Khi hội trường thôn thành nơi tiếp thị
Thời gian qua, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh bức xúc trước việc mua phải hàng không rõ nguồn gốc của một công ty ở quận Hà Đông (thành phố Hà Nội) với “giá trên trời” không đúng với giá bán trên thị trường. Điều đáng nói là những hàng hóa này được họ tổ chức bán tại nhà văn hóa các thôn, làng, tổ dân phố...
Theo phản ánh của người dân, một nhóm đối tượng tiếp thị bán hàng này được sự “đồng ý” của chính quyền cơ sở một số nơi, buổi tối họ đến các nhà văn hóa, hội trường thôn trên địa bàn thành phố Kon Tum và các huyện khác giới thiệu và bán các sản phẩm không được kiểm định chất lượng (như nồi cơm điện, phích cắm điện, bóng đèn điện, nồi đa năng…) với “giá trên trời”. Hàng loạt hội trường thôn, tổ dân phố giờ đây bỗng dưng biến thành nơi để nhiều nhóm đối tượng này vào tiếp thị bán hàng. Đã có rất nhiều người dân “sập bẫy” vì tin tưởng mua hàng ở “hội thảo” cấp thôn, làng này...
Điều đáng nói là cán bộ thôn, tổ dân phố rất nhiệt tình đến tận từng nhà vận động người dân buổi tối đến hội trường thôn, tổ dân phố để “hội thảo”.
Chị T. - một người dân ở phường Thống Nhất (thành phố Kon Tum) nhớ lại: Chiều tối hôm đó, khi tôi đi làm về thì cán bộ tổ dân phố đến nhà đưa giấy mời bảo khoảng 19h30 đến nhà văn hóa để nghe “hội thảo hay họp hành gì đấy(?!)”. Nghĩ chắc có việc quan trọng nên sau khi ăn cơm xong tôi đến hội trường theo như lời bảo của cán bộ. Khi đến nơi thấy bà con hàng xóm cũng ngồi đợi khá đông. Khoảng 30 phút sau tôi mới biết mấy người tiếp thị nhờ cán bộ tổ dân phố buổi tối họp dân để nghe họ giới thiệu sản phẩm mà họ cần rao bán...
“Tôi đã bỏ ra gần 2,5 triệu đồng để mua nồi giữ nhiệt đa năng. Khi về đến nhà các con tôi tham khảo trên internet thì giá cao nhất của chiếc nồi này cũng chưa tới 450 ngàn đồng, nhiều loại giá chỉ khoảng 150 ngàn đồng. Lúc này, biết mình bị lừa mua hàng với giá trên trời nhưng giờ không thể trả hàng lại được vì nhóm người này chỉ bán có 1 đêm duy nhất rồi đi. Không những riêng tôi mà tối hôm đó có rất nhiều người cũng bị lừa. Thậm chí có người mua tới 2 nồi...” - chị T. ngán ngẩm cho chúng tôi biết về “cú lừa ngoạn mục” mà mình và mọi người mắc phải, do họ biết “lợi dụng” hội trường thôn và cán bộ cơ sở để gầy dựng niềm tin người dân.
Đồng cảnh ngộ với chị T., chị Vân ở phường Quyết Thắng cũng bị nhóm người này cho ăn “quả lừa”.
Chị Vân cho biết: Đi làm về nhận được giấy mời tối đến hội trường tổ dân phố để tham dự chương trình “Giờ vàng nhận quà” nhằm tri ân khách hàng nhân dịp ra mắt sản phẩm mới của một công ty từ miền Bắc vào. Nhưng khi đến nơi, nhóm người này giới thiệu một số sản phẩm điện rồi sau đó đưa ra bán nồi đa năng, nồi cơm điện tiết kiệm năng lượng. Thấy giới thiệu sản phẩm cũng hay nên tôi bỏ ra gần 3,5 triệu đồng để mua. Khi mang về đến nhà bị chồng la rầy vì mua với giá trên trời...
Để tìm hiểu thực hư thế nào, sau nhiều ngày nhờ bạn bè Facebook giúp đỡ, một buổi tối, chúng tôi nắm được thông tin nhóm tiếp thị này đang tổ chức bán hàng ở Hội trường thôn 4, phường Ngô Mây (thành phố Kon Tum). Khi chúng tôi đến nơi đã thấy nhóm nhân viên tiếp thị này đi bằng xe ô tô mang biển số 30 đậu trước hội trường thôn.
Đầu tiên nhóm đối tượng này bán sản phẩm đó là 1 bóng điện led loại 9W với giá 50 ngàn đồng kèm theo 1 phiếu tài trợ tương đương với sản phẩm (phiếu tài trợ có thể đổi lấy lại tiền mà bà con đã bỏ ra mua bóng điện đó) vậy là những ai mua bóng điện sẽ không bị mất tiền.
Ban đầu, người dân nghi ngờ nên cả hội trường đông nghịt nhưng chỉ có 5 người giơ tay đăng kí mua. Và y như lời mời chào, sau khi mua bóng điện led loại 9W, người mua được trả hoàn lại tiền 50 ngàn đồng.
Sản phẩm thứ 2 và thứ 3 lần lượt nhóm tiếp thị này tung ra cũng là các bóng đèn led loại 15W và loại 30W. Ai mua hàng cũng sẽ phải giơ tay và nhận được phiếu tài trợ tương đương với số tiền đã bỏ ra mua sản phẩm.
Thấy mua sản phẩm mà không tốn đồng nào, trong hội trường, số người giơ tay đăng ký mua hàng đông dần. Đến hơn 22h đêm, nhóm tiếp thị này đưa ra sản phẩm có giá trị lớn là 1 nồi cơm điện đa năng trị giá 2.950.000 đồng kèm theo 1 phiếu tài trợ 100 ngàn đồng, nếu ai muốn mua phải cầm tiền giơ tay lên để nhân viên tiếp thị đến phát phiếu và thu tiền.
Người dân cứ ngỡ là mua sản phẩm này như 3 sản phẩm trước không phải mất tiền nên mọi người tranh nhau mua với sự động viên, hô hào của người bán. Phấn khởi, háo hức người dân làm theo lời nhân viên tiếp thị, lên “đặt cọc tiền” (100.000 đồng) để mua sản phẩm. Cuối cùng nhân viên bán hàng thông báo do sản phẩm có hạn, trời cũng đã khuya nên tạm thời không bán nữa và hẹn bà con 5h sáng quay lại mua và chỉ bán trong vòng 15 phút.
|
5h sáng hôm sau, cho dù trời rất lạnh nhưng bà con vẫn kéo đến mua với hy vọng là sẽ không mất đồng nào nhưng lại được cái nồi cơm điện đa năng. Tuy nhiên, sau khi nhận đủ tiền và trao hàng cho người dân xong, nhóm đối tượng này đã lặng lẽ lên xe đi mất. Lúc này người dân mới biết cả 2 số điện thoại của công ty do nhóm tiếp thị này cung cấp trước đó đều không thể liên lạc được...
Rõ ràng, nhóm bán hàng này đã đánh vào tâm lý hám lợi của người dân để “mồi nhữ” bằng những sản phẩm rẻ tiền với chiêu trò trả lại tiền đã mua sản phẩm, sau đó mới lừa để lấy tiền khách hàng bằng những sản phẩm khác với “giá trên trời” nhằm thu lợi. Điều đáng nói là họ đã “lợi dụng” cán bộ chính quyền cơ sở nơi họ đến bằng cách mượn hội trường và nhờ phát giấy mời nhằm gây dựng lòng tin của người dân.
Khi chúng tôi thắc mắc vì sao để cho mấy người lạ biến hội trường thôn thành nơi tiếp thị, thôn trưởng thôn 4 Nguyễn Ngọc Dư cho biết: Do các đối tượng này đến thôn yêu cầu tập hợp bà con trong tổ và cho mượn hội trường để tổ chức giới thiệu các sản phẩm của công ty và bán hàng cho bà con. Tôi không muốn đồng ý, vì năm ngoái cũng có một công ty về bán hàng sau đó cũng bị bà con phản ứng, nhưng không hiểu sao nhóm người này lại có giấy giới thiệu đủ cả dấu, chữ ký của UBND phường Ngô Mây nên tôi không thể từ chối được. Còn việc đi phát giấy mời triệu tập người dân tôi không tham gia mà tôi hướng dẫn họ gặp Hội LHPN thôn để trực tiếp phát giấy mời cho mấy chị em. Sau khi họ bán hàng xong, sáng sớm hôm sau họ có đưa tiền cho tôi nói là trả tiền điện nhưng tôi không lấy...
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Hạnh - Phó Chủ tịch UBND phường Ngô Mây cho biết, nhóm người này có vào UBND phường đề nghị cấp giấy giới thiệu để họ về các thôn tổ chức hội thảo, bán hàng gì đó. Làm việc với chúng tôi, họ có đưa ra văn bản đề nghị của UBND thành phố Kon Tum. Văn bản này có đề nghị các địa phương giúp đỡ, tạo điều kiện cho họ nên chúng tôi cũng chỉ biết chấp hành và giới thiệu về các khu dân cư, tổ dân phố...
Khi chúng tôi hỏi về văn bản của UBND thành phố thì ông Nguyễn Ngọc Hạnh cho biết, văn bản trên họ chỉ đưa ra cho ông xem qua rồi lấy lại chứ ông không giữ.
Việc ông Hạnh “vội vàng tin” vào một văn bản “chỉ xem qua” và triển khai thực hiện khi chưa xác minh rõ ràng từ phía UBND thành phố Kon Tum đã khiến không ít người dân bị lừa.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, thời gian qua không chỉ ở thành phố Kon Tum mà một số địa phương khác trên địa bàn tỉnh cũng xảy ra vụ việc tương tự. Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin và thiếu thông tin về sản phẩm của những người dân ở các vùng nông thôn, miền núi, nhiều nhóm tiếp thị với “mác” đại diện công ty đã bán cho người dân những sản phẩm có chất lượng thấp nhưng “giá trên trời”. Chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng, những sản phẩm này đã bị hư hỏng và lúc này người dân chỉ còn biết tự trách mình.
Thiết nghĩ, chính quyền các địa phương cần chấn chỉnh kịp thời vấn đề nêu trên, không để kẻ xấu lợi dụng trục lợi. Đồng thời, người dân cũng cần đề cao cảnh giác, không hám lợi để rồi bị lừa bởi các “chiêu trò” của các nhóm bán hàng lừa đảo này.
Tổ phóng viên điều tra