“Cuộc chiến” không của riêng ai
Trong những năm qua, công tác phòng, chống ma túy được triển khai khá hiệu quả, từ đó góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, “cuộc chiến” này đang ngày càng cam go, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân.
Theo đánh giá của ngành chức năng, trong những năm qua, tội phạm về ma túy tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Tình trạng tụ tập, tổ chức sử dụng, sử dụng trái phép chất ma túy tại các quán bar, karaoke, khách sạn… vẫn còn xảy ra, chủ yếu tập trung vào số đối tượng trong độ tuổi thanh, thiếu niên. Hiện có 2 địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy, gồm phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum và xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi.
Hoạt động vận chuyển trái phép ma túy qua biên giới, Cửa khẩu quốc tế Bờ Y, huyện Ngọc Hồi có chiều hướng gia tăng. Trong năm 2021, các lực lượng chức năng phát hiện 139 vụ - 282 đối tượng; khởi tố 94 vụ - 138 bị can, xử lý hành chính 42 vụ - 136 đối tượng. Tang vật thu giữ gồm 52,314g heroin, 9.301,661g methamphetamin, 20,803g ketamin, 25,359g MDMA, 13,688g cần sa.
Từ đầu năm 2022 đến nay, các lực lượng chức năng tỉnh đã phát hiện nhiều vụ mua bán, vận chuyển, sử dụng ma túy. Gần đây nhất, đêm 5/6, Công an huyện Ngọc Hồi đã bắt giữ đối tượng Bùi Văn Lâm (30 tuổi, trú tại thôn Kon Khôn, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi), thu giữ 1 gói nilon chứa ma túy đá với khối lượng 150gr.
Ở thành phố Kon Tum, chỉ trong quý I/2022, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt quả tang 17 vụ, 52 đối tượng tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy; thu giữ 34,441g heroin, 30,853g ma túy đá, 3,608g ketamine, 1,579g MDMA (thuốc lắc).
Không thể phủ nhận những kết quả mà các cấp, các ngành và toàn dân đã đạt được trong “cuộc chiến” phòng, chống ma túy. Cùng với việc đẩy mạnh thông tin, giáo dục, truyền thông, công tác phòng ngừa nghiệp vụ và phòng ngừa xã hội được triển khai có hiệu quả. Nhiều vụ án về vận chuyển, tàng trữ, sử dụng ma túy được phát hiện; các tụ điểm có liên quan đến ma túy được triệt phá, xử lý kịp thời.
|
Nhưng những con số thống kê trên cũng cho thấy, cuộc chiến phòng, chống ma túy vẫn còn nhiều cam go. Thậm chí có ý kiến cho rằng, đó chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm”, trên thực tế thì số người nghiện ma túy và có liên quan đến ma túy cao hơn nhiều. Đáng lo ngại là độ tuổi nghiện ma túy đang ngày càng trẻ hóa.
Công bằng mà nói, cuộc chiến với ma túy ở tỉnh ta gặp không ít khó khăn từ điều kiện khách quan. Trong đó, đời sống kinh tế của người dân vùng sâu, vùng xa còn khó khăn; ít được tiếp cận (hoặc không dễ tiếp cận) với các hoạt động truyền thông, nên “sức đề kháng” trước sự “tấn công” của tệ nạn xã hội, trong đó có ma túy không cao.
Đặc biệt, với đường biên giới dài hơn 280 km, giáp 2 nước bạn Lào và Campuchia; có cửa khẩu Quốc tế Bờ Y và 2 cửa khẩu phụ Đăk Long, Đăk Blô (thuộc huyện Đăk Glei); có Quốc lộ 14, 24 là đầu mối giao thông nối liền với các tỉnh trong khu vực, nên không khó để tệ nạn xã hội- trong đó có ma tuý- tìm được đường xâm nhập.
Từng có cảnh báo về nguy cơ Kon Tum sẽ trở thành điểm trung chuyển “hàng trắng” khá “lý tưởng” vì những thuận lợi nêu trên.
Đó là chưa kể đến hàng loạt yếu tố khác, như: Địa hình rừng núi phức tạp, địa bàn rộng lớn; các hoạt động sản xuất trong khu vực biên giới…
Về chủ quan, công tác tuyên truyền về phòng, chống ma tuý mới chỉ tập trung vào bề nổi mà thiếu các hoạt động tuyên truyền trực tiếp, hướng đến các nhóm đối tượng cụ thể, phù hợp với đặc thù từng vùng. Vì vậy mức độ huy động sự tham gia của cộng đồng vào công tác phòng, chống ma túy còn hạn chế.
Quản lý đối tượng nghiện ma túy, cai nghiện và sau cai nghiện còn hạn chế. Công tác hỗ trợ việc làm, thực hiện các chính sách xã hội sau cai nghiện chưa được quan tâm đúng mức; tình trạng tái nghiện còn xảy ra.
Trong điều kiện kinh tế-xã hội ngày càng phát triển như hiện nay, nguy cơ gia tăng tệ nạn ma túy ngày càng cao, đồng nghĩa với việc phòng, chống sẽ khó khăn, phức tạp hơn. Việc hoạch định và triển khai đồng bộ những giải pháp, vừa cấp bách vừa lâu dài, là rất cần thiết.
Trong văn bản số 1024/UBND-NC ngày 13/4/2022, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, đoàn thể và UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và quản lý khu vực biên giới, đặc biệt là Cửa khẩu quốc tế Bờ Y, các địa bàn giáp biên giới với Lào, các điểm nóng về ma túy.
Triển khai các các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm về ma túy; tiếp tục thực hiện hiệu quả các kế hoạch, phương án đấu tranh phòng, chống ma túy trên truyến trọng điểm. Quyết tâm giữ vững số xã, phường, thị trấn không có ma túy; giảm số xã, phường, thị trấn có ma túy và trọng điểm về ma túy.
Tăng cường công tác nắm, phân tích, dự báo và đánh giá đúng tình hình tội phạm về ma túy trên địa bàn, nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác đấu tranh giữa các lực lượng chuyên trách về phòng, chống ma túy từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở; phát huy vai trò chủ công, nòng cốt của lực lượng Bộ đội Biên phòng, Công an.
Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh các biện pháp nghiệp vụ, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để phát huy sức mạnh cộng đồng.
Theo đó, hoạt động tuyên truyền phải được triển khai linh hoạt, cụ thể đối với từng nhóm đối tượng, phù hợp với điều kiện thực tế; tập trung vào các khu vực, địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy, các nhóm nguy cơ cao, nhất là thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên, công nhân, người lao động.
Quan trọng nhất, cần làm cho mọi người hiểu rõ “cuộc chiến” này không của riêng ai.
Đây không phải khuyến cáo, mà là điều cần làm!
Thành Hưng