Cảnh giác với chiêu lừa nhờ mở điện thoại
Giả vờ hỏng điện thoại, nhờ xem, mở và sửa hộ để người được nhờ bị dính thuốc mê, bị mất tiền bạc, trang sức… là những chiêu thức lừa đảo mới mà mọi người cần nêu cao cảnh giác.
Gần đây, trên mạng xã hội facebook, nhiều người chia sẻ dòng tâm sự tại một tài khoản tên Mây Trắng về việc chị bị một người phụ nữ dùng chiếc điện thoại dí thẳng vào mặt nói bị hư nhờ mở, sửa hộ ngay trong cây ATM tại huyện Đăk Hà trưa 7/4 để mọi người cảnh giác.
Theo lời tâm sự của chị, khi đang rút tiền, thì bất ngờ có một người phụ nữ (khoảng 40 tuổi) bịt kín mặt mở cửa bước vào trong phòng. Khi chị vừa rút thẻ ATM ra xong, chị này xông vào đưa thẳng chiếc điện thoại vào trước mặt chị rồi nói: Em ơi, mở hộ chị điện thoại với chị không biết mở.
Nghi ngờ, chị liền quát: Chị bỏ ngay cái chiêu trò lừa này đi. Nếu không tôi chụp ảnh và báo công an bây giờ. Nghe nói vậy, chị này liền bỏ đi luôn.
Theo chị nếu không cảnh giác thì có thể sẽ dính thuốc mê và sẽ bị mất tiền.
Tương tự như trường hợp nói trên, vào dịp Tết Nguyên đán vừa rồi, tôi cũng đọc được dòng tâm sự của một chị là chủ tài khoản facebook trong xã Ia Chim (thành phố Kon Tum) tâm sự về việc chị cũng bị một phụ nữ lừa cũng với hình thức dùng điện thoại như trường hợp nói trên.
Theo lời kể của người này, vào một buổi trưa, khi chị đang trên đường đi từ xã Ia Chim đến ngã ba B15 (phường Lê Lợi) thì có một người phụ nữ chừng trên 40 tuổi ăn mặc chất phác, dáng điệu tất tả vẫy lại nhờ mở hộ điện thoại. Thương tình người phụ nữ này gặp khó trong trưa nắng, chị cầm điện thoại xem dùm, nhưng vì không rành điện thoại iphone nên chị không mở được.
Người phụ nữ này liền xin nhờ gọi điện thoại cho một người đàn ông khác, đại ý là mang tiền đến nhưng người đàn ông này lấy lý do rất bận không thể đến ngay được. Nghe vậy, người phụ nữ này liền bảo hay là chị mua chiếc điện thoại này đi, điện thoại này đắt tiền lắm nhưng vì cần gấp nên chỉ bán với giá “hữu nghị” 2 triệu đồng thôi.
Thấy điện thoại “xịn”, giá lại rẻ nên ham, chị đồng ý. Nhưng để cho chắc ăn, chị cũng muốn nhờ cửa hàng điện thoại xem thêm nên nói cùng ghé vào quán điện thoại ở B15 thì người phụ nữ kia bỏ chạy. Lúc này, chị mới biết mình bị lừa và tự thấy mình may mắn vì chưa phải rơi vào cảnh tiền mất tật mang.
Chia sẻ của các tài khoản này nhận được rất nhiều bình luận. Nhiều người đã kể lại chuyện của mình cũng ở vào tình trạng tương tự. Nhiều người tìm hiểu mới biết, những chiếc điện thoại được nhờ mở ấy hoặc đã được tẩm thuốc mê để gây mê cướp tài sản của người mở giúp; hoặc là chiếc điện thoại dởm chỉ khoảng vài trăm ngàn đồng nhưng khi gặp được đối tượng dễ tin sẽ bán được với giá vài triệu đồng, người mua cứ tưởng mình gặp may song thực ra chỉ dùng được một thời gian là gặp sự cố.
Từ hai câu chuyện của hai người nói trên cho thấy, chiêu thức lừa đảo của đối tượng chủ yếu nhắm vào chị em phụ nữ và thường chọn thời điểm vắng người qua lại để lừa. Vì lẽ đó, chị em phụ nữ nói chung cần nêu cao tinh thần cảnh giác, thận trọng khi bỗng dưng có người lạ nhở mở hoặc xem dùm điện thoại. Chị em cũng không nên đi rút tiền vào lúc vắng người mà nên chọn thời điểm đông người qua lại, nếu có việc gấp thì cần tìm người đi cùng.
Phúc Nguyên