3 đứa trẻ mồ côi cần lắm sự giúp đỡ
Chỉ trong vòng 6 tháng, bốn chị em Y Khổ (24 tuổi), A Khuẩn (14 tuổi), A Khỏa (11 tuổi) và A Khả (9 tuổi) trú tại thôn Đăk Rơ Wang, xã Đăk Pxi (huyện Đăk Hà) mất cả bố và mẹ. Từ khi bố mẹ qua đời, chị cả Y Khổ gồng gánh nuôi 3 đứa em thơ.
Trong cơn mưa tầm tã, chúng tôi tìm đến ngôi nhà nhỏ giữa lưng chừng đồi tại thôn Đăk Rơ Wang (xã Đăk Pxi). Ngôi nhà khoảng chừng 20m2 trống hoác, chẳng có gì quý giá hơn ngoài chiếc bàn gỗ đã xiêu vẹo, là nơi ba anh em A Khuẩn, A Khỏa và A Khả sống cùng vợ chồng chị gái ruột là Y Khổ kể từ khi bố mẹ qua đời.
Trong gian bếp xập xệ, kể về hoàn cảnh gia đình mình mà đôi mắt của Y Khổ đỏ au. Y Khổ kể, sau nhiều năm chống chọi với bệnh tim, tháng 2/2020, mẹ của bốn chị em qua đời. Từ đó, bố là ông A Thoan gà trống nuôi con. Cuộc sống quanh năm chỉ trông chờ vào 5 sào mì, năm được năm mất, nhiều nhất chỉ thu về gần 10 triệu đồng. Trong hoàn cảnh nghèo khó ấy, ông Thoan lại mang trong mình căn bệnh ung thư gan. Để có tiền trang trải cuộc sống, ông phải cắn răng chịu đau đi làm thuê bất chấp bản thân đang mắc bệnh nặng. Vì làm việc quá sức nên bệnh tình ông Thoan trở nặng, đến tháng 8/2020 ông qua đời.
|
“Tôi không thể tin, chỉ trong vòng 6 tháng, bốn chị em chúng tôi mất cả bố và mẹ. Ngày ấy, 2 đứa anh lớn thì cứ gào khóc suốt, còn đứa nhỏ thì cứ quấy chị, lại còn thường xuyên đau ốm. Bố mẹ qua đời, ngôi nhà trở nên trống vắng. Thương nhớ bố mẹ, tôi thấy trách nhiệm của mình càng nặng nề hơn, phải cố gắng đi làm, kiếm tiền để nuôi em”- nói đến đây, Y Khổ không cầm được nước mắt.
Vợ chồng Y Khổ hiện đang nuôi 2 con nhỏ vốn khó khăn nay lại càng khó khăn hơn khi nuôi thêm 3 đứa em thơ. Để chăm lo cho các em, ngoài số tiền hơn 3 triệu đồng hàng tháng được Nhà nước hỗ trợ cho trẻ mồ côi, Y Khổ đi làm thuê đủ nghề để kiếm thêm thu nhập.
Y Khổ bảo: Từ ngày bố mẹ qua đời, vì cuộc sống quá khó khăn, nên không thể chăm lo đầy đủ cho các em của mình. Lâu lâu, đến đợt nhận tiền hỗ trợ hoặc tiền công làm thuê, Y Khổ mới dám mua ít thịt, cá cho các em ăn. Nhiều lúc thấy các em thiếu thốn, thương nhưng cũng không thể cố gắng hơn được nữa.
|
Hiểu được hoàn cảnh và thương cho những vất vả mà người chị đang gánh vác, mỗi ngày sau những buổi tan học A Khuẩn lại dắt díu 2 đứa em đi bắt cá, mót mủ cao su hay hái măng bán lấy tiền phụ chị trang trải cuộc sống.
Được hỏi về mong muốn của mình, A Khuẩn bộc bạch những điều hết sức giản dị: “Bây giờ, em chỉ mong có sức khoẻ để đi hái măng, mót mủcao su, bắt cá phụ chị thêm chút tiền, để chị bớt khổ cực và em sẽ cố gắng học thật tốt để chị vui lòng”. Nghe em tâm sự về mong ước của mình, gương mặt của Y Khổ ánh lên niềm vui, bởi Y Khổ nhận thấy các em đã trưởng thành trong suy nghĩ. Điều lo lắng nhất của Y Khổ là làm sao có thể bù đắp tình thương cho các em thay phần bố mẹ và lo cho các em được học hành đến nơi đến chốn.
“Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc để các em nghỉ học. Nhưng hoàn cảnh hiện tại của gia đình tôi quá khó khăn, tôi không biết việc học hành của các em sẽ duy trì đến bao giờ. Thế nhưng, tôi vẫn mong mình có đủ sức khỏe, có công việc và kiếm ra nguồn thu để cho các em đến trường, chăm lo cho các em đến khi chúng trưởng thành, có được cái nghề để nuôi sống bản thân” – Y Khổ nói.
Ông Trần Phước Tuấn - Chủ tịch UBND xã Đăk Pxi cho biết: “Ba đứa trẻ là A Khuẩn, A Khoả, A Khả đang được các cấp Hội LHPN tỉnh nhận đỡ đầu. Chính quyền địa phương luôn quan tâm, hỗ trợ với những trường hợp này. Tuy nhiên, về lâu về dài, rất cần sự chung tay, góp sức của các tổ chức, nhà hảo tâm, những tấm lòng nhân ái để các cháu vơi bớt khó khăn, có cuộc sống ổn định hơn”.
Thu Hiền