Bi kịch của những gia đình
Tôi đã chứng kiến những dòng nước mắt nghẹn ngào tuôn trong các phiên tòa hình sự về các vụ án giết người. Những giọt nước mắt hối hận của kẻ gây án; nước mắt nhớ thương của thân nhân người bị hại, và cả nước mắt sẻ chia của những người tham dự phiên tòa.
|
“Chị ơi, nhờ chị để tắt tên ba em và che mặt ba em lại được không? Các em của em còn chưa lấy vợ, lấy chồng chị ơi”– thấy tôi chụp hình đưa tin tại phiên tòa, một người con của bị cáo M tìm đến nhờ. Dù gương mặt đã được che đi bởi lớp khẩu trang y tế, nhưng qua ánh mắt, tôi vẫn hình dung nét buồn rười rượi với nhiều cảm xúc ngổn ngang trong lòng.
Bố là bị cáo, mẹ là người bị hại, con là người làm chứng. Phiên tòa trĩu nặng khi chỉ toàn là những thành viên trong gia đình. Từng lời xét hỏi, lời khai như xát muối trái tim của chính những người liên quan.
Vợ bị cáo M đã mất. Bị cáo chuyển từ Quảng Nam vào Kon Tum sinh sống và sống chung với chị L như vợ chồng. Bị cáo có 7 người con (cả con riêng và con chung với chị L). Ngày hôm ấy, sau khi uống rượu, trở về nhà, vì ghen tuông vô cớ, bị cáo M đã gây gổ và dùng dao đâm vào chị L, gây tổn thương 46 %.
Sự việc bất ngờ khiến ai nấy đều ngỡ ngàng. Người bị hại làm đơn xin giảm nhẹ hình phạt, trách nhiệm hình sự cho bị cáo. Bởi, chính họ cũng đâu muốn người chung chăn gối phải chịu án phạt cao nhất. Còn bị cáo, ăn năn nhận lỗi nhưng đã muộn màng. Bị cáo phải trả giá bằng bản án 14 năm trong trại giam và nỗi ân hận mang theo suốt cuộc đời.
Có những phiên tòa khiến người dự phải rơi nước mắt. Bản thân tôi thấy lòng mình chững lại, nặng trĩu bởi hình ảnh đầy cảm thương ở phiên tòa xét xử bị cáo N.T.N.T ở xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà về tội giết người. Vốn hiền lành, ngoan ngoãn, vì quá yêu thương mẹ, T đã không kiềm chế được bản thân, bồng bột, cầm dao đâm người chửi bới mẹ mình vì ghen tuông vô cớ.
Sự việc xảy ra khi T mới 17 tuổi. Ở tuổi chưa suy nghĩ chín chắn, chưa đủ bản lĩnh để kiềm chế được cảm xúc, T đã hành xử sai pháp luật, dẫn đến hậu quả khôn lường.
Đứng trước vành móng ngựa, cô bé chưa hiểu hết được mình sắp phải đối mặt với mức án nghiêm khắc, trả giá cho hành vi sai lầm của bản thân gây ra. Cô cũng không nghĩ được rằng, mình sẽ phải bị cách ly với thế giới bên ngoài, không còn tự do, không được bên mái ấm gia đình với bữa cơm sum vầy.
Mẹ cô bé, trong bộ quần áo thun màu xanh đã cũ mèm, mái tóc bới vội, đôi mắt đỏ hoe cứ nhìn về phía con gái, khiến ai nấy không kìm được lòng xót thương.
Ở tuổi ăn tuổi học, ở tuổi thanh xuân đẹp nhất, em phải ở trong tù, cách ly khỏi xã hội vì một phút bồng bột. Rồi tương lai phía trước sẽ ra sao, rồi sau này, cuộc sống của bản thân em, của gia đình em sẽ thế nào?
Có những câu chuyện mà khi chứng kiến dù người dưng nhưng lòng vẫn đau như cắt. Tôi nhớ, cách đây khoảng 10 năm về trước, sau một phiên tòa, khi đến một ngôi nhà tại xã Đăk La, huyện Đăk Hà, chứng kiến hoàn cảnh của các cháu bé mồ côi phải nương tựa ông bà già vì mẹ mất, bố đi tù, mới thấu hiểu nỗi đau đến xé lòng. Cũng vì mâu thuẫn, vì xích mích, bố đâm mẹ, khiến các con trở nên bơ vơ giữa dòng đời lạc lõng. Ông bà nghèo, không đủ sức để lo, phải ngậm ngùi gửi các cháu xuống Trung tâm Bảo trợ xã hội.
Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, mỗi gia đình sẽ có những câu chuyện riêng. Nhưng chung quy, vì những phút nông nổi, những người thân trong gia đình đã trở thành kẻ gây án, đẩy gia đình mình vào bi kịch. Những giọt nước mắt hối hận muộn màng của bị cáo; những giọt nước mắt của người làm chứng, người thân và cả những người dự khán khiến không khí trang nghiêm đến lạnh lẽo của chốn pháp đình như chùng xuống.
Chiếc xe hú còi chở tù nhân về phía trại giam, ở nơi này, những người bố, người mẹ, vợ, con vẫn giàn giụa nước mắt, run rẩy giơ đôi tay vẫy chào tạm biệt.
Hoài Tiến