Đằng sau một phiên tòa
Trong những phiên tòa xét xử tội phạm, nhiều người vi phạm ở tuổi vị thành niên và tuổi mới trưởng thành. Đằng sau bản án là những câu chuyện rất đáng quan tâm.
|
Kết thúc phiên tòa sơ thẩm vụ án “Giết người và tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”, các bị cáo thờ thẫn bước ra xe chở phạm nhân, nhìn về phía người thân với ánh mắt buồn bã. Giơ đôi tay nặng nề, vướng víu bởi chiếc còng số tám để chào những người bạn cùng trang lứa đứng từ xa, bị cáo Nguyễn Cao Minh Trí nhắn nhủ: Ở nhà tu chí, đừng vi phạm pháp luật nữa nghe chưa.
Chiếc xe chở tù nhân lăn bánh. Người thân gạt nước mắt tiễn chân. Ngồi bên trong, chắc chắn, các bị cáo cũng không kìm được cảm xúc của mình. Có lẽ, hơn hết, đó là sự ăn năn, hối lỗi của các bị cáo.
Từ sáng sớm, phiên tòa vắng lặng, người thân, bạn bè không được dự. Đứng trước vành móng ngựa, 5 bị cáo đều ngụ tại thành phố Kon Tum, tuổi đời còn rất trẻ. Trong đó, bị cáo Nguyễn Đức Việt Đăng mới 16 tuổi, Phạm Hoàng Anh (20 tuổi), Nguyễn Cao Minh Trí (23 tuổi); Nguyễn Thành Giang (25 tuổi) và Võ Tấn Quang (29 tuổi). Các bị cáo bị xét xử tội “Giết người và tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”.
Các bị cáo đều nghỉ học sớm. Ở cái tuổi “lo chưa tới”, đa số các bị cáo còn bồng bột, thích thể hiện và chưa có suy nghĩ chín chắn về những hành động của mình. Bị bạn xấu lôi kéo, các bị cáo làm điều pháp luật nghiêm cấm.
Trong vụ án này, phiên tòa cho thấy, chỉ vì xích mích nhỏ, các bị cáo liền sử dụng trái phép vũ khí quân dụng để gây ra hành vi giết người, gây rối loạn an ninh trật tự, bất an cho nhân dân trên địa bàn thành phố.
Trong suốt thời gian bị tạm giam, các bị cáo cũng phần nào hiểu về những lỗi lầm cũng như hành vi sai trái của mình gây ra. Và, cũng phần nào tự lường trước bản án mà cá nhân phải nhận được. Có lẽ thế, tại phiên tòa, các bị cáo thành khẩn khai nhận hành vi của mình với hy vọng được giảm nhẹ hình phạt.
Các mức án được đưa ra, nặng nhất bị phạt 17 năm tù; nhẹ nhất, bị phạt 24 tháng tù. Vậy là, khi người khác dành thanh xuân để làm những việc có ích, có ý nghĩa cho bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội, mang lại niềm vui cho bố mẹ, thì thanh xuân của các bị cáo dành cho việc cải tạo, rèn luyện đạo đức, học làm người.
Ở độ tuổi vị thành niên và mới trưởng thành, tâm sinh lý còn bất ổn, thậm chí nổi loạn, thiếu kỹ năng kiểm soát cảm xúc nên dẫn đến thực hiện những hành vi bột phát, có thể dẫn đến hành vi phạm tội. Không riêng vụ án này, trước đó, nhiều đối tượng vị thành niên và tuổi mới trưởng thành cũng bị xét xử về nhiều tội danh: tàng trữ trái phép chất ma túy, gây rối trật tự công cộng, cho vay nặng lãi.
Những phiên tòa xét xử tội phạm, lứa tuổi vị thành niên và tuổi mới trưởng thành phạm tội có xu hướng ngày càng nhiều. Và đằng sau những bản án là những câu chuyện rất đáng để quan tâm. Trước những vấn đề đang đặt ra, vấn đề giáo dục đạo đức, kỹ năng sống và giáo dục pháp luật thật sự cần thiết từ gia đình đến nhà trường.
Ở lứa tuổi vị thành niên, bản thân các cháu rất cần sự quan tâm của người thân, gia đình và nhà trường. Chỉ cần thiếu sự quan tâm, nhiều cháu sẽ mặc cảm, tự tách ra khỏi cộng đồng và dễ có những suy nghĩ tiêu cực, nhận thức chưa đầy đủ về cuộc sống.
Luật pháp không khoan nhượng, người vi phạm pháp luật phải chịu hình phạt của pháp luật và phải chấp hành pháp luật. Tuy nhiên, nhìn tuổi thanh xuân của các cháu trong song sắt, ai nấy, không khỏi chạnh lòng.
Mong rằng, phía sau song sắt của nhà lao là khoảng lặng cần thiết cho những cuộc đời lầm lỗi được thức tỉnh và trở về hoàn lương. Cũng mong rằng, sau mỗi vụ án sẽ là bài học cảnh tỉnh để mỗi người tuân thủ quy định của pháp luật, sống có ích với chính mình, với gia đình, với mọi người và cộng đồng.
Hoài Tiến