Bằng giả vẫn được rao bán công khai
Bằng cấp giả đang là vấn nạn gây bức xúc trong xã hội hiện nay. Thời gian qua, đã có nhiều đường dây làm bằng giả bị lực lượng chức năng triệt phá; nhiều cán bộ, đảng viên bị kỷ luật vì dùng bằng giả. Vậy nhưng, những dịch vụ làm bằng giả vẫn công khai quảng cáo, chào mời khách hàng qua tin nhắn và mạng internet…
Vào Google, gõ từ khóa “mua bằng”, chỉ chưa đầy 0,50 giây, ngay lập tức xuất hiện trên 10.000.000 kết quả. Các trang mạng công khai rao bán bằng, chứng chỉ các loại, với những lời mời chào hấp dẫn như: Nhận làm bằng cấp 3, đại học, cao đẳng, chứng chỉ nhanh chóng - uy tín - giá rẻ - không cần tiền cọc; đồng thời có đầy đủ tên, số điện thoại, địa chỉ email để liên hệ…
Không chỉ rao bán trên mạng, các đối tượng làm bằng giả còn nhắn tin trực tiếp vào các số thuê bao di động. Sau một thời gian tạm lắng xuống, mới đây, nhiều thuê bao di động lại liên tiếp nhận được các tin nhắn kiểu như: Anh (chị) ơi, em nhận làm bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp, cấp 3…và tất cả các loại giấy tờ. Alo em 0965058xxx. Giao hàng mới thu tiền…
Thực tế, bằng cấp, chứng chỉ giả đã xuất hiện từ lâu, nhưng việc rao bán công khai, mua bán dễ dàng chỉ xuất hiện trong mấy năm gần đây. Và đối tượng sử dụng bằng cấp, chứng chỉ giả được phát hiện cũng chủ yếu là cán bộ, công chức nhà nước.
Từ tố giác của người dân, kiểm tra, rà soát ở ngành nào, lĩnh vực nào, cấp nào, địa phương nào cũng phát hiện ra đối tượng sử dụng bằng giả.
Cách nay hơn chục năm, năm 2004, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có đợt thanh tra và phát hiện hơn 10 nghìn trường hợp dùng bằng giả. Hiện nay, Bộ cũng đã phát hiện thêm nhiều trường hợp sử dụng bằng giả, trong đó có cả cán bộ ở cấp Trung ương.
Trong năm 2014, chỉ riêng đường dây làm bằng cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ giả (bị Công an Thành phố Hồ Chí Minh triệt phá) đã bán 600 bằng giả các loại.
Năm 2015, qua rà soát bằng cấp của cán bộ, nhân viên y tế, Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện 20 trường hợp dược sĩ, y sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên xét nghiệm…dùng bằng chuyên môn giả. Trong đó, nhiều cán bộ đang công tác tại một số bệnh viện tuyến tỉnh, như Bệnh viện Đa khoa, Bệnh viện Nội tiết…
Mới đây, tại tỉnh Đăk Nông, cơ quan chức năng của tỉnh đã phát hiện và xử lý hơn 30 trường hợp cán bộ sử dụng văn bằng giả nhằm hợp lý hóa hồ sơ để được bổ nhiệm.
Trên địa bàn tỉnh Kon Tum, đầu năm 2017, cơ quan chức năng đã bóc gỡ đường dây làm bằng tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) giả hết sức tinh vi từ phôi bằng cho đến con dấu, chữ ký của Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh. Và những người sử dụng bằng THPT giả này hầu hết là cán bộ chủ chốt ở các xã thuộc huyện Tu Mơ Rông và huyện Đăk Tô. Đáng chú ý, liên quan đến đường dây môi giới, làm bằng giả này có một số cán bộ, giáo viên…
Như vậy, có thể thấy, lâu nay chuyện sử dụng bằng giả để được tuyển dụng vào cơ quan nhà nước, rồi sử dụng bằng giả để thăng quan tiến chức không còn là chuyện hy hữu. Ngay Thủ đô Hà Nội, cũng đã công khai với dư luận là có nạn bằng giả trong nội bộ, cơ quan có trách nhiệm đã có bằng chứng.
Có “cầu” ắt có “cung”. Việc quảng cáo, rao bán bằng cấp giả một cách công khai như hiện nay chứng tỏ nhu cầu sử dụng bằng giả là rất lớn.
Mặc dù đã có nhiều đường dây làm bằng giả bị triệt phá; nhiều cán bộ, đảng viên dùng bằng giả bị phát hiện đã bị xử lý kỷ luật. Tuy nhiên, việc xử lý kỷ luật với người sử dụng bằng giả thời gian qua chủ yếu là cảnh cáo, chuyển công tác đến cách chức, hoặc cao nhất là cho thôi việc, chưa truy cứu trách nhiệm hình nên chưa đủ sức răn đe. Hơn nữa, việc cán bộ sử dụng bằng giả bị phanh phui, phần lớn đều do người dân tố giác, chứ không phải là tự phát hiện của các cơ quan, đơn vị. Do đó việc mua và sử dụng bằng giả vẫn cứ tiếp diễn.
Để bằng giả không có đất sống, thiết nghĩ, cùng với tăng cường công tác kiểm tra, rà soát hồ sơ, bằng cấp, cần xử lý nghiêm minh cán bộ, đảng viên, công chức mua và sử dụng bằng giả theo quy định tại Điều 267, Bộ luật hình sự. Theo đó, không chỉ người làm giả, mà cả người sử dụng bằng cấp, chứng chỉ giả cũng bị xử lý hình sự.
Hoàng Thúy