Nâng cao nhận thức về pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới
Sau hơn 5 năm thực hiện Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017-2021” (Đề án), cán bộ, nhân dân ở khu vực biên giới đã nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật và chung tay, góp sức cùng lực lượng bộ đội biên phòng (BĐBP) quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Kon Tum có 13 xã biên giới, thuộc 4 huyện, gồm: Đăk Glei, Ngọc Hồi, Sa Thầy và Ia H’Drai. Nhân dân sinh sống ở các xã biên giới phần lớn là đồng bào DTTS, nhận thức về pháp luật còn hạn chế. Để công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở khu vực biên giới đạt hiệu quả, những năm qua, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các đồn biên phòng phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền 13 xã biên giới đổi mới hình thức, biện pháp tuyên truyền với những cách làm hay, sáng tạo, phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế từng địa bàn biên giới, như lồng ghép trong các cuộc họp, sinh hoạt của cơ quan, đơn vị, địa phương, chào cờ đầu tuần; phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh ở cơ sở; tổ chức tuyên truyền tại các hộ gia đình.
|
Thiếu tá Nguyễn Văn Hội - nhân viên Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Đăk Nhoong cho biết: Do dịch Covid-19 nên thời gian gần đây chúng tôi đến từng nhà tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân và tổ chức tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh của xã. Trong quá trình tuyên truyền chúng tôi gần gũi, xem bà con nhân dân như anh em ruột thịt, như người thân của chính bản thân mình để lắng nghe, tiếp thu những ý kiến. Từ đó chúng tôi hiểu được phong tục, tập quán của bà con để đưa nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật sát vào cuộc sống và giúp bà con dễ hiểu hơn.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đăk Nhoong và chính quyền địa phương đã thường xuyên đến nhà tuyên truyền nên tôi biết được Luật Giao thông đường bộ; Luật Biên giới quốc gia; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia;... Qua đó, tôi và gia đình chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật - anh A Nguyệt ở thôn Đăk Ung, xã Đăk Nhoong, chia sẻ.
Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã tiếp nhận, tổ chức biên soạn, phát hành 32 đề cương tuyên truyền pháp luật và 23.650 tờ gấp tuyên truyền, phổ biến pháp luật, gồm các luật, nghị định mới có liên quan trực tiếp đến đời sống của cán bộ, nhân dân trên khu vực biên giới, với nội dung ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, hình thức trình bày phong phú. Hướng dẫn các đồn biên phòng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các xã biên giới thành lập 10 câu lạc bộ tư vấn pháp luật; 160 tổ hòa giải kiêm tổ tự quản an ninh trật tự thôn, làng; 35 ngăn sách, tủ sách pháp tại các đồn biên phòng và 13 xã biên giới. Qua đó, kịp thời tư vấn, giải đáp những vấn đề pháp luật cho nhân dân.
Theo ông A Bờm - Trưởng thôn Đăk Ung, xã Đăk Nhoong, qua công tác tuyên truyền, các hộ gia đình trong thôn đã chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, UBND xã Đăk Nhoong đã phối hợp chặt chẽ với Đồn Biên phòng Đăk Nhoong triển khai tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân trên địa bàn xã. Nhân dân đã nhận thức rõ, hiểu được về bảo vệ đường biên, cột mốc, hiểu được chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chấp hành rất tốt - ông A Tải, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Nhoong, cho biết.
Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được từ việc triển khai thực hiện Đề án, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các đồn biên phòng chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục duy trì các mô hình, cách làm hiệu quả của Đề án, như chào cờ đầu tuần; tiếng loa biên phòng; tủ sách pháp luật; các mô hình giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế; tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Từ đó, phát huy được sức mạnh tổng hợp của nhân dân cùng với BĐBP giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia - Đại tá Phạm Cảnh Toàn, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cho biết.
Phạm Nguyên