Khám phá vẻ đẹp thác Đăk Chờ
Dòng chảy cuộn xoáy, xuyên qua những cánh rừng đại ngàn xanh thẳm, qua những thảm thực vật hoang sơ, rồi đổ ào xuống vách đá dựng đứng tạo nên dòng thác chảy từ lưng chừng xuống chân núi Ngọc D’ni hùng vĩ. Nhìn từ xa, có thể thấy dòng nước trắng xóa, “treo” lơ lững nổi bật trên nền xanh của núi rừng nguyên sinh. Đó là thác Đăk Chờ (làng Gia Tun, xã Đăk Ang, huyện Ngọc Hồi).
Có hẹn với nhau từ trước để đi khám phá con thác kỳ vĩ và cao bậc nhất ở Ngọc Hồi, chúng tôi tập hợp tại làng Gia Tun lúc 10 sáng để xuất phát hướng về phía con thác có thể nhìn thấy xa xa từ phía ngôi làng. Chiếc xe máy đưa chúng tôi qua những cung đường ngoằn ngoèo, qua bao rẫy mì, cà phê, lội qua vài con suối nhỏ chừng 30 phút cũng đến bìa rừng. Vì không có đường nên chúng tôi đành bỏ xe lại để “cuốc bộ” lên khu vực thác.
A Thao (39 tuổi) – người làng Gia Tun khá quen thuộc với địa hình nơi đây, dẫn chúng tôi đi men theo triền đồi để đến thác. Đường lên dốc liên tục nên đi một lúc chúng tôi phải dừng lại để nghỉ ngơi, uống nước lấy sức để tiếp tục. Mặc dù rất mệt nhưng bù lại cung đường rất đẹp, đi trong rừng già cảm giác mát lạnh, xa xa là tiếng nước chảy rì rầm của suối Đăk Chờ, văng vẳng tiếng chim muôn líu lo gọi bầy.
Đoạn đường khó đi là vậy, nhưng trên mặt ai cũng nở nụ cười tươi tắn, quên đi sự mệt nhọc vì những thú vị mà núi rừng Ngọc D’ni (cao 1.600m so với mực nước biển) mang lại. Trên đường đi đến thác chúng tôi thấy nhiều cây rừng cổ thụ, có cây đường kính rất lớn, phải 5-6 người ôm mới giáp vòng; một số cây to ngã dưới đất, có lẽ do mưa bão hay do già nua bị mục, gãy đổ, thân mốc meo bởi thời gian, vắt ngang dòng suối như một cây cầu tự nhiên khổng lồ, ước chừng chiều cao phải 60-70 mét. Thỉnh thoảng lại lội qua vài con suối, có những tảng đá phủ đầy rong rêu ngâm mình dưới nước suối róc rách trong veo tưởng như không bao giờ cạn.
|
Rừng Ngọc D’ni có hệ sinh thái còn nguyên sơ, nơi phân bố của nhiều loài thực vật quý hiếm như trắc, hương, cò te, dổi, và nhiều loài thực vật thường xanh có giá trị cho nghiên cứu, làm dược liệu.
Trong tiết trời se se lạnh dịp cuối năm, vừa đi chúng tôi vừa tìm tòi khám phá nhiều loài thực vật độc đáo và thu hút trong khu rừng. A Thao chỉ cho tôi biết những loại thực vật ở trong rừng có thể ăn được; những loại thực vật làm dược liệu hoặc dùng trồng trang trí, trồng lấy bóng mát.
Đặc biệt, ở đây có nhiều loại rau rừng như chi-kơ-ôm, rau chua và rau dớn. A Thao vừa hái rau vừa khoe với chúng tôi: Các loại rau này người làng hay dùng để luộc, xào với thịt ếch, nhái, lươn, chuột rừng hay nấu canh đều ngon. Đặc biệt, khu vực này có nhiều ếch, chúng thường trú ẩn trong các hốc đá dọc theo con suối. Thịt ếch ở đây rất chắc và rất ngon, có thể kết hợp với các loại rau rừng để chế biến thức ăn tại chỗ khi đi rừng lâu ngày.
Dọc đường rất nhiều lồ ô, người dân hay lên bắt loài sâu măng thường sinh trưởng và phát triển bên trong ống măng. Có lẽ rừng này còn nhiều nên dọc đường có thể bắt gặp nhiều măng lồ ô được đục lỗ để bắt loại sâu này.
Đi bộ trong rừng già hơn 60 phút, để tránh bị lạc đường, A Thao đi trước, vừa đi vừa cầm cây rựa phát những cành cây vươn ra, A Thao giải thích rằng, người dân khi đi rừng thường phát những cành cây như thế này để làm dấu, có vậy thì lúc về dễ dàng đi theo lối cũ, không bị lạc đường.
Cuối cùng việc gì đến cũng sẽ đến, trước mặt chúng tôi là dòng thác kỳ vĩ, cao lớn, trắng xóa hiện ra trước mắt. Khuôn mặt ai cũng rạng rỡ, đến bên thác để rửa mặt, trầm mình trong dòng nước mát lạnh, trong trẻo chảy xuống từ mạch nguồn của núi rừng nguyên sinh.
|
Thác Đăk Chờ cao hơn 120m và rộng khoảng 40m, nằm ở độ cao 1.300m so với mực nước biển, lưng chừng dãy núi Ngọc D’ni. Dòng nước trắng xóa đổ ầm ầm xuống từ đỉnh núi, nổi bật giữa màu xanh thẳm của rừng già, đập vào vách đá phát ra những âm thanh trầm hùng. Nước theo dòng suối Đăk Chờ, cung cấp nước, phù sa cho ruộng, rẫy của dân làng trước khi đổ ra dòng sông Pô Kô tại làng Đăk Sút (xã Đăk Ang)
Đây là một trong những thác nước đẹp còn hoang sơ ở Kon Tum. Hàng năm, vào tháng 10 là thời điểm dòng nước của thác đạt mức cực đại. Lúc này, bờ rộng dòng thác ước chừng lên đến 60m, dòng nước đổ ầm ầm từ núi cao, hơi nước bắn lên tung tóe, trắng xóa cả một vùng. Tuy nhiên, mùa đẹp nhất để đến chiêm ngưỡng, khám phá thác Đăk Chờ là từ tháng 12 đến tháng 3 hàng năm, thời tiết khô ráo, đường không bị trơn trượt, dễ đi hơn và nước ở các con suối xuống thấp đáng kể có thể đi qua bình thường. Ngoài ra, mùa này một số côn trùng gây ám ảnh nhiều người đi rừng cũng ít đi.
Cảnh sắc thác Đăk Chờ tuyệt vời là vậy, nhưng đây là con thác không dành cho đại đa số mọi người. Chỉ những người có sức khỏe tốt, có kỹ năng đi rừng và có người dân địa phương đi cùng để tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra.
Cuối buổi chiều, chúng tôi tạm biệt thác Đăk Chờ trở lại làng Gia Tun, qua sự giới thiệu của A Thao, chúng tôi tìm gặp già làng A Nưa (64 tuổi) khi ông đang cắt tỉa cành cho rẫy cà phê trong vườn nhà. Ông chia sẻ: Thời chống Mỹ cứu nước, dãy Ngọc D’ni là nơi hoạt động của bộ đội ta nên bị địch ở đồn Đăk Sút tấn công từ xa bằng pháo liên tục. Đến hòa bình lặp lại, chúng tôi thường lên đó đi nhặt vỏ đạn, chủ yếu là đạn pháo 105 ly để bán sắt phế liệu. Có những lúc phải ở lại rừng, nên cung đường từ làng đến Đăk Chờ chúng tôi rất quen thuộc. Nơi đó gắn liền với bao ký ức, kỷ niệm của chúng tôi khi còn trai tráng.
Ông kể: Tôi thường cùng thanh niên trong làng lên núi Ngọc D’ni bắt cá, bắt ếch và tìm kiếm các loại rau rừng, dược liệu. Thường mỗi chuyến đi khoảng 3-5 ngày, nhưng cũng có chuyến kéo dài đến nửa tháng, cứ hết lương thực thì cử người về làng mang lên. Ngày xưa, theo quan niệm của người làng, dòng thác Đăk Chờ rất linh thiêng, là nơi trú ngụ của nhiều ma quỷ, người làng lên khu vực thác về hay ốm đau, nên lúc còn nhỏ, chúng tôi được các thế hệ cha ông khuyên bảo không lên khu vực thác. Mỗi khi đi lên khu vực thác săn bắt về, mọi người đều phải làm lễ “cúng” trước khi vào nhà để tránh những điều xui rủi.
Thủ tục cúng cũng đơn giản, mọi người đổ nước suối vào ống lồ ô, đun nước cho nóng lên, sau đó bẻ một cành lá của cây “Pùi” nhúng vào nước ấm rắc lên khắp người và cầu khấn cho ma quỷ không theo về nhà. Ngày xưa, cây này mọc nhiều ở quanh làng, giờ thì phải đi xa mới có- già làng A Nưa bộc bạch.
Ngồi say sưa trò chuyện chúng tôi quên đi khái niệm thời gian, trời đã chập choạng tối lúc nào không hay biết. Có vẻ dòng thác Đăk Chờ còn nhiều điều thú vị từ những câu chuyện truyền thuyết đến vẻ đẹp kiêu sa, kỳ vĩ, ngất ngây cần tiếp tục khám phá trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Chí Tường- Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hồi cho biết: Huyện đã có chủ trương phát triển hoạt động du lịch tại thác Đăk Chờ. Tuy nhiên, các cấp, các ngành liên quan đang kiểm tra, đánh giá và điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất cho phù hợp, đúng pháp luật, không gây hại đến môi trường rừng nhưng đảm bảo an toàn, thuận tiện cho du khách đến tham quan.
Nguyễn Ban