Đẩy lùi “cát tặc”
Thành lập Tổ liên ngành đấu tranh chống “cát tặc”, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân bị phát hiện hành vi vi phạm, tăng cường giám sát hoạt động của các doanh nghiệp khai thác cát sỏi... là những biện pháp cụ thể được triển khai trong thời gian qua. Với quyết tâm lớn, cuộc chiến chống “cát tặc” trên địa bàn tỉnh đang đem lại hiệu quả rõ rệt.
Tuyên chiến với “cát tặc”
Sau một hồi phân vân, tôi quyết định chọn từ “tuyên chiến” để biểu đạt quyết tâm của tỉnh trong cuộc chiến với “cát tặc”.
Cuộc chiến này khác hẳn những cuộc ra quân hời hợt, hình thức trước đây, bởi có sự thống nhất từ tỉnh xuống xã, có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và ngành chức năng, giữa các ngành có liên quan. Vì thế, đã đạt hiệu quả thấy rõ.
Như cánh báo chí thường nói vui, tuy trước đó đã có những “phát pháo lẹt đẹt”, nhưng phải đến tháng 4/2017, với việc Sở Tài nguyên và Môi trường thành lập Đoàn kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật trong khai thác cát, sỏi dọc bờ sông Đăk Bla, đoạn chảy qua thành phố Kon Tum thì cuộc chiến ấy mới chính thức “mở màn”.
Sau khi được thành lập, với sự phối hợp, hỗ trợ của Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh), Đoàn kiểm tra đã mất hàng tháng trời lặn lội dọc triền sông Đăk Bla, để “định vị” sơ bộ những vị trí có thể xảy ra hoạt động khai thác cát trái phép. Theo đó, có ít nhất 5 điểm khai thác cát trái phép dọc bờ sông Đăk Bla, thuộc địa phận các xã Chư Hreng, Vinh Quang, Đăk Blà và phường Thắng Lợi.
|
“Tất cả các “điểm đen” này đều được đưa vào diện theo dõi thường xuyên của ngành chức năng. Chúng tôi có thể kiểm tra đột xuất bất cứ lúc nào, từ đó ngăn chặn có hiệu quả các hành vi vi phạm” - ông Trần Công Hậu - Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường cho hay.
Tiếp đó, với việc UBND tỉnh thành lập Tổ công tác liên ngành tuần tra, kiểm soát hoạt động khai thác cát sỏi, cuộc chiến chống “cát tặc” đã được đẩy mạnh, mở rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Được ví như “Tổ đặc nhiệm” của tỉnh, Tổ công tác liên ngành có lực lượng hùng hậu, gồm các ngành: Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh)...
Hàng trăm cuộc kiểm tra đột xuất được thực hiện trong vòng 4 tháng qua và hàng loạt doanh nghiệp vi phạm đã bị “tóm”. Như trường hợp Công ty TNHH MTV Xuân Tài, doanh nghiệp tư nhân Trí Thành ngang nhiên dùng máy móc đắp đập nắn dòng chảy của sông Đăk Bla để khai thác cát trái phép trong thời gian dài. Hợp tác xã Tân Tiến (xã Đăk Blà, thành phố Kon Tum) lợi dụng giấy phép thăm dò để khai thác cát trái phép. Doanh nghiệp tư nhân Nhật Mạnh (huyện Đăk Tô) khai thác cát với quy mô lớn khi chưa được cấp phép...
Chưa kể hàng loạt doanh nghiệp bị phát hiện tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, khai thác không đúng công nghệ, không thực hiện đúng các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường...
Tất cả đều bị xử phạt theo đúng quy định của luật pháp, có trường hợp bị tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn; không có chuyện dung túng, bao che, hay được bỏ qua, được “xử nhẹ” vì quen biết, nể nang. Có thể nói, cuộc chiến chống “cát tặc” đã được triển khai với quy mô và cường độ chưa từng có - ông Võ Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Tổ trưởng Tổ liên ngành cho biết.
Đồng hành chứ không đồng lõa
Nhờ quyết tâm cao và có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương với lực lượng chức năng nên thời gian qua, tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Đăk Bla, đoạn qua thành phố Kon Tum nói riêng, trên địa bàn toàn tỉnh nói chung đã giảm rõ rệt.
Những cái vòi đen sì, từng công khai và ngang ngược thò xuống sông suối hút cát ngày đêm, cả trái phép, sai phép, ngoài phép đang dần biến mất. Người dân sinh sống bên những dòng sông, suối cũng dần cảm thấy yên tâm hơn.
|
Là người tham gia hầu hết các cuộc truy quét, kiểm tra, xử lý nạn khai thác cát trái phép, tôi nhận ra một thực tế là, có không nhiều “cát tặc” đúng nghĩa, mà phần lớn là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản - vì lợi ích kinh tế - tự biến mình thành... “tặc”.
Với “bùa hộ mệnh” là giấy phép khoáng sản được UBND tỉnh cấp, một số doanh nghiệp ngang nhiên thực hiện hành vi khai thác sai phép, ngoài phép, sai phương pháp... Một số doanh nghiệp lại lợi dụng giấy phép thăm dò để khai thác, thậm chí có doanh nghiệp mới chỉ được phê duyệt kết quả trúng đấu giá, đã tiến hành khai thác điểm mỏ này.
Khi bị phát hiện, xử lý, hầu hết đều tìm lý do biện minh cho hành vi vi phạm của mình. Như đại diện doanh nghiệp tư nhân Trí Thành cho rằng, việc đắp 2 con đập trên sông Đăk Bla là để trục vớt 1 máy bơm hút cát bị lũ nhấn chìm vào cuối năm 2016. Sau khi bị xử phạt hành chính đã liên tục có đơn khiếu nại, kiến nghị gửi ngành chức năng và UBND tỉnh.
Lẽ dĩ nhiên, tất cả những lý lẽ biện minh hay đơn thư khiếu nại đều không thể thay đổi được sự thật rằng họ đã vi phạm và hình thức xử lý như vậy là hoàn toàn “đúng người đúng tội”.
Tôi rất ấn tượng với câu nói của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường- Phạm Đức Hạnh trong một cuộc đối thoại với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản: Chúng tôi đồng hành với doanh nghiệp chứ không đồng lõa.
Hôm ấy, trả lời câu phàn nàn “Tuy doanh nghiệp có vi phạm, nhưng không đáng bị phạt nặng như vậy”, Giám đốc Phạm Đức Hạnh đã trả lời rằng: Ngành chức năng luôn sẵn sàng đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của luật pháp, nhưng không có nghĩa là “nhắm mắt”, là làm ngơ hay đồng lõa, xuê xoa với những việc làm sai trái của doanh nghiệp.
Chính Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Nguyễn Đức Tuy đã từng yêu cầu chuyển vụ việc doanh nghiệp tư nhân Nhật Mạnh khai thác cát trái phép quy mô lớn sang Công an tỉnh Kon Tum để điều tra làm rõ và xử lý nghiêm. “Chúng ta cấm khai thác bừa bãi, xử lý nghiêm “cát tặc”, nhưng đối với các doanh nghiệp đã được cấp phép thực hiện khai thác đúng quy định, thì chúng ta khuyến khích hoạt động”- đồng chí Nguyễn Đức Tuy nhấn mạnh.
Theo ông Võ Thanh Hải, trong thời gian tới, cùng với việc tiếp tục kiểm tra, truy quét, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với các ngành liên quan và chính quyền địa phương siết hoạt động khai thác cát, sỏi thông qua việc quản lý chặt nguồn gốc, xuất xứ cát xây dựng; quản lý chặt bến bãi, cửa hàng buôn bán vật liệu xây dựng; tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh hoặc thu hồi giấy phép khai thác đối với những vị trí, khu vực đang có nguy cơ sạt lở, sụt lún bờ sông; yêu cầu các doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát công khai các thông tin về diện tích, cắm mốc ranh giới các điểm mỏ cát, đá; lắp đặt trạm cân và hệ thống camera tại kho chứa, điểm mỏ...
Khi các doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường chấp hành nghiêm các yêu cầu trên sẽ giúp cho việc giám sát hoạt động khai thác đạt hiệu quả, hạn chế tình trạng khai thác sai phép, ngoài phép, sai thiết kế - ông Võ Thanh Hải nhận định.
Thành Hưng