Dấu ấn phiên chợ hàng Việt về Tu Mơ Rông
Phiên chợ hàng Việt về huyện Tu Mơ Rông diễn ra trong 5 ngày, từ ngày 28/10 – 2/11,với quy mô 50 gian hàng của 20 doanh nghiệp tham gia. Tất cả các mặt hàng được bày bán tại phiên chợ đều là hàng Việt với các loại hàng thiết yếu như may mặc, hoá mỹ phẩm, đồ dùng gia đình...
Những ngày cuối tháng 10, đầu tháng 11, huyện miền núi Tu Mơ Rông có phần nhộn nhịp, sôi động hơn bởi không khí rộn ràng tham quan, mua sắm hàng hóa trong 5 ngày diễn ra phiên chợ hàng Việt. Để có được phiên chợ bài bản này, cả doanh nghiệp và chính quyền địa phương phải tốn không ít công sức, nhưng bù lại kết quả phiên chợ đã tạo được dấu ấn tốt đẹp với người dân Tu Mơ Rông.
Chính quyền, doanh nghiệp cùng nỗ lực
Phiên chợ hàng Việt về huyện Tu Mơ Rông là hoạt động nằm trong Chương trình Xúc tiến thương mại Quốc gia năm 2015, với mục tiêu đưa hàng Việt về vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện cho người dân nông thôn được mua sắm các mặt hàng Việt Nam có chất lượng tốt, giá cả phải chăng; đồng thời, giúp hàng Việt “bám rễ” sâu hơn ở vùng nông thôn, thúc đẩy giao lưu thương mại ở các vùng khó. Riêng với huyện Tu Mơ Rông, đây là phiên chợ hàng Việt đầu tiên có quy mô lớn được tổ chức trên địa bàn huyện.
Song theo ông Võ Xuân Sơn –Phó giám đốc Sở Công thương: Khó nhất là việc thuyết phục các đơn vị mang hàng lên trên này bởi tất cả đều tỏ ra ngại ngùng khi phải vượt qua quãng đường rất xa và khó để chở hàng vào huyện. Chính quyền địa phương thì lo không biết người dân có ủng hộ chương trình này, việc tổ chức tập trung tại trung tâm huyện có thu hút được người dân hay không bởi các xã đều ở quá xa... Đắn đo, nhưng cả chính quyền địa phương và doanh nghiệp đều quyết tâm phải nỗ lực tổ chức bằng được một phiên chợ quy mô, bài bản; phải vận động được người dân hưởng ứng, để phiên chợ này phải là những ngày hội mua sắm, giao lưu văn hoá; qua đó, góp nâng cao kiến thức tiêu dùng cho người dân; tạo một dấu ấn riêng của phiên chợ hàng Việt ở vùng khó.
Theo đó, khi kế hoạch tổ chức phiên chợ đã được ấn định, huyện Tu Mơ Rông đã triển khai tới tất cả các xã; các xã nhanh chóng thông báo cho các thôn để tuyên truyền, vận động người dân hiểu về ý nghĩa, mục đích của phiên chợ và ủng hộ. Đặc biệt, các địa phương trong huyện đã phát huy tốt vai trò của già làng, thôn trưởng; mỗi làng một cách làm, có nơi thì lồng ghép trong các buổi họp thôn, có nơi thì cán bộ đến nhắc từng nhà, nhắc sớm để người dân chuẩn bị tiền bạc, sắp xếp thời gian; đến cận ngày khai mạc phiên chợ, cán bộ thôn đi nhắc lại một lượt nữa để người dân khỏi quên. Huyện Tu Mơ Rông thì tạo điều kiện tối đa cho các đơn vị bán hàng trong suốt thời gian phiên chợ diễn ra, từ cơ sở vật chất, điện, nước, đến giữ gìn an ninh trật tự...
Nhiều doanh nghiệp nghe nói đến Tu Mơ Rông đều ái ngạị, nhưng phần vì “bị” Ban tổ chức thuyết phục, phần vì muốn thăm dò, thâm nhập thị trường vùng sâu, vùng xa; riêng một số doanh nghiệp trong tỉnh, họ tham gia phiên chợ còn bởi muốn đáp lại tình cảm của người dân Tu Mơ Rông đã cùng họ đồng hành trong suốt chặng đường đưa hàng Việt về nông thôn thời gian qua. Thế nhưng, để mang được hàng vào huyện, nhiều doanh nghiệp đã phải bốc hàng lên, bốc hàng xuống cả mấy lần bởi đường đi khó khăn, đèo dốc; có những doanh nghiệp đã có ý định quay về, nhưng sau nhiều đắn đo, họ đã cố gắng vượt qua những trở ngại về đường xá để tham gia phiên chợ.
Đến ngày 28/10, phiên chợ hàng Việt về huyện Tu Mơ Rông đã diễn ra đúng kế hoạch với quy mô 50 gian hàng của 20 doanh nghiệp tham gia. Tất cả các mặt hàng được bày bán tại phiên chợ đều là hàng Việt với các loại hàng thiết yếu như may mặc, hoá mỹ phẩm, đồ dùng gia đình... giá cả khá phải chăng, phù hợp với nhu cầu và túi tiền của người dân trong huyện.
Ngày hội hàng Việt ở Tu Mơ Rông
Đáp lại sự kêu gọi của chính quyền địa phương, sự nỗ lực của doanh nghiệp; người dân Tu Mơ Rông đã hưởng ứng rất tích cực bằng việc tham quan, mua sắm hàng hoá; bằng cả những chương trình giao lưu văn hoá, văn nghệ rất sôi nổi.
|
5 ngày diễn ra phiên chợ có thể nói là 5 ngày hội của người dân Tu Mơ Rông. Ban ngày, người dân ở các xã xa như Măng Ri, Tê Xăng, Ngọc Yêu, Ngọc Lây, thậm chí cả Đăk Sao, Đăk Na cũng tới mua sắm; buổi tối, người dân ở những xã gần như Đăk Hà, Tu Mơ Rông cũng tranh thủ ra mua sắm, rồi xem biểu diễn văn nghệ; thanh niên các làng cũng tranh thủ cơ hội để hát múa, giao lưu văn hoá... Dòng người ra vào đông như trẩy hội. Ai cũng háo hức, tỏ ra vui vẻ, hài lòng về cách tổ chức, quy mô, hàng hoá bày bán ở phiên chợ này.
Ông A Xem (làng Ngọc Leng, xã Đăk Hà) hồ hởi: Mấy hôm trước, nghe thôn trưởng thông báo có phiên chợ hàng Việt lớn lắm, hàng hoá phong phú lắm và sẽ được tổ chức ở huyện, cả nhà tôi từ già đến trẻ đều rất háo hức, mong đến ngày khai mạc để ra xem rồi tranh thủ mua ít xà bông, dầu ăn để dành dùng dần; mua quần áo ấm cho lũ trẻ con khi mùa lạnh... Hôm khai mạc, tôi chở các cháu ra huyện từ sớm, tham quan hàng hoá, thấy mặt hàng nào cũng đẹp, cũng vừa ý nên thích lắm; đến tối, còn xem ca nhạc, rất vui.
Còn chị Y Bích (làng Đăk Ka, xã Tu Mơ Rông) thì chia sẻ: Chưa bao giờ mình thấy nhiều hàng hoá đến thế, các mặt hàng đều rất phù hợp với nhu cầu, khả năng của người dân; đặc biệt, so với hàng hoá bán ở các cửa hàng tạp hoá trong xã và hàng rong thì phong phú hơn, rẻ hơn. Tranh thủ cơ hội này, mình phải mua ít đồ gia dụng, tiêu dùng hàng ngày, quần áo cho cả nhà. Mình chỉ mong, mỗi năm ít nhất có một phiên chợ như thế này để dân mình có cơ hội mua sắm hàng Việt Nam chất lượng cao, từ đó cũng biết cách nhận biết hàng Việt chính hãng; phân biệt với hàng hoá kém chất lượng, hàng Trung Quốc phẩm cấp thấp.
Nhìn chung, hàng hoá tại phiên chợ được người dân Tu Mơ Rông đánh giá cao cả về mẫu mã, chủng loại, giá cả, chất lượng. Hàng hóa được niêm yết giá bán đầy đủ nên người dân không bị làm giá, bị hớ; rất nhiều mặt hàng còn có khuyến mãi, giảm giá - điều mà người dân Tu Mơ Rông ít có cơ hội được tiếp cận. Chính về vậy, nhiều người đã không ngại ngần chi mạnh tay để mua sắm. Sức tiêu thụ khá mạnh, làm ngỡ ngàng cả những người tổ chức và cả doanh nghiệp tham gia bán hàng…
Thuỳ Hương