Bài học từ việc “chạy biên chế" cho con
Nhằm trục lợi từ những người đang xin việc, ông Nguyễn Xuân Triều (ở xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà) đã rêu rao là mình có thể "chạy biên chế" cho giáo viên tiểu học tại huyện Kon Rẫy. Vì thế, ông Nguyễn Danh Đường (ở thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy) không ngần ngại chạy vạy gom 220 triệu đồng để đưa cho ông Triều “chạy việc" cho con trai mình. Nhưng cuối cùng đó chỉ là "trò lừa tiền" của ông Triều. Đòi lại tiền không được, ông Nguyễn Danh Đường làm đơn tố cáo ông Nguyễn Xuân Triều gửi các cơ quan chức năng…
Theo trình bày của ông Nguyễn Danh Đường, năm 2016, ông biết được huyện Kon Rẫy có đợt thi tuyển biên chế giáo viên tiểu học. Lúc bấy giờ ông Đường có cậu con trai học ngành sư phạm ra trường nhưng chưa có việc làm ổn định. Khi đó, ông Đường được ông Nguyễn Xuân Triều giới thiệu mình có khả năng “chạy biên chế" ngành Giáo dục trên địa bàn huyện Kon Rẫy, nên ông nhờ ông Triều giúp đỡ.
Tin lời ngon ngọt của ông Triều, gia đình ông Đường đã đem giấy tờ nhà đi thế chấp vay tiền ngân hàng và gom góp, vay mượn thêm được 200 triệu đồng để đưa cho ông Triều xin việc cho con trai mình và hứa sau khi xin xong việc sẽ đưa tiếp 20 triệu đồng còn lại. Tuy nhiên, ông Triều không chịu nhận số tiền trên của ông Đường mà ra điều kiện phải đưa đủ số tiền 220 triệu đồng thì ông ta mới lo việc giúp. Không còn cách nào khác, gia đình ông Đường là buộc phải đi “vay nóng” bên ngoài và đưa thêm ông Triều 20 triệu đồng.
Để tạo lòng tin, ngày 30/11/2016, ông Triều đã tố chức để hai bên giao nhận tiền tại nhà ông Nguyễn Xuân Chiên ở đường Nguyễn Thái Học (thành phố Kon Tum). Tại đây, ông Triều viết giấy biên nhận là đã nhận của ông Đường số tiền 220 triệu đồng và hứa sẽ “chạy biên chế" cho con ông Đường, sau 2 tháng kể từ ngày nhận tiền thì con ông Đường sẽ được nhận vào biên chế giáo viên tiểu học tại huyện Kon Rẫy, nếu không sẽ trả tiền lại.
Quá thời hạn nhưng gia đình ông Đường vẫn chưa thấy kết quả con ông được "vào biên chế" giáo viên tiểu học tại Kon Rẫy như ông Triều đã hứa. Trong khi đó, qua tìm hiểu ông Đường biết kỳ thi tuyển công chức trên địa bàn huyện Kon Rẫy đã có kết quả, nên đã yêu cầu ông Triều trả lại toàn bộ số tiền như cam kết ban đầu.
Lúc này ông Triều vẫn không chịu trả tiền và bảo ông Đường cứ tiếp tục đợi thêm một thời gian nữa. Biết mình bị lừa, ông Đường cùng người thân nhiều lần gọi điện thoại và gặp trực tiếp để đòi lại tiền, nhưng ông Triều vẫn không trả.
Bức xúc, ông Đường đã làm đơn tố cáo ông Triều gửi đến Công an huyện Đăk Hà nhờ can thiệp giải quyết. Công an huyện Đăk Hà không nhận đơn của ông Đường với lý do ông Đường giao tiền cho ông Triều ở đâu thì phải gửi đơn ở địa phương đó giải quyết. Vì vậy, ông Đường đã gửi đơn tố cáo vụ việc trên về Công an thành phố Kon Tum.
Khi biết ông Đường làm đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng, ngày 29/3/2017, ông Triều gặp ông Đường để trả lại toàn bộ số tiền 220 triệu đồng mà ông Triều đã nhận ngày 30/11/2016 tại nhà ông Chiên.
Ngay sáng ngày hôm sau (tức ngày 30/3/2017), Công an thành phố Kon Tum gọi điện thoại yêu cầu ông Đường phải mang toàn bộ số tiền trên xuống lại Công an thành phố Kon Tum để cơ quan này tiến hành tạm giữ.
Tuy nhiên, ông Đường trót dùng số tiền ông Triều trả lại để trả một phần nợ nần đã vay mượn nên không đủ số tiền 220 triệu đồng giao nộp lại cho Công an thành phố Kon Tum theo yêu cầu mà ông Đường chỉ giao nộp 50 triệu đồng.
Điều đáng nói là, biên bản tạm giữ 50 triệu đồng của ông Đường - do điều tra viên Nguyễn Đình Sáu thuộc Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Kon Tum lập và ký, không có đóng dấu đỏ của cơ quan công an.
Ông Nguyễn Danh Đường cho biết: Tôi là cán bộ về hưu, chỉ vì mong muốn đứa con trai của mình có việc làm ổn định, lâu dài nên mới bị ông Triều lừa lấy đi số tiền là 220 triệu đồng. Thế nhưng khi gia đình tôi đòi lại được toàn số tiền đã đưa cho ông Triều thì Công an thành phố Kon Tum lại giữ của tôi 50 triệu đồng. Tôi cũng đã đến Công an thành phố Kon Tum để xin lấy lại số tiền trên và rút đơn tố cáo, nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết. Hiện giờ tôi chỉ mong muốn Công an thành phố Kon Tum sớm giải quyết để nhận lại số tiền trên…
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số vụ việc mà những kẻ lừa đảo tung ra chiêu bài "chạy vào biên chế" để lợi dụng lừa tiền những người cả tin, tạo dư luận không tốt trong nhân dân. Đã đến lúc cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc làm rõ có hay không việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân của ông Nguyễn Xuân Triều và xử lý theo đúng pháp luật nhằm tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra.
Vụ việc trên một lần nữa là bài học cho mọi người cần nêu cao cảnh giác trước những lời hứa "chạy biên chế", tránh mắc phải hậu quả tương tự để rồi vướng vào tranh chấp kéo dài và gây ra những hệ lụy không tốt.
Minh Quang