Mừng cho hàng Việt
Quan sát sự trỗi dậy của hàng Việt có thể nhận ra tần suất những chuyến đưa hàng Việt về vùng sâu vùng xa ngày càng tăng, điều đó cho thấy tình trạng bỏ trống “hậu phương” đã và đang được khắc phục. Nghĩ mà mừng cho hàng Việt!
Tôi đã có một cuộc tranh luận khá gay gắt với bạn đồng nghiệp xung quanh kết quả thực tế của Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Tất nhiên, cả hai đều cố gắng không để cuộc tranh luận ấy ảnh hưởng đến tình bạn tốt đẹp đã có.
Thật ra, cả hai đều có lý. Anh bạn đồng nghiệp thì cho rằng, đúng là hàng Việt đã có dấu hiệu chiếm ưu thế, nhưng còn hơi sớm để nói về sự chiếm lĩnh thị trường; rằng hàng tiêu dùng ngoại, cụ thể là hàng có xuất xứ Thái Lan vẫn tràn ngập ở mọi ngõ ngách.
Còn tôi, từ thực tế được chứng kiến, lại hoàn toàn tin vào nhận định của một chủ cửa hàng tạp hóa lớn đưa ra là: có khoảng 70% – 90% số người tiêu dùng sẵn sàng chọn mua hàng hóa được sản xuất trong nước.
Và tôi gọi đó là sự trỗi dậy đáng tự hào của hàng Việt.
|
Nhưng trước khi có niềm tin về sự trỗi dậy này, cách đây vài ba năm thôi, tôi cũng từng có cái nhìn khắt khe, thậm chí hoài nghi về khả năng “thắng trên sân nhà” của hàng nội địa. Khi ấy, hàng tiêu dùng Thái Lan đang “làm mưa làm gió” trên thị trường.
Năm 2018, khi viết bài tuyên truyền cho Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, tôi đã bày tỏ sự lo lắng, băn khoăn về nỗi hàng Thái Lan có mặt ở khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn, từ cửa hàng tạp hóa đến chợ, siêu thị. Chủng loại hàng thì phong phú vô cùng, từ cây tăm bông, nước rửa chén, đôi dép, bát đũa, chổi lau nhà đến hóa mỹ phẩm, đồ gia dụng, quần áo, các mặt hàng điện tử, điện máy.
Hàng Thái chiếm lĩnh các cửa hàng, quán tạp hóa đã đành, ngay cả doanh nghiệp nhà nước cũng cho nhân viên đi chào bán hàng Thái; khi đổi gas của doanh nghiệp xăng dầu nhà nước, được khuyến mãi, cũng là những mặt hàng Thái.
Chị em phụ nữ truyền tai nhau rằng: Hàng Thái không chỉ mẫu mã đẹp, chất lượng tốt mà còn có giá cả tương đối hợp lý. Và hậu quả trong mỗi gian bếp đều chất đầy hàng Thái, không tivi, tủ lạnh, máy giặt thì cũng mỹ phẩm, giày dép, đồ gia dụng, thậm chí cả cái tăm bông.
Trong khi đó, dù đã có hẳn một Cuộc vận động được triển khai nhiều năm qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thì hàng Việt vẫn chật vật, chưa thể có một vị thế vững vàng trên “sân nhà”.
Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng trên. Lâu nay, hàng hóa Việt Nam dù đã cải thiện nhiều về chất lượng, mẫu mã nhưng nhìn chung vẫn còn tồn tại nhiều điểm yếu cố hữu như: Thương hiệu còn yếu, mẫu mã chưa thực sự nổi bật, hệ thống phân phối mỏng, giá cả chưa thực sự cạnh tranh trong khi chất lượng chưa tương xứng.
|
Một cuộc khảo sát năm 2018 của Ban chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tỉnh về thói quen tiêu dùng của người dân cho thấy, yếu tố được người tiêu dùng trong tỉnh quan tâm nhất vẫn là chất lượng sản phẩm. Việc đảm bảo chất lượng cần được gắn liền với các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, minh bạch thông tin về nguồn gốc xuất xứ, thành phần sản phẩm…
Nhưng bây giờ thì khác. Thị hiếu mua sắm của người tiêu dùng đã chuyển hướng, quan tâm, lựa chọn hàng nội nhiều hơn - Vân, chủ một cửa hàng tạp hóa lớn nhất nhì ở khu vực bùng binh Đăk Cấm (TP Kon Tum) cho biết.
Cửa hàng tạp hóa của cô giống một siêu thị mini hơn. Bởi ở đây có đủ loại hàng hóa, được sắp xếp, trưng bày theo chủng loại, nhãn mác, giá cả dán sẵn, người mua cứ việc lựa chọn thoải mái, sau đó ra quầy tính tiền.
Trên những dãy kệ dài trong cửa hàng, hơn 90% là hàng nội. “Hầu như những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đều có trong cửa hàng của em” - Vân vừa tất bật tính tiền cho khách vừa khoe. Đang là giờ trưa, cửa hàng của cô vẫn khá đông khách.
|
Không nói đến mặt hàng bia rượu, nước giải khát, chỉ riêng mặt hàng bánh kẹo, với các thương hiệu mạnh như Kinh Đô, Bibica, Hữu Nghị, ABC Bakery, Orion, Tràng An…, rồi thực phẩm như Tường An, Vissan, Vifon, Acecook, Masan..., các mặt hàng sữa như Vinamilk, TH, Đà Lạt, Ba Vì…, hàng gia dụng như Duy Tân, Long Thành, Đại Đồng Tiến, Chợ Lớn... luôn là sự lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng - Vân cho hay.
Đặc biệt hơn, theo Vân, nếu như trước đây, các loại xà phòng, mỹ phẩm, dầu gội đầu, kem đánh răng... có xuất xứ Thái Lan gần như chiếm lĩnh hoàn toàn thị trường thì nay các sản phẩm có xuất xứ trong nước đã và đang trỗi dậy, chiếm ưu thế.
Không chỉ bán tại cửa hàng, Vân còn có đội xe tải chuyên vận chuyển hàng hóa cung cấp cho mạng lưới cửa hàng bán lẻ ở một số xã vùng ven thành phố và một số xã vùng sâu ở các huyện Đăk Hà, Kon Rẫy, Kon Plông.
Nếu muốn biết vị thế của hàng Việt trên thị trường bán lẻ, anh chỉ cần để ý hai nơi này sẽ biết: một là xe chuyển hàng của dân buôn như em, hai là gian bếp của bất cứ gia đình nào - Vân hóm hỉnh.
Nghe Vân nói, tôi lại nhớ đến câu chuyện dở khóc dở cười của một gia đình trong xóm. Chị vợ là “tín đồ” của hàng Thái, còn anh chồng là cán bộ xã thì không cần phải bàn cãi, luôn dành sự ủng hộ nhiệt tình cho hàng nội. Giữa 2 vợ chồng xảy ra tranh luận về chuyện nên mua nồi cơm điện trong nước sản xuất hay của Thái Lan. Cuối cùng chị phải chịu thua, vì lý do “hàng Việt bây giờ bền đẹp lại không đắt” mà anh đưa ra. Buổi chiều, anh đắc thắng ôm nồi Sunhouse về trong sự ấm ức của chị vợ.
Không thể phủ nhận vai trò quan trọng, như một “đòn bẩy” để hàng Việt trỗi dậy, của Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Được phát động từ tháng 7/2009, với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, Cuộc vận động đã và đang có sức lan tỏa mạnh mẽ, đi vào chiều sâu, tạo được sự quan tâm, hưởng ứng của mọi tầng lớp, khơi dậy lòng tự tôn dân tộc trong mỗi người.
Nhưng nếu chỉ dựa vào Cuộc vận động, nếu hàng “made in Vietnam” không tự tạo nên khả năng cạnh tranh và chinh phục người tiêu dùng thì sẽ không có sự trỗi dậy ngoạn mục hiện nay.
Không khó để nhận ra, để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng, giành thế chủ động trên “sân nhà”, các doanh nghiệp trong nước đã chủ động đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm; có nhiều chính sách hỗ trợ về giá, thực hiện nhiều chương trình bán hàng khuyến mãi
“Chất lượng, mẫu mã và giá cả quyết định đến sự tồn tại của hàng hóa. Cuộc vận động có thể làm cho người tiêu dùng “ưu ái” hàng nội vài ba lần, chấp nhận mua sắm mặt hàng sản xuất trong nước vài lần, dù không ưng ý, bởi hưởng ứng phong trào, nhưng nếu các doanh nghiệp nội không có những bước đột phá thật sự thì sẽ bị người quay lưng” - đại diện siêu thị Co.opmart Kon Tum nhận định.
Tại siêu thị Co.opmart (thành phố Kon Tum), tỷ lệ người tiêu dùng lựa chọn hàng Việt khi đến mua sắm lên đến trên 90%. Riêng các mặt hàng nông sản, trái cây thì gần như 100%, trong đó có một số mặt hàng “made in Kon Tum”. Nếu như trước đây, khi các loại trái cây nhập ngoại như táo Úc, nho Mỹ... thường hút khách thì nay người tiêu dùng lại chủ yếu chọn hàng trong nước, có xuất xứ từ Đà Lạt, Ninh Thuận…
Quan sát sự trỗi dậy của hàng Việt có thể nhận ra tần suất những chuyến đưa hàng Việt về vùng sâu vùng xa ngày càng tăng, điều đó cho thấy tình trạng bỏ trống “hậu phương” đã và đang được khắc phục.
Nghĩ mà mừng cho hàng Việt!
Hồng Lam