Công an Sa Thầy thông tin vụ người dân trục vớt cây gỗ trong lòng đất bị phạt
Sau khi ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 4 triệu đồng và buộc trả lại tài sản chiếm giữ trái phép đối với ông Lê Quang Nam (44 tuổi, trú tại thôn 2, thị trấn Sa Thầy) về hành vi “chiếm giữ tài sản của người khác” trong vụ đào, trục vớt cây gỗ trong lòng đất, người nhà ông Nam là ông Lê Quang Vinh (bố của ông Nam) đã có đơn đề nghị làm rõ vụ việc. Công an huyện Sa Thầy đã có trả lời chính thức về vụ việc, đồng thời xác định rõ những điều khoản, quy định áp dụng đối với quyết định xử phạt nói trên.
Theo Công an huyện Sa Thầy quá trình điều tra, xác minh xác định: Ngày 30/3/2022, nhận được tin báo của quần chúng nhân dân về việc có người đang tổ chức đào, trục vớt cây gỗ phát hiện được trong lòng đất tại khu vực rẫy giáp Tỉnh lộ 674 mới, thuộc thôn Sơn An, xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy. Ngay sau đó, tổ công tác Công an huyện đã đến hiện trường và phát hiện ông Lê Quang Nam (44 tuổi, trú tại thôn 2, thị trấn Sa Thầy) đang sử dụng xe máy đào để đào, trục vớt cây gỗ ra khỏi lòng đất.
|
Khi ấy, do trời mưa ảnh hưởng đến việc kiểm tra, xác minh nên tổ công tác đã đề nghị ông Nam giữ nguyên hiện trạng đợi thời tiết ngừng mưa sẽ xử lý theo quy định. Dù vậy, đến tối cùng ngày, ông Nam đưa nhiều người và phương tiện vào đào, vận chuyển cây gỗ trên. Phát hiện vụ việc, vào lúc 1giờ 30 phút ngày 31/3/2022, tổ công tác Công an huyện tiến hành lập biên bản kiểm tra ghi nhận sự việc và mời ông Nam về trụ sở Công an huyện làm việc. Qua quá trình làm việc, ông Nam đồng ý bảo quản, giữ nguyên hiện trạng số gỗ trên.
Sau khi làm việc và được Công an huyện giải thích, ông Nam đã có đơn trình gửi đến UBND xã Sa Sơn nhằm mục đích hợp thức hóa các giấy tờ liên quan đến việc trục vớt gỗ.
Đến khoảng 10 giờ, ngày 7/4/2022, khi ông Nam tiếp tục sử dụng xe máy đào để đào, vận chuyển cây gỗ trên về rẫy cao su gần đó, Công an huyện đã cử lực lượng đến kiểm tra, lúc này ông Nam có xuất trình giấy tờ do UBND xã Sa Sơn xác nhận về việc đào, trục vớt gỗ. Tuy nhiên, văn bản có ghi rõ nội dung: Yêu cầu ông Nam khi trục vớt cây gỗ lên phải báo cáo về UBND xã để cử lực lượng chức năng xuống kiểm tra cụ thể và báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định; đồng thời nghiêm cấm khi trục vớt xong buôn bán, trao đổi thương mại.
Đến ngày 20/5/2022, ông Nam đã tự ý cưa xẻ, vận chuyển số gỗ trục vớt được đến xưởng đồ gỗ nội thất Đoàn Đức Đạt để gia công thì Công an huyện đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Sa Thầy đến xưởng đồ gỗ nội thất Đoàn Đức Đạt để tiến hành kiểm tra. Kiểm tra cho thấy hồ sơ liên quan đến nguồn gốc lâm sản, ông Nam cung cấp chưa rõ ràng, không đúng theo Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 về truy xuất nguồn gốc lâm sản. Hồ sơ do ông Nam cung cấp gồm một đơn trình gửi UBND xã Sa Sơn xin trục vớt và tận dụng gỗ và một biên bản xác minh về việc tận thu nguồn gốc lâm sản; ngoài ra không có hồ sơ nào khác. Do đó, tổ công tác đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số gỗ do ông Nam trục vớt được về bảo quản tại Công an huyện Sa Thầy để tiến hành xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định.
Theo Công an huyện Sa Thầy, qua quá trình xác minh đã xác định, khi trục vớt được số gỗ trên, ông Nam đã tự ý cưa xẻ và rao bán cho anh Nguyễn Văn Đoàn (44 tuổi, trú tại thôn 4, thị trấn Sa Thầy) chủ xưởng đồ gỗ nội thất Đoàn Đức Đạt với số tiền là 170.000.000 đồng. Nhưng vì rao giá bán cao, không bán được nên sau đó ông Nam đã vận chuyển đến xưởng đồ gỗ nội thất Đoàn Đức Đạt để gia công.
Ngày 24/5/2022, Công an huyện đã phối hợp với UBND xã Sa Sơn tiến hành kiểm tra, xác định vị trí cây gỗ do ông Lê Quang Nam trục vớt. Kết quả xác định vị trí trục vớt cây gỗ trên thuộc đất rẫy nông nghiệp của ông A Kai (34 tuổi, trú tại làng Chốt, thị trấn Sa Thầy) và thuộc địa giới hành chính xã Sa Sơn.
Theo Công an huyện, qua làm việc với ông A Kai được biết việc trục vớt gỗ là do ông Nam tự ý thực hiện và không được sự cho phép của gia đình ông Kai. Quá trình trục vớt gỗ đã làm chết, hư hại nhiều cây cao su tại rẫy của mình nên gia đình ông A Kai đã có đơn tố giác việc ông Nam tự ý đưa phương tiện vào làm chết, hư hỏng nhiều cây cao su.
Chị Y Ri (vợ anh A Kai) cho biết: Chúng tôi đã có đơn kiến nghị gửi lên công an, chính quyền địa phương phản ánh về sự việc tự ý đưa máy móc vào đào gỗ, làm chết cây cao su; đồng thời đề nghị ông Nam đền bù số cây bị hư. Ông Nam cũng đã hứa đền nhưng đến nay vẫn chưa thấy gì.
Theo Công an huyện Sa Thầy, quá trình làm việc, liên quan đến việc phát hiện cây gỗ trong lòng đất tại rẫy ông A Kai thì ông Nam liên tục thay đổi lời khai và các lời khai này đều mâu thuẫn với chủ rẫy là ông A Kai. Ông A Kai cũng đã phủ nhận việc thuê ông Nam vào đào ao, múc ruộng nên mới phát hiện cây gỗ như lời trình bày của ông Nam.
Ngày 7/6/2022, Công an huyện Sa Thầy đã gửi Quyết định trưng cầu giám định chủng loại đối với 4 hộp gỗ xẻ đến Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum và ngày 13/6/2022, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum đã có kết luận giám định, xác định toàn bộ số gỗ trên đều là chủng loại Phay, thuộc nhóm VI.
|
Ngày 17/6/2022, Công an huyện Sa Thầy đã ra quyết định thành lập Hội đồng định giá tài sản để xác định giá trị của số gỗ trên. Kết quả định giá xác định 4 hộp gỗ xẻ, chủng loại Phay, nhóm VI, có tổng khối lượng là 4,289 m3 có giá trị hơn 68 triệu đồng. Đối với 6 tấm bìa gỗ do đã mục nát và không còn giá trị sử dụng nên không có cơ sở để định giá.
Căn cứ kết quả xác minh cho thấy, số gỗ do ông Lê Quang Nam trục vớt được trong lòng đất là tài sản bị vùi lấp và không xác định được chủ sở hữu. Do đó, căn cứ vào điểm c, khoản 2, Điều 3, Nghị định 29/NĐ-CP ngày 5/3/2018 quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân thì số gỗ do ông Nam trục vớt được thuộc đối tượng được xác lập quyền sở hữu toàn dân.
Căn cứ theo Điều 229, Bộ luật Dân sự 2015 thì ông Nam có trách nhiệm phải thông báo cho UBND xã Sa Sơn và trong quá trình đợi các cấp có thẩm quyền giải quyết ông Nam không được tự ý sử dụng số gỗ trên.
Ngoài ra, vì giá trị của số gỗ trên là trên 68 triệu đồng, lớn hơn mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định (14.900.000 đồng) nên số gỗ trên không thuộc sở hữu của người tìm thấy mà thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu.
Theo Thượng tá Phan Tiến Dũng-Trưởng Công an huyện Sa Thầy, việc ông Nam cố ý cưa, xẻ, rao bán và vận chuyển gỗ trục vớt được từ lòng đất lên mà chưa được sự cho phép của cơ quan chức năng đã xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của Nhà nước. Theo đó, sau khi trục vớt số gỗ trên lên, ông Nam không thông báo, giao nộp cho cơ quan chức năng nên không được thưởng theo giá trị tài sản tìm thấy (theo quy định tại điểm c, khoản 6, Điều 30, Nghị định 29/2018/NĐ-CP).
“Khi phát hiện báo UBND cấp xã để bán đấu giá thì ông Nam sẽ được hưởng 14.900.000 đồng và 50% giá trị bán đấu giá, tuy nhiên, đó là đối với những trường hợp chủ động báo cáo và tự động giao nộp cho UBND xã. Nhưng đây đã xác định tài sản sở hữu toàn dân nhưng ông Nam vẫn cố tình lấy tiêu thụ”- Thượng tá Dũng cho biết.
Cũng theo Thượng tá Dũng, từ thu thập tài liệu, chứng cứ có đủ căn cứ xác định ông Lê Quang Nam đã có hành vi “chiếm giữ tài sản của người khác”, vì vậy Công an huyện đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức “phạt tiền” 4 triệu đồng đối với Lê Quang Nam về hành vi “chiếm giữ tài sản của người khác” theo quy định tại điểm đ, khoản 2, điều 15, Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép là 4 hộp gỗ xẻ chủng loại Phay, nhóm VI được quy định tại Điểm b, Khoản 4, Điều 15, Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Thượng tá Dũng cho biết, quá trình điều tra xác định 4 hộp gỗ xẻ chủng loại Phay, nhóm VI, có tổng khối lượng là 4,289 m3 ông Nam đã cưa xẻ ra là tài sản bị vùi lấp dưới lòng đất, thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Theo quy định tại khoản 5, Điều 5, Nghị định 29/NĐ-CP, Sở Tài chính là đơn vị chủ trì quản lý tài sản đối với tài sản trên, do đó, ngày 11/7/2022, Công an huyện Sa Thầy đã có văn bản đề nghị Sở Tài chính tiếp nhận, xử lý đối với số gỗ trên.
Phúc Nguyên