Cảnh báo hiểm họa từ bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh
Hiện nay, tình trạng bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh trên địa bàn tỉnh vẫn ở mức rất cao. Không ít trường hợp do không biết, hoặc vô tình đã làm bom đạn phát nổ, kèm theo đó là các nạn nhân, nhẹ thì mù mắt, cụt chân tay, nặng thì mất mạng vẫn còn xảy ra, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân...
Đến bây giờ anh Nguyễn Quyết Trị (thôn Bình Minh, xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà) vẫn không quên được cái ngày định mệnh làm anh hỏng một con mắt, sức khỏe giảm sút, trở thành gánh nặng cho gia đình. Anh kể: Hồi còn nhỏ, mới mười hai tuổi đi chăn bò, người dân thu gom các loại đạn, pháo nhặt được trong quá trình làm rẫy chất thành đống. Bọn tôi chăn bò qua đó thấy hay hay, thế là nghịch không may nó phát nổ làm tôi bị thương hỏng một mắt còn bạn tôi thì chết tại chỗ.
|
Còn chị Dương Thị Thanh (thôn Thống Nhất, xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà) lại kể: Chiều hôm đó ba đứa đi chăn bò, đang chơi đùa thì một bạn trai nhặt được quả M79 ném vào chúng tôi. Đạn phát nổ, chị đi cùng bị thủng ruột chết tại chỗ, còn tôi thì bị hỏng mắt...
Chỉ tính từ đầu năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra hai vụ nổ đạn làm 3 người chết và 2 người bị thương. Vụ gần đây nhất xảy ra ngày 4/12/2017 tại thôn Ta Ka, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi do anh Trương Vĩnh Bình (37 tuổi) đã tự ý dùng cưa sắt cưa quả đạn cối 81 mà anh nhặt được, trong quá trình cưa quả đạn phát nổ khiến anh Bình chết tại chỗ.
Vụ trước đó xảy ra ngày 23/10/2017, tại thôn 5, xã Đăk Cấm, thành phố Kon Tum do ông A Then tự ý tháo đầu đạn M79 nhặt được trong lúc đi đánh cá. Vụ nổ khiến ông A Then tử vong tại chỗ, bà Y Đưch (vợ ông) tử vong trên đường đi cấp cứu, hai người con của ông may mắn thoát chết nhưng bị thương tật suốt đời.
Đó là sự cảnh báo cho những người không có kiến thức về cấu tạo và nguyên lý hoạt động của các loại bom, mìn, vật nổ, nhưng họ vẫn liều lĩnh "đùa với tử thần" tự động tháo, cưa, cắt lấy thuốc nổ và vỏ kim loại để bán, dẫn đến những chuyện đau lòng xảy ra, để lại nhiều hậu quả nặng nề cho gia đình và xã hội.
Theo điều tra của Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn (Bộ Tư lệnh Công binh), tổng diện tích trên địa bàn tỉnh bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh khoảng hơn 467.848ha, trải rộng đều khắp trên 9 huyện và thành phố Kon Tum.
Thiết nghĩ, các ban ngành liên quan và cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp cần tổ chức tuyên truyền cho người dân chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật và giao nộp vũ khí, vật liệu nổ; nếu phát hiện thấy bom, mìn, vật liệu nổ thì báo cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan quân sự gần nhất để kịp thời báo về công binh Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh nhằm có phương án xử lý an toàn tránh gây hậu quả nghiêm trọng đáng tiếc xảy ra như trong thời gian qua. Đồng thời, kiên quyết xử lý những người có hành vi lén lút tháo gỡ bom, mìn để lấy phế liệu, góp phần ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nguy hiểm do bom, mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh gây ra, bảo đảm cuộc sống bình yên cho người dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại và những hậu quả xấu có thể xảy ra.
Bài, ảnh: Trung Kiên