Khoảng trống trong công tác bảo vệ quyền của người tiêu dùng
Ngày 15/3 là ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới và Việt Nam. Ngày này ra đời nhằm cổ vũ cho những quyền cơ bản của người tiêu dùng, phản đối các hành vi vi phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng...
Ở nước ta, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng đã được ban hành và thực thi hơn 6 năm nay, bước đầu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận; tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều khoảng trống.
Người tiêu dùng thờ ơ với quyền lợi
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được thi hành từ ngày 1/7/2011, đã tạo ra một bước ngoặt quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng, cũng như lợi ích chính đáng của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, dù đã đi vào thực tiễn một thời gian dài, nhưng đến nay vẫn còn rất nhiều người tiêu dùng, nhất là người tiêu dùng ở nông thôn ít biết hoặc không quan tâm về những quy định của luật. Mặc dù hằng ngày chúng ta luôn phải đối mặt với rất nhiều hành vi vi phạm đến quyền lợi của bản thân từ các nhà sản xuất, phân phối như: bán hàng hóa kém chất lượng, thực hiện khuyến mãi không trung thực, né tránh chế độ bảo hành…; thế nhưng, nhiều người vẫn không hề hay biết hoặc làm lơ, tặc lưỡi cho qua coi đó là chuyện nhỏ.
Thói quen mua sắm của đa số người dân trên địa bàn tỉnh hiện nay là xem hàng, thanh toán tiền rồi nhận hàng mà ít khi nào quan tâm đến việc lấy hóa đơn hay viết giấy bảo hành. Do vậy, khi gặp phải những vấn đề như mua phải hàng không đảm bảo chất lượng hay hàng hoá bị trục trặc thì rất khó được bảo vệ. Đa phần người dân chỉ phản ánh, thương lượng với các cơ sở bán hàng, còn việc có cho đổi, trả hay sửa chữa, bảo hành hay không lại thì tuỳ thuộc vào uy tín, lương tâm trách nhiệm của bên bán hàng chứ người tiêu dùng không có cơ sở nào để bắt buộc bên bán phải thực hiện nghĩa vụ. Thói quen dễ dãi trong tiêu dùng của một bộ phận không nhỏ người dân là cơ sở để người kinh doanh lợi dụng, né tránh trách nhiệm.
|
Bên cạnh đó, cũng phải nói rằng số đông người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh vẫn có tâm lý e ngại trong việc sử dụng các quyền của mình, nhất là quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại, bởi họ ngại va chạm, kiện tụng. Vì thế, khi quyền lợi của mình bị xâm phạm thì người tiêu dùng thường im lặng, không lên tiếng, chỉ trừ những trường hợp quá bức xúc, gây thiệt hại lớn về kinh tế người dân mới khiếu nại.
Công tác bảo vệ còn thiếu hiệu quả
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đang ngày càng được coi trọng, nhưng thực chất các giải pháp bảo vệ vẫn chưa thực sự phát huy.
Trong thời gian qua, nhiều vụ việc khiến người tiêu dùng bị thiệt hại như mua sản phẩm kém chất lượng cùng việc biến tướng của mô hình bán hàng đa cấp; vấn nạn hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng ngày càng diễn ra phức tạp không chỉ gây thiệt hại cho các nhà sản xuất chân chính, mà còn ảnh hưởng tới kinh tế, sức khoẻ của người tiêu dùng.
Trong khi đó, việc kiểm tra, kiểm soát của ngành chức còn lỏng lẻo, thiếu hiệu quả; chế tài xử phạt đối với việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái còn quá nhẹ; việc xử lý đôi lúc, đôi nơi còn hời hợt, thiếu quyết liệt.
Trên thị trường hiện nay, những mặt hàng có khả năng sinh lời đều bị làm giả, làm nhái. Hàng giả, hàng nhái xuất hiện tràn lan và ngày càng đa dạng từ các mặt hàng tiêu dùng hằng ngày, thuốc lá đến các loại máy móc, thiết bị, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thực phẩm chức năng. Thậm chí, ngay cả tem chống hàng giả là phương thức để bảo vệ doanh nghiệp, hàng hóa và người tiêu dùng, là cách thức để người tiêu dùng nhận diện được hàng giả, hàng thật tránh nhầm lẫn khi mua sắm cũng bị làm giả. Chính vì thế, người tiêu dùng không biết đường nào mà lần.
Ở Kon Tum, chưa có Hội Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, thế nên việc tuyên truyền, phổ biến và tiếp nhận các khiếu kiện, khiếu nại, tố cáo để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng càng ít được chú trọng và kém hiệu quả.
Cần hành động thiết thực hơn
Năm nay, chủ đề ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam được Bộ Công thương chọn là “Doanh nghiệp vì người tiêu dùng” nhằm khơi dậy những hành động thiết thực, ý nghĩa hơn của doanh nghiệp với người tiêu dùng.
Trên thực tế, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người tiêu dùng; không ít doanh nghiệp chối bỏ trách nhiệm sau bán hàng, nhất là trong việc thực hiện cam kết bảo hành, giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng. Vì vậy, việc nâng cao tinh thần trách nhiệm của doanh nghiệp với người tiêu dùng là hết sức cần thiết.
Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; kiên quyết xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, bảo vệ doanh nghiệp chân chính và người tiêu dùng; tăng cường tuyên truyền, phổ biến để người tiêu dùng biết các quyền của mình, từ đó chủ động bảo vệ khi bị xâm phạm.
Yếu tố quan trọng không kém để thiết thực bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng đó là mỗi người dân hãy trở thành những người tiêu dùng thông minh khi mua sắm hàng hoá và chủ động trong việc đấu tranh, tố cáo các hành vi gian lận, né tránh trách nhiệm...
Hành động vì quyền của người tiêu dùng không phải chỉ trong một ngày, một tháng, mà cần sự chung tay của toàn xã hội ở mọi lúc, mọi nơi. Bên cạnh việc nâng cao trách nhiệm của các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp, thì người tiêu dùng cần hiểu đúng, hiểu rõ Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để bảo vệ chính mình một cách hiệu quả nhất.
Thiên Hương