Những đứa trẻ sống dựa vào bà
Bố không may gặp tai nạn và qua đời vào năm 2018, hai anh em Nguyễn Thái Dương và Nguyễn Thị Thảo Nguyên (thôn 4, thị trấn Sa Thầy) chỉ còn biết nương tựa vào mẹ. Vì mưu sinh, người mẹ cũng đành gửi 2 cháu cho bà ngoại Phạm Thị Phung chăm sóc rồi vào Bà Rịa-Vũng Tàu kiếm việc, hơn 3 năm nay chỉ vỏn vẹn vài lần gặp gỡ.
Nguyễn Thái Dương hiện đang học lớp 6, Trường THCS Nguyễn Tất Thành, còn Nguyễn Thị Thảo Nguyên chỉ mới học lớp 2, Trường Tiểu học Lê Hồng Phong. Cả hai em đang sống với bà ngoại, nguồn thu của ba bà cháu trông chờ vào gần 300 cây cao su. Vì lớn tuổi, nên phần lớn công việc bà Phung đều thuê người làm, trừ chi phí thì thu nhập cũng chỉ đủ cho ba bà cháu lay lắt qua ngày.
Bà Phung kể: Thời gian trước, mẹ cháu thường xuyên gửi tiền về để tôi nuôi hai cháu. Mấy tháng gần đây, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, mẹ cháu không có việc làm, tiền ăn cũng không, chỉ trông chờ vào những phần quà hỗ trợ của các nhà hảo tâm, chính quyền địa phương. Còn ở nhà, chính quyền địa phương muốn đưa gia đình cháu vào diện hộ nghèo để được hưởng các chế độ nhưng vì mẹ cháu là chủ hộ hiện không có mặt tại địa phương nên không thực hiện được.
|
Có những lần, con gái gọi về tâm sự, bà Phung nghẹn ngào khi nghe con mình kể về thiếu thốn, khó khăn hàng ngày. Thương con, bà Phung chỉ biết cố gắng bù đắp tình thương cho hai đứa cháu ngoại, cố gắng vun vén để hai cháu được cắp sách đến trường.
“Tôi chỉ mong rằng, dịch mau qua đi để mẹ các cháu có thể làm việc lại bình thường để cùng tôi chăm lo cho hai đứa nhỏ đến khi chúng trưởng thành” – bà Phung trải lòng.
Cũng ở với bà ngoại, cậu học trò A Trưng ở làng Kà Đừ (thị trấn Sa Thầy) mồ côi mẹ từ khi còn bé. Mẹ cậu mất do mắc ung thư, không lâu sau, cha cậu cũng bỏ đi để lại ba đứa con cho bà ngoại chăm sóc.
Trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ, bà Y Kring, năm nay đã ngoài 80 tuổi, kể: A Trưng là con út, hiện đang học lớp 5 tại Trường Tiểu học Lê Hồng Phong. Suốt những năm qua, cậu học trò mồ côi vẫn từng ngày miệt mài đi bộ đến trường học. Ngoài giờ học, A Trưng phụ giúp bà ngoại chăn 2 con bò, và đó cũng là tài sản duy nhất để bà cháu A Trưng bám víu sau này.
|
Bước vào năm học mới, nhờ sự quan tâm của nhà trường, các tổ chức, đoàn thế mà A Trưng đã có đầy đủ quần áo, sách vở tự tin đến trường. Người bà tuổi cao sức yếu chỉ mong rằng cháu bà được học tập như những đứa bạn cùng trang lứa.
Cùng cảnh ngộ với A Trưng, cô bé Y Gia Khuyết ở làng Kleng (thị trấn Sa Thầy) mồ côi mẹ từ khi lọt lòng. Mẹ Y Gia Khuyết đã qua đời khi vừa hạ sinh em, người cha sau đó cũng bỏ đi. Hơn 9 năm qua, hai bà cháu nương tựa nhau nhờ vào số tiền trợ cấp hộ nghèo và tiền công làm thuê của bà. Trong vòng tay của bà ngoại, Y Gia Khuyết từng ngày khôn lớn, cô bé “hạt tiêu” luôn phấn đấu trở thành một học trò giỏi trong lớp để không phụ công ơn bà.
|
Khi nghe chúng tôi hỏi về thành tích học tập, Gia Khuyết nhanh nhẹn chạy vào góc học tập trong nhà, đem những giấy khen nhà trường trao tặng hằng năm ra khoe. Dù không có ba, mẹ, nhưng nhờ hàng xóm, chính quyền địa phương, các thầy cô trong trường luôn quan tâm, giúp đỡ, nên Gia Khuyết vẫn có niềm tin, động lực để vui sống và học hành.
Mong rằng sẽ có nhiều sự quan tâm, giúp đỡ từ các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm và chính quyền địa phương để các em sẽ tiếp tục được học tập, vui chơi, hồn nhiên như bạn bè cùng trang lứa.
Văn Tùng