ĐI PHÀ QUA HƠ MOONG - Đem sinh mạng đùa với… “hà bá”
Chở rất nhiều người và phương tiện, song cả chuyến phà không có bất kỳ ai mặc áo phao cứu sinh. Hiểm họa rình rập trên các chuyến phà ngang Đăk Mar - Hơ Moong...
|
Sau khi tích nước, thuỷ điện Plei Krông đã ngăn cách người dân 2 xã Đăk Mar (huyện Đăk Hà) và xã Hơ Moong (huyện Sa Thầy) bằng một hồ nước rộng lớn. Do địa hình, khoảng cách giữa hai bờ khá xa, lòng hồ rộng và sâu nên chưa thể xây dựng một cây cầu mà chỉ có một chiếc phà gắn máy cỡ nhỏ phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Hàng ngày, có rất nhiều người dân hai bên bờ lòng hồ Plei Krông thuộc 2 xã Đăk Mar và Hơ Moong qua phà. Cứ khoảng 20 phút có một chuyến đưa người và phương tiện qua lại, mỗi chuyến chở từ 20 đến 30 khách cùng các phương tiện như xe đạp, xe máy và các loại hàng nông sản khác như mỳ, cà phê, chuối…
Chở đông người và các phương tiện như vậy, song cả chuyến phà không có bất kỳ ai mặc áo phao cứu sinh. Đây thật sự là mối hiểm họa đang rình rập trên các chuyến phà ngang tại bến đò này. Mọi người đi trên các chuyến phà qua lại Hơ Moong – Đăk Mar đang đem chính sinh mạng của mình đùa với… “hà bá’.
Mới sáng, tại bến phà phía bên bờ xã Đăk Mar đã ồn ào, náo nhiệt tiếng nói chuyện, cười đùa của những người dân chờ chuyến phà sớm để sang bên kia hồ thủy điện Plei Krông. Họ phần lớn là dân lao động sang xã Hơ Moong buôn bán, nhổ mỳ, hái cà phê thuê… Theo họ là những chiếc xe máy chở nhiều hàng hóa nặng trịch, hay những chiếc gùi đã cũ đen màu khói bếp.
Mỏi mắt tìm kiếm chúng tôi mới thấy vài chiếc áo phao được cột chặt trên mái tôn của buồng lái. Với gần 30 người thì chừng ấy áo phao làm sao đủ cho hành khách mặc, nếu có chuyện xảy ra trong lòng hồ sâu thẳm và rộng lớn này thì họ biết làm sao? - tôi chợt giật mình khi nghĩ đến tình huống xấu.
Khi tôi thắc mắc vì sao không phát áo phao để hành khách mặc vào, người lái phà trả lời với giọng điệu giễu cợt: Các chú cứ an tâm, làm gì có chuyện gì mà phải dùng đến áo phao. Sợ à? Mỗi ngày có cả trăm lượt người qua lại bến đò này bằng phà có ai phải mặc áo phao đâu… Con phà này chưa xảy ra tai nạn bao giờ, mà có đưa áo phao thì chưa chắc gì người ta lại mặc.
Xế chiều, chúng tôi ngồi đợi phà trở về từ bến đò xã Hơ Moong. Có lẽ đây là giờ cao điểm nên lượng khách chờ qua phà khá đông, xe máy, hàng nông sản xếp thành hàng dài. Trên chiếc phà nhỏ có khoảng 10 xe máy và 30 người cùng nhiều vật dụng, hàng hoá khác chen chúc, và cũng không một hành khách nào mặc áo phao hoặc cầm, đeo phao cứu sinh.
Tôi hỏi một hành khách tên H.L.T đứng bên cạnh thì được chị này lý giải: Nhiều khi đi phà, muốn đề nghị chủ phà đưa áo phao để mình mặc vào cho an toàn nhưng thấy mấy chục người đi cùng có ai mặc đâu. Chỉ một mình mình mặc, có khi bị người ta nói này nói nọ, thậm chí nghĩ mình là người không được bình thường, vậy nên không mặc luôn, không mặc miết thành quen(?!)
Trời càng về chiều, bến phà nơi đây càng đông khách hơn. Những chiếc áo phao bạc màu bởi nắng mưa, được xếp ngăn nắp trên mái tôn nhưng không một hành khách nào ngó tới. Dường như ở đây áo phao chỉ được dùng để đối phó mỗi khi có đoàn kiểm tra.
Thông tư số 15/2012/TT-BGTVT ngày 10/5/2012, của Bộ Giao thông – Vận tải quy định về trang bị và sử dụng áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân trên phương tiện vận tải hành khách đường thủy ghi rõ: Chủ phương tiện vận tải ngang sông phải đáp ứng đủ số lượng áo phao, vật nổi cứu sinh cho tất cả mọi người trên phương tiện (bao gồm khách và chủ phương tiện). Đồng thời áo phao phải luôn khô ráo, sạch sẽ và để ở nơi dễ thấy và dễ lấy. Trước khi cho phương tiện rời bến, phải phát cho mỗi hành khách đi trên phương tiện một áo phao hoặc một dụng cụ nổi cá nhân để sử dụng(…). Chủ phương tiện có quyền từ chối và cương quyết không vận chuyển đối với hành khách không mặc áo phao, không chấp hành quy định về an toàn giao thông đường thủy… Quy định là vậy, nhưng việc thực hiện các quy định trong thông tư này đã bị chính chủ phà, thuyền viên và hành khách “phớt lờ”.
Thiết nghĩ, để tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra, nhất là đang vào cao điểm thời vụ thu hoạch nhiều loại cây trồng, lượng người lao động qua lại đông, hàng nông sản nhiều, các cơ quan có trách nhiệm cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng cho mọi người hiểu rõ mặc áo phao khi tham gia giao thông đường thuỷ là bảo vệ an toàn tính mạng của bản thân, an toàn cho gia đình và người thân. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, nhắc nhở và có chế tài xử lý những trường hợp vi phạm nhằm tránh những hiểm hoạ có thể xảy ra…
Đắc Vinh
Ngày 6/11/2014, UBND tỉnh có Công văn số 2890/UBND-KTN chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trên các lòng hồ thủy điện Ya Ly, Sê San, Đăk Đrinh, Plei Krông… UBND tỉnh yêu cầu các địa phương kiểm soát các vị trí, khu vực sông, suối mà người dân hay qua lại, kiên quyết không để sử dụng các phương tiện, thiết bị tự chế như thuyền, ghe tự đóng, cáp treo; cũng như không sử dụng áo phao cứu sinh chưa đảm bảo an toàn để vượt sông, nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng và tài sản, hàng hóa... |