Cảnh giác với chiêu trò “ép” chủ xe ô tô mua bảo hiểm
Hiện nay, nhiều chủ xe ô tô sau khi hết hạn bảo hiểm “trách nhiệm dân sự bắt buộc” (bảo hiểm) đã bị các công ty bảo hiểm “lạ” gọi điện thông báo và mời mua bảo hiểm với giá ưu đãi. Dù đồng ý hay không, công ty cũng tự động gửi bảo hiểm về tận địa chỉ nhà và không ít người đã bị “ép” mua bảo hiểm kiểu như thế này.
|
Ngày 16/6, gia đình anh N (đường Trần Nhân Tông, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) nhận được bưu phẩm từ Công ty Bảo hiểm BSH có địa chỉ ở thành phố Hà Nội, nội dung bưu phẩm là bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đối với xe ô tô. Tưởng chồng đặt mua bảo hiểm nên chị C – vợ anh N đã nhận hàng và thanh toán 395 ngàn đồng. Tuy nhiên, anh N cho biết không hề mua bảo hiểm của công ty này và gọi shipper quay trở lại để yêu cầu trả hàng, hoàn tiền.
Theo anh N, cách đó ít ngày, anh nhận được cuộc điện thoại từ một người tự xưng là nhân viên công ty bảo hiểm. Người này nắm rõ thông tin cá nhân cũng như thông tin xe ô tô và biết được xe ô tô của gia đình anh sắp hết hạn bảo hiểm dân sự bắt buộc nên mời anh mua với giá ưu đãi. Anh N đã từ chối, song công ty này vẫn gửi bưu phẩm về cho anh.
Tương tự anh N, chị H.M (phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum) kể, chị cũng nhận được bưu phẩm nội dung là bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của một công ty bảo hiểm (không nhớ tên) gửi về và được yêu cầu thanh toán 299 ngàn đồng. Dù shipper thuyết phục hiện nay rất nhiều người đặt mua loại bảo hiểm giá rẻ này, song chị M vẫn kiên quyết không nhận.
|
Cách đây nửa năm, qua điện thoại chị T (phường Duy Tân, thành phố Kon Tum) cũng nhận lời mời mua bảo hiểm từ người tự xưng là nhân viên Công ty BSH. Sau khi đồng ý mua với giá 480 ngàn đồng và nhận bảo hiểm qua đường bưu điện, chị T đã lên trang web của công ty này để kiểm tra thông tin hợp đồng bảo hiểm thì tá hỏa nhận ra, thông tin xe và thông tin cá nhân của chị sai hoàn toàn: Hiệu xe được hưởng bảo hiểm ghi trên hợp đồng là Honda CRV Ex 2.0, trong khi xe của chị là hiệu Kia, số điện thoại của chị ghi trên hợp đồng là 0989999999 trong khi trong bảo hiểm bán cho khách lại không có số điện thoại liên lạc. Chỉ có tên chủ xe, địa chỉ nơi ở là đúng.
Gọi tổng đài 1900969609 – đường dây nóng Công ty BSH để thắc mắc về sai sót này, chủ xe đã có trao đổi với nhân viên công ty và được nhân viên khẳng định đã có người trong công ty làm việc với chủ xe, đồng thời nhãn hiệu xe là do chính chủ nhân chiếc xe cung cấp. Sau một hồi tranh cãi về việc nếu xảy ra tai nạn mà thông tin nhãn hiệu xe và số điện thoại của chủ xe được cập nhật trên web bảo hiểm sai thì có được bồi thường hay không, thì nhân viên công ty mới chịu nhận sai là do bộ phận “cập nhật thông tin trên web” của công ty và sau đó xin lại tên nhãn hiệu xe và số điện thoại để cập nhật lại.
Có thể thấy, các công ty bảo hiểm này lợi dụng sự thờ ơ của khách hàng để bán bảo hiểm mà chỉ cần một số thông tin cơ bản như tên chủ xe, địa chỉ nơi ở mà không cần tìm hiểu về thông tin nhãn hiệu phương tiện, số điện thoại cá nhân… Để rồi khi rủi ro ập tới, thì chủ xe chỉ biết kêu trời vì thông tin không chính xác nên không được nhận bồi thường từ công ty.
Tại Thông tư 04/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 03/2021/NĐ-CP ngày 15/01/2021 của Chính phủ về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới mức bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đối với xe ô tô không kinh doanh vận tải, loại dưới 6 chỗ ngồi như xe của anh N, chị T hay chị M là 437 ngàn đồng (chưa tính VAT), ấy vậy mà, mức giá mà các công ty chào mời đưa ra đủ loại mức giá, từ 299 ngàn đồng, 395 ngàn đồng đến 480 ngàn đồng!
Qua câu chuyện trên, mong các gia đình có phương tiện ô tô cần nâng cao cảnh giác với các thủ đoạn mời chào mua bảo hiểm giá rẻ, đồng thời cần kiểm tra kỹ thông tin phương tiện, cá nhân khi mua các loại bảo hiểm để tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc, mất tiền nhưng khi cần không giải quyết được vấn đề theo đúng bảo hiểm.
Văn Tùng