cả mẹ vợ, anh vợ và những nhà xung quanh ngày nào cũng tụm 5 tụm 3 để bàn đề và đánh đề. Do quen biết đánh đề lâu năm nên nhiều khi không có tiền cũng đi “đánh nợ”. Vừa rồi tôi đi vay 50 triệu đồng để về đầu tư làm ăn, ai ngờ khi về đến nhà thì chủ nợ đến đòi hơn 10 triệu đồng tiền vợ tôi nợ do đánh đề. Những người “nghiện” đánh đề ngồi đâu, làm gì cũng nghĩ đến con số. Mới đây, trong làng có người chết, mọi người đến chia buồn cùng gia đình nhưng trong câu chuyện lại cũng bàn đề. Nhiều người hỏi người chết năm nay bao nhiêu tuổi liền đánh số đúng tuổi của người chết.
Vấn nạn lô đề đang trở thành vấn đề nhức nhối của xã hội hiện nay. Thậm chí càng xa trung tâm đô thị, tình trạng đánh lô đề trái phép càng diễn ra công khai hơn. Kéo theo vấn nạn lô đề là hoạt động cho vay nặng lãi, cầm đồ. Và khi “con ma đề” rơi vào tình cảnh bi đát, rất có thể sẽ dẫn tới các hành vi vi phạm pháp luật như: Trộm cắp, cướp giật tài sản và hệ lụy ở các gia đình là tài sản cứ dần dần đội nón ra đi, rồi mâu thuẫn đổ vỡ gia đình.
Bảo Châu