Lời cảnh báo ở hồ Đăk Yên
Chạy men theo khu vực có hàng trăm lò gạch thủ công hoạt động rầm rộ suốt ngày đêm, nhiều năm qua, con kênh dẫn nước chính của công trình thủy lợi Đăk Yên bị "tấn công" bởi hoạt động khai thác đất làm gạch. Ban quản lý Đầu tư và Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh đã đưa ra "báo động đỏ" về độ an toàn của con kênh...
Nếu như không có sự can thiệp, ngăn chặn kịp thời của chính quyền địa phương, con kênh chính dài 6,7 km này có thể bị "đứt", và hàng trăm ha lúa nước vụ đông xuân 2017-2018, hoa màu, cây công nghiệp sẽ bị gián đoạn nguồn nước tưới- ông Nguyễn Văn Tứ, Giám đốc Ban quản lý Đầu tư và Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh cho biết, khi đang dẫn chúng tôi đi thực địa.
Con kênh dẫn nước chính của công trình thủy lợi Đăk Yên chạy men theo Cụm Công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp sản xuất gạch ngói thôn 5 xã Hòa Bình (do Trung tâm phát triển Cụm công nghiệp thành phố Kon Tum quản lý)- nơi có hàng trăm lò gạch thủ công hoạt động rầm rộ suốt ngày đêm. Vì vậy, không ngạc nhiên khi nhiều năm qua, nó bị "tấn công" bởi hoạt động khai thác đất làm gạch.
|
Tại hiện trường, dù đã được thông báo trước về thực trạng đoạn kênh này, nhưng chúng tôi vẫn giật mình khi nhìn thấy những hố rộng và sâu hun hút cạp sát mép kênh, nhiều tấm đanh lát mặt kênh bị vỡ hoặc bị mất, có thể nhìn thấy dòng nước trong vắt vẫn miệt mài chảy trong lòng kênh, tưới tắm cho những cánh đồng lúa và hoa màu.
Đặc biệt, có một vị trí bị đào rộng hàng trăm mét vuông, do người dân dùng máy đào múc đất sâu 5-6 m, nên sạt lở âm cả vào chân kênh, khiến cả đoạn kênh tưới xây bằng xi măng dài hàng chục mét trơ ra, chênh vênh bên mép hố. Để bảo vệ đoạn kênh này, Ban quản lý Đầu tư và Khai thác các công trình thủy lợi phải dùng bao đất kè lại, bên ngoài đóng cọc gỗ ngăn sạt lở.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa – Trưởng phòng Kỹ thuật (Ban quản lý Đầu tư và Khai thác các công trình thủy lợi) đây chỉ là giải pháp tình thế nhằm đảm bảo cho kênh có thể hoạt động, cung cấp nước tưới cho cây trồng vụ đông xuân.
Chúng tôi đã phải tiến hành làm kè chống sạt lở ở đây 2 lần, và dự kiến phải củng cố lại, bởi hiện đang vào thời cao điểm của mùa khô, nhu cầu nước tưới rất cao, nếu xảy ra sự cố sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất của bà con. Về lâu về dài, cần phải có biện pháp chấm dứt hoàn toàn hoạt động khai thác đất, có biện pháp kỹ thuật bảo vệ kênh và bồi đắp dần những hố sâu hình thành do hoạt động đào đất làm gạch- ông Nguyễn Hữu Nghĩa góp ý.
Qua khảo sát thực tế cho thấy, dọc tuyến kênh chính có tới 3 vị trí bị sạt lở nghiêm trọng, gồm Km 1+60m, Km 1+250m và Km 0+250m, trong đó có 1 điểm sạt lở đã xâm nhập vào sát kênh tưới như đã đề cập ở trên.
Khi phát hiện sự việc, Ban quản lý đã phối hợp với UBND xã Hòa Bình tiến hành kiểm tra và bàn hướng xử lý. Tuy nhiên, do người dân đào đất ngoài phạm vi hành lang bảo vệ kênh (theo quy định tối thiểu là 2m), do đào sâu quá gây sạt lở, ảnh hưởng đến kênh nên khó xử lý, chỉ có thể tuyên truyền người dân không được đào đất sét sát bờ kênh và không được đào quá sâu gây sạt lở bờ kênh.
Ông Phạm Phước- Chủ tịch UBND xã Hòa Bình cho biết, sau khi nhận được đề nghị từ phía cơ quan quản lý công trình, UBND xã đã tiến hành kiểm tra tình hình thực tế và xác nhận có tình trạng khai thác đất sét tại chỗ gây sạt lở đất, ảnh hưởng đến kênh chính của hồ Đăk Yên, dẫn đến nguy cơ đứt gãy kênh.
|
Theo ông Nguyễn Gia Minh Tuệ- cán bộ địa chính xã Hòa Bình, trên thực tế, việc khai thác đất sét đã diễn ra khá lâu. Vị trí bị sạt lở nghiêm trọng nhất là do ông Nguyễn Mạnh Duyên tự ý dùng máy múc đào đất làm gạch tại diện tích đất được Nhà nước cho thuê dựng lán trại vào năm 2007 và hết hạn vào năm 2010 nhưng chưa được thu hồi, qua thời gian, đất bị sạt lở vào chân kênh. Hiện nay ông Nguyễn Mạnh Duyên đã rời khỏi địa phương nên cũng đành chịu.
Liên quan đến vụ việc, UBND thành phố Kon Tum cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo các phòng ban chức năng phối hợp với UBND xã Hòa Bình kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm bảo vệ tuyến kênh chính này. Gần đây nhất, ngày 27/3, Đoàn liên ngành của thành phố Kon Tum đã kiểm tra hiện trạng, qua đó đề nghị UBND xã tăng cường công tác kiểm soát để phát hiện, ngăn chặn kịp thời những đối tượng cố tình khai thác đất sét nói chung và vi phạm hành lang bảo vệ kênh nói riêng.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đề nghị cơ quan quản lý công trình kịp thời tu sửa những vị trí xung yếu, sạt lở và có phương án bảo vệ hành lang an toàn của tuyến kênh để đảm bảo nước tưới cho cây trồng- ông Phạm Phước kiến nghị.
Thành Hưng